Quan hệ liên Triều: Ngược dòng tìm ánh sáng

Thứ Tư, 14/10/2020, 14:48
Sau một thời gian ngưng đọng vì những lý do khách quan, cơ hội để nối lại đàm phán hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên lại một lần nữa mở ra bởi những nỗ lực từ cả hai phía.

Khi những nỗ lực bị ngưng trệ

Hơn 2 năm trước, vào ngày 27-4-2018, hội nghị thượng đỉnh lịch sử liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai miền Triều Tiên công khai dắt tay nhau đi qua đường biên giới đã chia cắt dân tộc gần 70 qua trở thành biểu tượng cho quá trình thống nhất giữa hai miền.

Tại cuộc gặp này, bản tuyên bố Bàn Môn Điếm được đưa với 3 điểm chính. Một là, lãnh đạo hai miền khẳng định quyết tâm theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Hai là, hai bên cam kết tích cực xúc tiến các cuộc gặp với Mỹ để tiền tới ký kết "Hiệp định Hòa bình" chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Ba là tăng cường hợp tác kinh tế để kết nối liên Triều.

Cái nắm tay lịch sử tại Bàn Môn Điếm cách đây 2 năm đã mở ra rất nhiều hy vọng.

Bản tuyên bố Bàn Môn Điếm đã vẽ lên một viễn cảnh tươi đẹp có thể chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài từ năm 1950 trước thời điểm 70 năm mà nó được bắt đầu. Những nỗ lực sau đó của cả hai bên đã đem đến rất nhiều tín hiệu tích cực. Thỏa thuận Bình Nhưỡng được ký sau đó vài tháng giữa hai nhà lãnh đạo mở ra cơ hội cho cuộc đoàn tụ hai miền. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã được tổ chức lần đầu tiên ở Singapore vào tháng 6-2018, lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2-2019.

Một sự kiện chấn động khác đã diễn ra vào ngày 30-6-2019 khi lần đầu tiên một đương kim Tổng thống Mỹ bước vào lãnh thổ Triều Tiên. Đó là khoảnh khắc làm rúng động thế giới đến nỗi người ta nghĩ rằng thời điểm mối quan hệ thù địch giữa hai nước đã đến hồi kết thúc. Mối quan hệ tương đối thân thiện giữa cả ba nhà lãnh đạo đem đến những tín hiệu tích cực để người ta có thể tin về một nền hòa bình đang đến. Nhưng, những lý do khách quan đã khiến tiến trình này bị chậm lại.

Cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Kim Jong-un tại Hà Nội buộc phải kết thúc sớm đầy bất ngờ khi một phiên luận tội vị Tổng thống Mỹ đang được phe đối lập trình lên trước quốc hội. Những hoạt động liên kết kinh tế hay những nỗ lực hòa giải khác cũng bị đóng băng từ đầu năm 2020 khi mà đại dịch COVID bắt đầu lan rộng mà Triều Tiên cũng như Hàn Quốc nằm trong nhóm những quốc gia bị ảnh hưởng sớm nhất.

Sự phản đối cũng đến từ lực lượng đối lập cho cách tiếp cận mềm mỏng của chính quyền ông Moon Jae-in là trở lực không nhỏ đối với những cuộc đối thoại hai miền. Khi mà Mỹ, nhân tố quan trọng nhất của nền hòa bình trên bán đảo này còn vật lộn với đại dịch cũng như những vấn đề nội tại của mình thì sự quan tâm dành cho vấn đề Triều Tiên trở nên mờ nhạt. Điều này kéo theo những phản ứng hết sức cứng rắn của Triều Tiên trong khoảng thời gian một năm sau đó.

Đỉnh điểm của sự thất vọng diễn ra vào những ngày tháng 6 năm nay, khi đúng vào dịp bước qua mốc thời gian 70 năm của cuộc chiến tranh Triều Tiên, chính quyền Bình Nhưỡng đã làm nổ tung Văn phòng liên lạc liên Triều ở Kaesong, một hành động cứng rắn thường thấy của phía Triều Tiên khi muốn thể hiện thái độ không hài lòng của mình.

Nhưng cơ hội vẫn còn

Dù có những phản ứng không tích cực nhưng trên thực tế Triều Tiên lại đang rất muốn thúc đẩy những nỗ lực liên Triều. Một đất nước bị cô lập bởi trừng phạt quốc tế trong thời gian dài sẽ càng gặp nhiều khó khăn trước đại dịch có nguy cơ lây lan cao như COVID-19. Đối tác hay có thể coi là nhà tài trợ quan trọng nhất của Triều Tiên từ trước đến nay là Trung Quốc thì đã phải đóng cửa biên giới để chống dịch suốt từ đầu năm 2020.

Bản thân Trung Quốc cũng đang căng mình với những khó khăn trong và ngoài nước nên không thể hỗ trợ Triều Tiên nhiều như trước. Thế nên hành động cho nổ tung văn phòng ở Kaesong đúng thời điểm nhạy cảm lại được nhìn nhận như một lời nhắc nhở của phía Bắc cho những người ở phía Nam cần quan tâm tới mình hơn. Bởi lúc này, sự hỗ trợ đến từ Hàn Quốc có thể trở thành một chiếc phao cứu sinh vô cùng quan trọng với họ.

Những chuyến hàng hỗ trợ từ Hàn Quốc đang nối lại nhịp cầu đối thoại giữa hai miền.

Đối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, theo đuổi nỗ lực hòa bình liên Triều là mục tiêu cao nhất mà ông hướng tới trong sự nghiệp chính trị của mình. Ngay từ những ngày đầu mới nhận chức, vị tổng thống theo "đường lối Ánh dương" này đã liên tục chủ động có những động thái kết nối hai miền mà tuyên bố chung Bàn Môn Điếm hay Bình Nhưỡng là những kết quả đáng ghi nhận.

Những thành công trong 2 năm lãnh đạo đất nước vừa qua đã giúp đảng Dân chủ Đồng hành của ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội mới nhất. Điều này giúp ông Moon Jae-in có thêm động lực để thúc đẩy quá trình kết nối liên Triều. Một loạt nhân vật "thân thiện" với Triều Tiên hơn đã được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng trong nội các như Bộ trưởng Thống nhất Lee In Young hay Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Vượt cả khuôn khổ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, chính quyền Seul đã tăng cường hỗ trợ Triều Tiên vì lý do nhân đạo. Cùng với việc cung cấp vật tư y tế, lương thực thực phẩm, một hiệp định thương mại tự do liên Triều đã được ông Moon đề xuất. Những động thái này là nỗ lực của ông Moon Jae-in để phá vỡ bế tắc trong vấn đề Triều Tiên bằng cách chuyển trọng tâm từ quan hệ Mỹ-Triều sang liên Triều. Theo đó, thay vì chờ đợi những thỏa thuận giữa Mỹ với Triều Tiên thì ông Moon muốn kéo Triều Tiên lại gần với mình hơn bằng những hành động thiện chí.

Những nỗ lực này đang đem lại kết quả bởi khác với Mỹ luôn ép Triều Tiên phải thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước thì Hàn Quốc có thể chìa ra những món quà của sự hợp tác hết sức cụ thể. Mới đây nhất, ông Moon lại tỏ ra rất quyết tâm với kế hoạch thúc đẩy hòa bình của mình khi đề xuất tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22-9 vừa qua.

Những nỗ lực ngược dòng này của phía Hàn Quốc đang đem đến hiệu quả nhất định. Trong một động thái chưa từng có, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lên tiếng xin lỗi về sự cố một quan chức ngư nghiệp Hàn Quốc bị quân đội Triều Tiên bắn chết hôm 25-9. Trong quá khứ, từng có nhiều vụ việc quân đội Triều Tiên nổ súng nhưng họ luôn đi kèm với những cáo buộc hay chỉ trích các công dân Hàn Quốc vi phạm ranh giới. Trong vụ việc lần này, phía Triều Tiên cho rằng công dân Hàn Quốc đã tìm cách vượt biên nhưng thay vì những lời chỉ trích, họ đưa ra lời xin lỗi và khẳng định "sẽ thực hiện những bước đi để ngăn ngừa sự sụp đổ lòng tin giữa hai nước".

Rõ ràng, việc một lãnh đạo Triều Tiên xin lỗi Hàn Quốc là điều cực kỳ bất thường. Nó cho thấy phía Triều Tiên ý thức rất rõ sự cần thiết phải duy trì quan hệ với Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay. Động thái của Bình Nhưỡng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên bởi nó có thể xoa dịu tâm lý chống Triều Tiên tại Hàn Quốc, chặn lại những lời chỉ trích nhằm vào Tổng thống Moon Jae-in. Lời xin lỗi của ông Kim Jong-un vì thế có thể coi như một "món quà" dành cho vị Tổng thống Hàn Quốc ở thời điểm này.

Sự thân thiện giữa hai miền Triều Tiên còn đang mở ra một cánh cửa mới khi bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đang tới gần. Ngay trong những ngày đầu tháng 10 này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tới Hàn Quốc. Một trong những vấn đề quan trọng sẽ được bàn thảo là vấn đề Triều Tiên đang bị bế tắc từ hơn một năm nay. Chính quyền Hàn Quốc sẽ một lần nữa đưa đề xuất về "Hiệp định hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên" ra bàn bạc với Mỹ.

Bản thân chính quyền của ông Donald Trump cũng sẽ rất thích thú với đề xuất đó vào thời điểm ngay trước thềm cuộc bầu cử này. Giống như thỏa thuận hòa bình Israel - Ảrập được ký đầy bất ngờ mới đây đã đem đến tiếng tăm cho ông Trump như người kiến tạo hòa bình thì một thỏa thuận tương tự với Triều Tiên ngay lúc này sẽ là điểm cộng trong bối cảnh ông đang chịu sức ép bầu cử trong nước.

Ông Trump hoàn toàn có thể chấp nhận một bước lùi nhỏ để đạt được thỏa thuận có lợi cho mình ở thời điểm này. Dựa trên tình hình thực tế ở cả ba bên vào lúc này, một tia sáng mới lại đang được mở ra nơi cuối đường hầm để chúng ta có thể hướng đến việc chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài nhất trong lịch sử này.

Tử Uyên
.
.
.