Nhân cách nhà văn:

Nhà văn Nam Hà: Văn là người

Thứ Hai, 09/03/2009, 16:03
"Tôi cho rằng không thể thoát khỏi câu của cha ông ta đã nói: Văn tức là người. Nhân cách của nhà văn trước hết được thể hiện ở ngay trong tác phẩm của anh, anh viết với quan điểm nào, với tinh thần nào, anh đặt ra vấn đề gì cho người đọc là quan trọng nhất", nhà văn Nam Hà chia sẻ.

- Thưa nhà văn Nam Hà, theo ông, nhân cách nhà văn được hiểu như thế nào?

- Theo tôi, nhà văn là người của công chúng, một người mà công chúng luôn luôn giám sát không những về tác phẩm là con đẻ tinh thần của nhà văn, mà qua tác phẩm giám sát cả nhân cách của nhà văn. Bởi vì văn chính là người, con người như thế nào sẽ biểu hiện qua tác phẩm như thế. Nhân cách nhà văn được đặt dưới sự giám sát của công chúng.

- Nhân cách nhà văn tồn tại trong một giai đoạn lịch sử văn học của nhà văn đấy, hay là thứ vĩnh cửu? Trong thời đại nào, vấn đề nhân cách nhà văn được xem là quan trọng nhất?

- Thời gian qua, đất nước ta từ sau khi đổi mới đến bây giờ cũng có nhiều lần sóng gió nổi lên ở trong giới nhà văn. Do nhà văn có những tính cách đặc biệt không ai giống ai. Mỗi người có một tính cách, đặc điểm, nhìn nhận khác nhau.

Vì vậy quan điểm sáng tác, lập trường chính trị của mỗi người cũng khác nhau. Có những tác phẩm ngay vừa mới ra đời đã được tung hô lên và gây nên sóng gió nhưng nhanh chóng lụi tàn. Có những tác phẩm như lửa vùi dưới than, càng lâu càng âm ỉ, càng bùng cháy lên.

- Theo nhà văn, nhân cách của nhà văn trong thời đại hiện nay được xem xét dưới góc độ nào?

- Tôi cho rằng không thể thoát khỏi câu của cha ông ta đã nói: Văn tức là người. Nhân cách của nhà văn trước hết được thể hiện ở ngay trong tác phẩm của anh, anh viết với quan điểm nào, với tinh thần nào, anh đặt ra vấn đề gì cho người đọc là quan trọng nhất.

- Vậy ông nhận thấy nhân cách của nhà văn hiện đại hôm nay như thế nào qua những tác phẩm của họ mà họ đã và đang trình làng với bạn đọc?

- Tôi cho rằng có những người đã định hình nhân cách và tác phẩm. Tức là người ta cứ thế và viết theo một kiểu mà họ cho rằng đó là thuộc tạng của họ. Họ cứ thế làm cho đến khi không viết được nữa thì thôi.

Đặc biệt là lớp trẻ đi tìm phong cách lạ, đi tìm những quan điểm mới, thường rơi vào trường hợp đó, và khi rơi vào trường hợp đó thường thường người ta hay bị ám ảnh bởi dư luận khách quan, có những sự phê bình, cũng có những sự nâng đỡ, hay có những tung hô đưa lên quá mức.

- Vậy rất khó tìm ra nhân cách nhà văn trong tác phẩm của những người viết hiện nay?

- Cũng có thể. Cái ý thiếu lập trường của nhà văn cũng có đấy.

- Nhân cách nhà văn định hình ở tác phẩm, những tác phẩm đề cập đến những vấn đề to tát, vĩ đại thì nhà văn đó mới có nhân cách. Vậy nhà văn viết về những điều nhỏ bé giản dị trong cuộc sống quanh ta, hay đề cập đến những vấn đề nhạy cảm về giới tính, tình dục, thì nhân cách của họ được đánh giá như thế nào?

- Không phải vậy. Cái mà người ta đi tìm nhân cách của nhà văn thì cuối cùng tôi vẫn quay lại ý kiến văn là người. Cuối cùng thì tác phẩm đó ra đời mang đến cho người đọc cái gì và tác phẩm ấy chắc chắn sẽ chứa đựng nhân cách và tâm hồn của nhà văn. Tất nhiên phần lớn, những nhà văn viết nên những tác phẩm vĩ đại, viết ra những tác phẩm vĩ đại thì họ đều là những nhà văn có nhân cách rất ghê.

Lịch sử văn học Đông Tây đều cho thấy điều đó. Không bao giờ nhà văn có nhân cách không ra gì mà có thể viết nên những tác phẩm vĩ đại. Những nhà văn có nhân cách bé không thể viết ra được những tác phẩm lớn. Cuối cùng đích đến nhân cách nhà văn vẫn là tác phẩm.

- Vậy tác phẩm bình thường, thì nhân cách cũng ở mức trung bình?

- Không phải. Cái tác phẩm trung bình là do tài năng. Sáng tác văn học là một lĩnh vực cực kỳ khó khăn. Nó như đi đường trường, đi hàng chục, hàng trăm cây số cho đến cả ngàn cây số mới đến được đỉnh cao.

Có một nhà văn Ấn Độ viết rằng, tôi đọc sách để đi xa hơn anh. Tức là trong văn học ai sáng tác được cái gì hay góp ích cho đời đều là quý cả. Từ chỗ quý ấy để học người ta để viết hay hơn người ta.

- Có thể đặt câu hỏi rằng, so với nhà văn lão thành đi trước, các nhà văn hiện nay mục đích cầm bút có còn trong sáng và thuần khiết như xưa nữa không, hay đã đổi khác?

- Theo tôi cũng có một số hiện tượng. Những người cầm bút hiện nay đã có sự phá cách, muốn đổi khác. Thứ hai, động cơ cầm bút của họ cũng đã khác trước đi nhiều, không thể như lớp nhà văn trước trong và sau chiến tranh.

Bây giờ, cuộc sống cũng đổi khác nhiều, vì vậy, mục đích cầm bút của nhà văn hiện nay khác trước cũng là điều có thể hiểu được. Yếu tố thị trường, thương mại cũng đã xuất hiện trong mục đích cầm bút của một số nhà văn.

- Trong đời văn của mình, nhân cách cầm bút của nhà văn Nam Hà được bản thân ông tự đúc kết như thế nào?

- Tôi viết từ khi còn cầm súng. Trong quá trình rèn luyện cho đến bây giờ đã hơn 75 tuổi, thuộc vào tuổi xưa nay hiếm, đã kinh qua hơn 40 năm trong quân đội và nửa thế kỷ cầm bút. Tôi tâm niệm làm được cái gì đó, có tác phẩm để lại cho văn học là một điều sung sướng, cực kỳ tốt. Tôi vẫn cảm thấy cái giới hạn mà tôi muốn tới thì tôi chưa bao giờ tới được cái đích ấy cả.

- Thời thế tạo anh hùng. Nếu tách nhà văn Nam Hà khỏi cuộc chiến tranh, không biết đời văn của ông sẽ được hình dung ra sao đây?

- Tôi nghĩ, muốn viết văn được thì phải có năng khiếu. Tài năng và năng khiếu chiếm phần quan trọng quyết định sự nghiệp văn chương của người đó. Ở trong bất kỳ thời đại nào, nhà văn cũng phải bám lấy cuộc sống và nếu hết lòng với tình yêu cuộc sống, anh sẽ có thành công.

- Ông có thể nói gì về công việc làm văn chương với lớp trẻ hiện nay?

- Phải học và lăn vào cuộc sống, luôn gắn bó với cuộc sống, luôn luôn đi thực tế mà không được xa rời cuộc sống. Mỗi người có một phong cách, một trường phái, một quan điểm, cái đó không quan trọng mà quan trọng là vốn sống. Hãy học nhiều, đi nhiều và hướng tới cuộc sống, anh sẽ có được những tác phẩm tốt.

- Xin cảm ơn nhà văn Nam

Khánh Thy
.
.
.