Bữa cơm gia đình, thông tin trên báo

Ngọn giáo và cối xay gió

Thứ Năm, 14/04/2016, 10:03
Cơn sốt thực phẩm bẩn đang được đẩy lên thành cao trào hơn bao giờ hết, và trong chuyên đề định kỳ này chúng tôi xin phép được lạm bàn đôi điều.

Giữa một rừng mơ hồ về thông tin thực phẩm bẩn, khiến tôi dẫu muốn dẫu không cũng liên tưởng đến hành động cật lực chiến đấu với cối xay gió của chàng Don Kihote.

Đám đông nhận biết thực phẩm bẩn từ đâu? Chẳng từ đâu hết ngoại trừ luồng thông tin từ truyền thông. Cả một tập đoàn truyền thông hùng hậu từ báo hình cho đến báo in, rồi báo mạng lẫn báo tiếng ra rả hằng ngày về trái cây ngâm hóa chất, thịt lợn tiêm thuốc an thần, hải sản pha dung dịch không rõ nguồn gốc.

Cơn lên đồng tập thể ấy khiến đám đông hoang mang và bắt đầu cất tiếng phụ họa. Từ nói không với thực phẩm bẩn, rồi con đường từ bữa ăn đến nghĩa địa, một dân tộc đầu độc lẫn nhau… Họ phản ứng, họ giận dữ, họ miệt thị những người mà họ cho rằng đang đầu độc họ ngay trên mâm cơm mỗi ngày. Tất nhiên, đó là những người tạo ra lương thực, đó là nông dân.

Họ bảo, cà phê gây ung thư, trái cây gây ung thư, thịt gây ung thư, hải sản gây ung thư… Tất tần tật những thứ liên quan nằm trong chuỗi nhai cơ học và nuốt duy trì sự sống đều có thể gây ung thư. Bóng ma ung thư hiển hiện trong từng câu chuyện, trong mỗi nếp nghĩ.

Truyền thông biến thực phẩm trở thành con ngáo ộp với lưỡi mác ung thư luôn chủ động kề vào cổ người tiêu dùng, cứa bất cứ lúc nào nó muốn. Không chỉ vậy, một vài lãnh đạo liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trước những nguy cơ bệnh dịch từ thực phẩm cũng hào hứng xung phong vào cuộc chiến thực phẩm bẩn. Họ cuống cuồng, họ nhiệt thành, họ lên án như chính họ là nạn nhân vậy, chứ không phải với tư cách họ có trách nhiệm phải ngăn chặn. Thuế của dân trả cho họ là để làm việc đó chứ không phải là việc vỗ tay thành tiếng kỳ thị thực phẩm.

Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn đâu là thực phẩm sạch, đó là điều chắc chắn. Và dù cho chưa có chứng cứ khoa học về việc những hóa chất được sử dụng trong quá trình thúc đẩy, bảo quản thực phẩm là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, người tiêu dùng vẫn đang mê đắm tin vào điều đó với sự tăng động giúp sức của truyền thông.

Một nguồn thực phẩm sạch là nguồn thực phẩm được quản lý, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào. Đó là quá trình nuôi trồng sạch, đó là quá trình bảo quản, vận chuyển sạch, đó là quá trình tạo ra một sản phẩm thực phẩm sạch.

Đây là những điều khoản quy định không hề mới mẻ, chúng ta đều đã luật hóa. Thế nhưng đáng tiếc, năm qua tháng lại, ngày nối ngày, những quy định này không được các cơ quan có nhiệm vụ thực thi tiến hành giám sát nghiêm túc.

Một con lợn chắc chắn không thể bẩn nếu chi cục thú y quản lý ngay từ khi còn được nuôi trong chuồng trại cho đến lúc giết thịt và được bày bán trên thị trường.

Một luống rau không thể bẩn nếu chi cục bảo vệ thực vật giám sát khi còn trên luống cho đến lúc được biến thành lợi nhuận.

Nghĩa là công tác quản lý hoàn toàn bị buông lỏng, nếu không muốn nói là gần như không có. Thi thoảng, một vài đoàn thanh kiểm tra tiền hô hậu ủng của báo giới đến kiểm tra chớp nhoáng đâu đó và loan tin.

Công tác giám sát các nguồn thuốc tăng trưởng kích thích thực vật thật sự đang rất có vấn đề, đang rất đáng báo động. Bên cạnh đó, tình trạng báo động không kém chính là việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người nuôi trồng lại không được quan tâm đúng mức.

Nhà quản lý phó mặc chuyện này cho sự thương lượng giữa người nuôi trồng và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nói cách khác, nhà quản lý rất vô trách nhiệm trong câu chuyện làm thế nào để triệt tiêu (hay hạn chế) thực phẩm bẩn mà không tạo ra định kiến, thu hẹp thị trường cho thực phẩm sạch được đến tay người tiêu dùng.

Người tiêu dùng bị bỏ rơi, người sản xuất thực phẩm chân chính bị bỏ rơi, tất cả đều bị bỏ rơi trong mớ thông tin rối như bòng bong và không hề khoanh vùng khu biệt mà truyền thông đang cố tình tạo nên.

Truyền thông loan tin về một xưởng cà phê pha tạp chất, chỉ nêu nguy cơ nếu sử dụng mà hoàn toàn không nếu chuyện một xưởng cà phê không phải là toàn bộ cà phê đang được bày bán trên thị trường.

Truyền thông loan tin về một trang trại chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc mà không hề khoanh vùng chỉ có trang trại chăn nuôi này vi phạm còn các trang trại chăn nuôi khác không có dấu hiệu sử dụng chất cấm này.

Nghĩa là bằng cách này hay cách khác, truyền thông đang tạo ra một tấm màn mờ sương xung quanh câu chuyện thực phẩm bẩn, còn người tiêu dùng luôn sẵn sàng lo lắng cho sự an nguy của gia đình và bản thân.

Thực phẩm bẩn có đang tồn tại không? Chắc chắn là có. Nhưng tỷ lệ giữa thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch như thế nào, thì lại không được công bố. Thực phẩm bẩn hay được bày bán lén lút ở đâu thì lại không được minh bạch. Thậm chí, tác hại của thực phẩm bẩn đến đâu cũng chưa được xác tín rõ ràng ngoại trừ câu rất chung chung: “Sử dụng nhiều có thể gây ung thư”. Sử dụng nhiều là nhiều ra sao, có thể gây ung thư là ung thư thế nào.

Tất cả những yếu tố thiếu khoa học, vô trách nhiệm và sự nhiệt tình thái quá tựu trung lại tạo nên một bức tranh đen kịt, ảm đạm. Không loại trừ tạo ra định kiến, há miệng nhai đã là sắp ưng thư.

Mà định kiến thì chắc chắn luôn là thứ không thể phân bua, giải trích hay tranh luận được rồi.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.
.