“Chiến lược cuộc đời” – Dấu hỏi trong thế giới đa nhiệm

Thứ Bảy, 19/03/2022, 10:43

Cơn sốt trong tương lai gần của trái đất chúng ta sẽ không phải chỉ là dịch bệnh, chiến tranh, chuyển nhượng bóng đá  hay giá dầu mỏ, mà sẽ là sốt… ruột. Đối diện với một thế giới đa nhiệm, từng phút giây yêu cầu ta phải cập nhật, xử lý công việc tức thời, và muôn vàn căng thẳng, có lẽ việc đáng làm nhất của chúng ta là ngồi lại bên ly trà sáng - không phải để quay tiktok - mà là để nhìn lại chính mình, trong một kỹ nghệ lớn lao của đời sống. Đó là tổ chức chiến lược cuộc đời.

Quy hoạch năng lượng sống

Frédéric Beigbeder - một nhà văn hài hước của nước Pháp đương đại - rất cực đoan trong quan điểm rằng con người tiến hóa từ vẹt chứ không phải tinh tinh. Ông không ngừng ngạc nhiên về bản tính “ngồi lê đôi mách” và ưa hóng chuyện của “homo sapiens”. Tuy nhiên, tình hình có lẽ không tệ như vậy. Việc mất thời gian quý báu vào những chuyện tán gẫu hay hóng chuyện xoàng xĩnh là một đặc ân của chúng ta so với các loài vật khác. Nó làm ta có nơi tạm trú khỏi một thế giới quá ư nghiêm ngắn và bí ẩn, và thật ra tán gẫu là để giải tỏa những suy tư gắt gao về thế giới mà ta đã cố tránh né vì quá bận rộn.

“Chiến lược cuộc đời” – Dấu hỏi trong thế giới đa nhiệm -0
Chúng ta là chủ nhân cuộc đời mình. Ảnh: S.t

Nhưng hóng chuyện nhiều quá thì lại không tốt. Sau khi mạng xã hội ra đời, cái đặc ân nêu trên phóng to ra thành một cuộc triển lãm kì vĩ. Lúc nào lên facebook ta cũng có sẵn chủ đề để tranh luận, từ việc có nên bỏ Tết âm, bánh chưng là cao lương hay tầm thường cho đến lời qua tiếng lại của các văn nghệ sỹ. Tránh chỗ đó ra thì rơi ngay vào tiktok. Dần dà, người ta không chịu nổi nỗi vắng mặt của mình trên một diễn đàn nào đó, mà suy cho cùng, không mang lại cho họ cảm hứng gì mới mà lại mất thời gian. Chưa kể, nó làm ta có cảm giác thế gian thật là nực cười, còn ta thì là kẻ tử tế. Đó là một dạng của lãng phí năng lượng.

Nhưng có một số những người không lên mạng và vô can với các chuyện phiếm, thì lại đau khổ kiểu khác. Tôi có một người bạn như vậy. Anh ta rất coi thường các tranh cãi vô bổ. Mỗi khi gặp nhau, thấy tôi mang mặt cười và dáng điệu tung tăng của kẻ vô sự, anh ta thấy thích lắm. Là bởi vì anh ta đang vừa làm công sở, vừa phải lo nhiều chuyện gia đình. Anh ta nhìn kẻ khác và tự hỏi sao cũng ngần ấy thời gian mà họ vui vẻ hơn, không phải phiền não thái quá.

Ấy là vì anh ta hay để ý người khác nghĩ gì về mình, và nữa, luôn sợ sự thiếu hoàn chỉnh trong công việc và cuộc sống. Để đến khi nào đó ôm đồm đủ nhiều, nó xoay mũi súng về phía anh: làm quá nhiều, dẫn đến sai lầm và tự trách móc bản thân. Đó cũng là một dạng của lãng phí năng lượng. Thực tế, có nhiều người bận rộn, nhưng họ không hề tiến lên trong cách tư duy và trong uy tín xã hội của mình. Chúng ta ai cũng có một phần của hai dạng người kể trên, và bài toán của ta luôn là quy hoạch năng lượng sống. Bởi cuộc đời thì vừa ngắn vừa quá dài, thừa chỗ cho ta làm một tỷ việc linh tinh nhưng lại chỉ vừa đủ (và hơi hụt) thời gian để kiến tạo tối đa một ý nghĩa sống. Chưa kể già - trẻ - khoẻ - yếu mỗi giai đoạn lại mang đến những tình thế khác nhau. Làm sao để dồn lúc phong độ cao nhất cho những công việc quan trọng nhất đối với cá nhân ta, đó chính là bài toán khó!

Mười việc điểm năm hay năm việc điểm mười?

Một trong những quan niệm sai lầm tôi đọc được từ sách Self-help, đó là: chúng ta là phép cộng của những tiếng đồng hồ. Những lý thuyết kiểu như mười lăm phút học tiếng Anh mỗi sáng, hay quy luật bốn mươi - một… thường nói với chúng ta rằng nếu ta trích một phần thời gian để làm một việc gì đó và duy trì đều đặn, chúng sẽ tích luỹ thành những điều có ích lợi trong tương lai. Nhưng đâu có đúng như vậy. Trước hết, năng lượng của mỗi người không phải là tuyến tính: ta bị cai trị bởi các suy nghĩ liền mạch và vô số tình huống khách quan phải xử lý. Như vậy, ta không hạnh phúc thường là bởi ta sốt ruột: một luồng suy nghĩ này trói chúng ta, trong khi ta phải nghĩ sang việc khác, trước khi vội vàng quay trở lại.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đa nhiệm, đề cao tính chất mắt xích của mỗi cá nhân. Bạn có thể làm hại người khác bằng cách tắt Zalo hay Messenger trong vòng hai giờ đồng hồ. Bằng cách cho ta những công cụ tiện lợi hơn, thế giới đa nhiệm đòi hỏi ta xử lý nhiều hơn. Nhưng không có gì đáng nghi ngờ bằng công cụ bởi nếu không cẩn trọng, ta trở thành kẻ phục vụ cho công cụ thay vì nó phục vụ ta. Rồi chúng ta sẽ thấy ngày càng ít đi những nhân viên công sở “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. Chúng ta làm việc, suy nghĩ về công việc trừ lúc ngủ. Và nếu bạn là người tham công tiếc việc, bạn sẽ sợ cả sự nghỉ ngơi vì việc nằm không một chỗ khiến bạn cảm thấy mình đang đợi cái chết.

Ở trong một thế giới như vậy, một hôm tôi nhận ra trong các doanh nghiệp và tổ chức lớn, kẻ được trọng dụng là những người có biệt tài tổ chức: biết sử dụng đều đặn và ổn thỏa tài năng của những người khác, và biết sắp xếp để không đồng đội nào của họ bị quá tải hay thiếu sự khích lệ.  Có một thời kì, tôi dành toàn bộ thời gian của mình cho công việc và phát hiện ra rằng tôi có thể làm mọi thứ hoàn hảo. Nhưng rồi, sau vài lần lặp đi lặp lại, khi cảm hứng của tôi vơi dần, những người cộng sự của tôi cũng không thể thay tôi làm một vài việc chuyên trách mà họ không hề được đào luyện. Kết quả là tôi kém đi trong mắt họ, và đương nhiên, họ cũng không giỏi lên. Vì tôi vô tình làm cho họ thành ra như thế.

Tức là cuối cùng, khả năng sắp xếp của con người vẫn là điều quan trọng nhất, hơn là sự tiện lợi của công cụ. Cái cần quy hoạch không phải là thời gian, mà là ý nghĩ. Những luồng suy nghĩ cần được rẽ lối, uốn nắn, những tế bào thần kinh cần được ve vuốt cho những suy tư trang trọng nhất, theo triết lý của một nhà thám tử nổi tiếng trong truyện trinh thám Châu Âu. Sự chú tâm của chúng ta chỉ có một và nó phải dành cho điều quan yếu nhất. Ai cũng hiểu rằng một người làm năm việc điểm mười luôn tốt hơn là mười việc điểm năm. Và tất nhiên, người đời luôn nhớ đến những thành quả xuất chúng nhiều hơn là chuỗi các công việc được hoàn thiện không một tiếng vang. Thế nhưng, ta cũng cần tạo cơ hội cho những người khác được giúp đỡ mình. Ta có thể làm như sau: chọn lấy một điểm xuất chúng ta có thể vươn tới, chấp nhận sự thiếu hoàn hảo của những việc khác và dành quãng thời gian dễ thở ấy để đặt hy vọng vào người đồng đội của mình.

Chiến lược cuộc đời

Người ta thường ái mộ các nhà văn Nhật Bản vì lề lối làm việc của họ: họ luôn biết họ phải làm gì vào thời điểm nào. Không ví dụ nào sáng danh như Haruki Murakami: đến một lứa tuổi, ông bỗng hiểu rằng mình cần viết văn, và ông làm điều đó đến cùng bằng một kỷ luật khủng khiếp. Murakami chạy việt dã, duy trì thói quen mua đĩa nhạc Jazz mà ông thích, nuôi mèo, tập sống giản dị, tránh xa sự nổi tiếng của chính mình. Ông thường xuyên suy nghĩ - không phải về tác phẩm - mà là về việc khi nào thì ông có cảm hứng lớn nhất. Ông đo lường và nuôi dưỡng nó y như người ta chăm sóc bình rượu ngâm. Một nhà văn gốc Nhật khác cũng như vậy: Kazuo Ishiguro. Ông không cố viết nhiều, nhưng đã viết thì phải chuẩn bị tiền nong và địa điểm thuận lợi, đóng cửa và sắp xếp để thế giới ngừng làm phiền mình qua Internet. Các đội nhóm sáng tác truyện tranh thường tụ họp với nhau ở một nơi nghỉ dưỡng, họ làm việc liên tục trong mười hai giờ và vui chơi trong mười hai giờ còn lại, với một mục tiêu chung là nghĩ bằng được ý tưởng thì mới thôi. Đó là những gì minh chứng cho chiến lược cuộc đời đúng đắn thì tạo ra những thành quả hợp lí.

Sốt ruột là một trong những nỗi bất hạnh nổi bật của con người, được tăng lên nhiều hơn trong thời buổi Internet. Nhưng chúng ta có thể chiến thắng được nó, nếu ta để ý đến nó, như thể canh một con chuột không cắn thức ăn của ta. Không, ở đây chúng tôi không khuyên bạn ngồi thiền, hay tìm một nơi vắng vẻ xả stress, chúng tôi không cổ vũ bạn đi tạm lánh, dù điều đó hầu như là thói quen tốt. Thậm chí tôi cũng không tin vào việc “xả stress”: cũng như một công cụ, nó chỉ đúng cho những ai biết cách sử dụng.

Ta cần cư xử với công việc như cư xử với một cây trồng, tưới tắm cho nó, ngắm nhìn nó và che chở cho nó. Muốn có chiếc cây ấy, ta sẽ phải dọn đất để trồng, có kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả, đừng lơ mơ trong các mối quan hệ tình cảm và hạn chế kẻ thù. Kẻ thù của chúng ta cũng có thể là trái tim yếu đuối trước những gièm pha hay nhận xét vô tư quá đỗi của người khác. Và muốn trồng chiếc cây ấy, hẳn đừng nên nghĩ đến việc kiếm tiền từ bán nông phẩm: bản thân công việc ta đang săn sóc phải mang lại an bình cho cuộc đời ta.

Tất nhiên chúng ta không hoàn hảo - dù có tiến hóa từ tinh tinh hay vẹt - chúng ta vẫn yêu những chuyện phiếm, nói xấu bạn bè và xem tiktok. Chúng ta cũng không phải là những ông chủ, có thể tự điều chỉnh kế hoạch của mình. Nhưng chúng ta là chủ nhân cuộc đời mình: ta có đủ quyền thương lượng với chính mình, chẳng hạn bớt tham đi một chút, hụt thu nhập đi một chút, ta có thêm thời giờ để làm ra những điều mình yêu thích và hứa hẹn thành quả cao.

Đức Anh Kostroma
.
.
.