Xin lỗi, rồi sao nữa?

Xin lỗi cho ai

Thứ Sáu, 01/04/2016, 09:15
Một vụ việc vô tiền khoáng hậu vừa xảy ra tại TP HCM, khi mà chấp hành chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, nhiều cơ quan chức năng đã gặp gỡ và xin lỗi nữ du khách Ai Cập khi bà này không may bị giật đồ tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM.

Vừa xin lỗi xong du khách này thì ngay tắp tự có du khách Ba Lan khóc thét vì bị giật điện thoại khi đi dạo trên cầu Kênh Xáng, huyện Bình Chánh, TP HCM. Cho đến giờ vẫn chưa có lời xin lỗi nào được đưa ra đối với nữ du khách Ba Lan.

Trâu chậm uống nước đục chăng?

1. Koh Guan Seng (38 tuổi), Kam Kok Keong (31 tuổi), Lim Hong Ching (34 tuổi) và Kelvin Lim Zhi Wei (32 tuổi) là các nhân viên bán hàng làm việc tại cửa hàng điện thoại di động Mobile Air, đã bị tòa án Singapore kết án vì có liên quan đến hoạt động lừa đảo, nhằm chiếm đoạt số tiền lên đến 16.149 USD của các khách hàng, những người này phải chịu mức án tù từ 4 đến 14 tháng.

Cửa hàng điện thoại di động Mobile Air sẽ xa lạ với toàn bộ người Việt nếu không xuất hiện hình ảnh anh thanh niên người Việt quỳ khóc vì bị lừa khi mua điện thoại tặng cho bạn gái trong chuyến du lịch tại đảo quốc sư tử này. Hình ảnh ấy tạo nên những cảm xúc riêng biệt tùy theo quan điểm của mỗi cá nhân lúc được lan truyền trên mạng Internet.

Chính quyền Singapore có xin lỗi du khách Việt không? Họ không xin lỗi, họ xử lý những cá nhân lừa đảo. Một công dân nước này đứng ra thành lập quỹ ủng hộ du khách Việt, xem như là lời xin lỗi của họ, quỹ ủng hộ này nhanh chóng thu hút được sự đồng tình của các công dân Singapore.

Minh họa: Hữu Khoa.

Những thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới, như: Caracas (Venezuela), Rio De Janeiro (Brazil)… du khách đều được khuyến nghị hãy cẩn thận với tài sản của chính mình. Nhất là vào mùa có nhiều sự kiện diễn ra trên đường phố, du khách được khuyên nên để tài sản lại khách sạn nếu muốn tham gia vào các trò vui trên đường. 

Trước đây, cơ quan chức năng tại TP HCM từng phát tờ rơi in song ngữ đề nghị du khách nên cẩn thận với tài sản của mình, đây là cách làm rất sáng tạo và cần thiết. Tiếc rằng, các nhà báo đã quá tự tôn dân tộc mà viết bài bỉ bai việc đó liên tục và một số cơ quan chức năng tại thành phố này thì lại quá non gan.

Một đồng nghiệp của tôi bị móc sạch túi ở bến tàu điện ngầm tại Paris (Pháp), một đồng nghiệp khác không còn gì tại Milan (Ý)…

Không có ai xin lỗi họ cả, tuyệt nhiên không có ai.

2. Một thành phố an toàn, là một thành phố mà người dân cảm thấy yên tâm khi ra đường bất kể đêm hôm khuya sớm. Một thành phố an toàn là một thành phố mà người dân có thể tự tin gọi điện thoại trên vỉa hè, chụp ảnh ở quảng trường trung tâm. Thậm chí, là đeo một ít trang sức ra đường khi họ có nhu cầu làm đẹp.

Một thành phố du lịch thân thiện là một thành phố mà công dân biết hướng dẫn du khách khi họ hỏi đường, một thành phố du lịch tử tế là một thành phố mà tài xế taxi không ăn gian tiền cước của du khách, những tiểu thương không mài sẵn dao sắc để rạch ví của du khách lúc họ tìm đến mua đồ, những hướng dẫn viên du lịch không bàn kế với chủ đồ lưu niệm nâng giá món hàng…

Những thành phố cho thị dân và cho du khách ấy phải được hình thành từ một ý thức văn minh đô thị của công dân. Ý thức này được hình thành từ một tư duy thiện mỹ thật sự chứ không chỉ là những hoa hòe hoa sói hình thức, thứ hình thức mà tôi nghĩ rằng là thô thiển.

Ngoài ý thức thị dân, còn là một chính sách hợp lý về an ninh, những cơ quan chức năng đủ mạnh và nghiệp vụ để đảm bảo an toàn trật tự.

Một thành phố du lịch muốn du khách quay trở lại không bắt nguồn từ lời xin lỗi vì du khách bị cướp tài sản, bị trấn lột hay bị xin đểu. Một thành phố du lịch cũng không thể tạo sự cảm thông cho du khách bằng một chuyến du lịch trong nước miễn phí vì du khách vô tình bị biến thành nạn nhân của sự bất an xã hội.

Không ai trong chúng ta đi du lịch đến một quốc gia khác mà mong muốn trở thành tâm điểm của truyền thông, lại càng không mong muốn biến thành một cơ hội cho hình thức lên ngôi.

3. Tất nhiên, khi một du khách gặp sự cố tại thành phố mà họ tìm đến để du lịch và thông tin này được chuyển tải đầy trên mạng xã hội. Chính quyền phải làm nhiều cách để trấn an, để ổn định lòng người, chính quyền phải làm mọi cách để an ủi sự không may mắn của du khách ấy.

Tôi rất không muốn đưa ra quan điểm, một thành phố năng động luôn chứa đựng rủi ro. Đó gần như là quy luật của phát triển. Thành phố càng năng động, càng là trung tâm kinh tế xã hội quan trọng thì luôn song hành những tệ nạn, ấy là tình trạng các băng nhóm xã hội đen, các vấn đề về an toàn dân sinh.

Thế nên, vấn đề là cần một giải pháp để hạn chế đến mức tối thiểu những chuyện không hay ho xảy ra cho thị dân lẫn du khách. Chứ không phải là một cái mặt nạ cố gắng lịch sự khi chuyện đáng tiếc xảy ra.

Xin lỗi luôn cần thiết để an ủi, nhưng lời xin lỗi chỉ tỏa ra năng lượng tích cực trong bối cảnh phù hợp. Chứ không phải là lời xin lỗi từ cơ quan này xong đến cơ quan khác xếp hàng để xin lỗi nhằm phục tùng theo ý chí chủ quan của một cá nhân nào đó.

Một thành phố muốn phát triển xa hơn phải có biện pháp thích hợp để hành động, một thành phố không phải là một công trình xây dựng với model trưng tấm biển “Xin lỗi vì sự bất tiện” rồi bên trong cứ thoải mái làm ồn với khói bụi mịt mù.

Lời xin lỗi cho ai, ai cần lời xin lỗi, cũng là câu hỏi mà những lãnh đạo có tâm có tầm ở một thành phố cần nghiêm túc suy nghĩ để thực hiện. Lời xin lỗi dễ bật ra cũng khiến giá trị bị giảm đi, chỉ còn từa tựa như một tiểu phẩm kịch hài.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.
.