Tương lai nào cho NATO

Thứ Tư, 27/11/2019, 09:32
Ngày 4-4-1949, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết giữa Mỹ và 5 quốc gia châu Âu đầu tiên làm nền tảng hình thành một liên minh quân sự tồn tại lâu nhất thế giới hiện đại: NATO. Nhưng, lịch sử 70 năm của liên minh quân sự này đang đứng trước câu hỏi về giá trị sự tồn tại của mình khi thế giới đã và đang biến đổi mạnh mẽ.

Từ một liên minh hùng mạnh

Điều khoản quan trọng nhất của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là điều số 5. Theo đó, chỉ cần một thành viên bị tấn công quân sự, NATO sẽ xem đó là việc tấn công vào mọi nước thành viên của mình. Điều khoản này tạo ra thách thức lớn đối với những kẻ thù tiềm tàng của bất cứ thành viên nào trong khối. Hãy thử tưởng tượng: nếu bất cứ lực lượng nào gây hấn với Công quốc Luxembourg nhỏ bé, nó sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ những thế lực quân sự hàng đầu thế giới, của cả Mỹ - Anh hay Pháp.

Lịch sử ghi nhận, điều khoản này đã được áp dụng lần duy nhất khi Mỹ xảy ra sự kiện 11-9-2001 và kẻ thù được nhận diện khi đó là Taliban. Lập tức, cuộc chiến Afghanistan được phát động, với chiến thắng dễ dàng thuộc về nguồn lực gần như không giới hạn của Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Từ 12 quốc gia ban đầu, NATO đã tăng lên 15 quốc gia vào năm 1955, khi Tây Đức gia nhập. Sự kiện đó kéo theo việc một liên minh quân sự khác có tính đối trọng được chính thức thành lập - Tổ chức Hiệp ước Warszawa. Khối Warszawa với những thành viên thuộc phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũ đã song hành tồn tại với NATO cho đến năm 1989 thì giải thể. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi cùng giải thể đến từ khối Warszawa, NATO vẫn tiếp tục tồn tại và không ngừng phát triển.

Một đội quân hùng mạnh được tập hợp duới lá cờ chung.

Những hoạt động thực chiến đầu tiên của NATO đã diễn ra sau đó ở Nam Tư cũ từ năm 1991 đến 1999, rồi Afghanistan, Iraq và Lybia sau năm 2001, liên tục chứng tỏ sức mạnh vượt trội của liên minh quân sự này. Từ những đối thủ truyền thống, NATO đã chuyển sức mạnh của mình hướng tới tận Trung Đông và Nam Á. Sự gia nhập của một loạt cựu thành viên khối Warszawa vào NATO những năm sau đó đã khẳng định cho sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn của khối này trong các vấn đề an ninh tại châu Âu cũng như trên toàn thế giới.

Những rạn nứt

Nhưng, đồ thị bành trướng của NATO bắt đầu khựng lại khi cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014 nổ ra giữa Nga và Ukraine.

Trước một Ukraine đang rất nóng lòng được gia nhập NATO và sẵn sàng “gây sự” với nước Nga, NATO đã không có một hành động cụ thể nào để bảo vệ "đồng minh tiềm tàng" này, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý.

Chưa hết, cuộc khủng hoảng Ukraine còn kéo theo nhiều cuộc nổi dậy những các lực lượng ly khai ở các tỉnh miền Đông như tại Donetsk và tỉnh Lubansk, mà tình hình vẫn còn dai dẳng đến tận hôm nay. Thế nhưng, thay vì hỗ trợ quân sự như đã hứa hẹn, NATO gần như bỏ rơi Ukraine trước những lực lượng thân Nga đang ngày một lớn mạnh sẵn sàng chia nhỏ đất nước này để trở thành các vùng tự trị riêng biệt xa rời với chính quyền tại Kiev.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã không chỉ làm dừng lại tiến trình mở rộng sang phía Đông của NATO mà còn đặt ra câu hỏi lớn với những thành viên mới của nó, về giá trị của những cam kết tồn tại trong bản hiệp ước được ký từ 70 năm trước, khi nguyên tắc phòng thủ tập thể không còn được bảo đảm. Trong khi đó, ở Afghanistan, Iraq hay Libya, bất chấp các thắng lợi, sự hiện diện quân sự của NATO vẫn không mang lại hòa bình. Điều này cũng khiến cho uy tín của khối ngày càng mai một.

Thế nhưng, cú đấm mạnh nhất vào NATO chỉ đến cách đây hơn một tháng khi lần đầu tiên trong lịch sử, một thành viên NATO đã bỏ qua sự tham vấn với bộ chỉ huy tối cao để tự mình phát động một cuộc chiến tranh bên ngoài lãnh thổ của mình, đó là Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch mang tên “Mùa xuân hòa bình” bắt đầu từ ngày 8-10 vừa qua với những cuộc không kích các mục tiêu người Kurd ở Đông Bắc Syria, rồi được tiếp nối bằng các cuộc tấn công trên bộ từ ngày 9-10, là một hành động đơn phương của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Mỹ vừa rút lui khỏi khu vực này còn các nước châu Âu thì ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì xảy ra.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia có lực lượng quân sự lớn nhất của NATO và đang dẫn đầu trong công cuộc chống khủng bố của khối này ở Trung Đông. Tình hình sau đó đã lắng dịu khi Nga vào cuộc và NATO thì gần như phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Nhưng phải chăng, những cam kết về một liên minh quân sự hành động dựa trên sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên đã chỉ còn là quá khứ?

Tồn tại để làm gì?

Nếu xét trên văn bản gốc của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thì NATO là một liên minh phòng thủ, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng cho châu Âu trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Nó cần có một đối thủ để tồn tại. Nhưng sau sự giải thể của Khối Warszawa và sự tan rã của Liên bang Xôviết, một khoảng trống đã xuất hiện.

Mối quan hệ đối thoại và hợp tác giữa Nga và NATO trong suốt thời gian dài khiến cho sự tồn tại của NATO với vai trò như một lá chắn của châu Âu ở phía Đông trở nên vô nghĩa. Chính vì thế NATO bắt đầu đi tìm những kẻ thù mới.

Từ Milosevic ở Nam Tư cho đến Taliban ở Afghanistan hay Bin Laden ở Trung Đông đều đã được biến thành kẻ thù tiềm tàng đối với NATO và phải bị tiêu diệt. Thay vì bảo vệ hòa bình cho châu Âu, NATO thậm chí đã gây ra cuộc chiến tranh đầu tiên tại châu lục này sau Thế chiến 2 - chiến tranh Balkan và rồi không ngừng mở rộng về phía Đông để rồi tạo nên cuộc khủng hoảng Ukraine với những tổn thất người và của mà quốc gia này phải gánh chịu. Trong khi đó, những quyết định đơn phương của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria trong thời gian qua đã làm dấy lên câu hỏi về vị trí và vai trò đích thực của NATO hiện đại.

Khi những nhà lãnh đạo đã không còn nhìn chung một hướng.

Sự chia rẽ của NATO càng lớn hơn khi Mỹ ngày càng trở nên xa rời những nguyên tắc ban đầu của khối. Việc lôi kéo NATO vào những cuộc xung đột bên ngoài châu Âu đã khiến cho các đồng minh châu Âu trở nên chia rẽ. Anh có lẽ là nước nhiệt tình đi theo Mỹ trong những vấn đề toàn cầu nhất và ngày một xa cách với châu Âu. Đức, quốc gia giàu có nhất cựu lục địa thì luôn tìm cách tiếp cận vấn đề một cách mềm dẻo nhất. Thổ Nhĩ Kỳ, “quan ải” của NATO ở khu vực phía Đông Nam Âu, ngày càng xích lại gần với Nga, kể cả lĩnh vực an ninh quốc phòng, sau thời gian dài cảm thấy mình bị “ghẻ lạnh”.

Trong khi đó, Pháp dù đã quay trở lại bộ chỉ huy hợp nhất của NATO nhưng cũng không thể tìm được tiếng nói chung với Mỹ trong nhiều vấn đề. Sự bất đồng về lợi ích đã gây nên những quan điểm trái ngược này và đang làm tan rã NATO từ bên trong.

Đặc biệt, dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ thậm chí còn đòi hỏi quyền lợi của mình trước các đồng minh truyền thống. Tính gắn kết của các “chiến hữu sinh tử” bỗng trở thành một món hàng để mang ra trao đổi và ngã giá. Lối hành xử thiếu nhất quán của chính quyền Washington với các đồng minh và cả kẻ thù đang đẩy EU vào thế tiến thoái lưỡng nan. Liệu đã đến lúc EU cần một giải pháp thay thế cho NATO?

Mới đây, chính Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận xét: NATO hoàn toàn không có sự phối hợp trong các quyết định mang tính chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh EU. Đó là một NATO "đang chết não". Lời nhận xét đó diễn ra trong bối cảnh EU, với sự dẫn đầu của Pháp và Đức, đang thúc đẩy việc thành lập một lực lượng quân đội chung, hành động độc lập với NATO với mục đích phòng thủ riêng cho châu Âu, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2025. Với những bước đi như thế, tương lai nào cho NATO quả là một câu hỏi khó trả lời.

Tử Uyên
.
.
.