Nên công bố hết dịch COVID-19 trong nước, hay chưa?

Thứ Năm, 09/07/2020, 08:08
“Tôi nghĩ làn sóng COVID-19 thứ hai là rất đáng lo ngại. Trung Quốc ở cạnh chúng ta là bài học lớn nhất, bởi cũng gần hai tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng như Việt Nam, nhưng đến khi bùng phát trở lại thì rất dữ dội. Do đó, chúng ta không thể nói người Việt Nam đã miễn nhiễm được với COVID-19, để chủ quan. Bởi nếu có một ca nhiễm trong cộng đồng thì có thể sẽ thay đổi hoàn toàn trạng thái bình thường mới của đất nước hiện nay” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Kính gửi Tòa soạn báo ANTG GT – CT!

Đã hơn 2 tháng trôi qua, Việt Nam chúng ta không có ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng. Đó chính là cơ sở quan trọng để một số chuyên gia đề xuất đã đến lúc chúng ta công bố hết dịch. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc có công bố hết dịch hay không/ công bố như thế nào nhất định phải căn cứ theo luật, cụ thể là Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bởi vì COVID-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm.

Theo luật này, khi không phát hiện thêm trường hợp nhiễm bệnh mới sau khoảng thời gian đủ dài, và đáp ứng các điều kiện cụ thể khác, theo quy định của Chính phủ thì chúng ta có đủ điều kiện để công bố hết dịch.

Việt Nam đã không còn giãn cách xã hội như trước, và đã trở lại trạng thái “bình thường mới”...

Thực tế là chúng ta đã không còn giãn cách xã hội như trước, và đã trở lại trạng thái bình thường. Chúng ta gọi đó là “bình thường mới”, và như quan sát của tôi thì trong trạng thái “bình thường mới” chúng ta đã bắt đầu tính chuyện làm ăn, phát triển kinh tế trở lại. Ở mặt trận quốc nội, ví dụ rõ nhất là việc hàng loạt các biện pháp đã được tung ra để kích cầu du lịch nội địa. Ở mặt trận giao thương với bên ngoài, chúng ta đã sẵn sàng kêu gọi và tiến tới việc đón nhận những làn sóng đầu tư mới.

Theo tôi, trong một bối cảnh như vậy, việc công bố hết dịch COVID-19 sẽ giúp chúng ta tạo được sự an tâm lớn đối với những người sử dụng dịch vụ và các nhà đầu tư, qua đó các hoạt động giao thương sẽ trở lại trơn tru, nhịp nhàng. Tôi đọc báo và biết mới đây Chính phủ Lào cũng đã tuyên bố giành chiến thắng bước đầu trong cuộc chiến chống COVID-19 sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân của Lào đã xuất viện, và không có bất cứ ca lây nhiễm nào trong 59 ngày liên tiếp.

Việt Nam chúng ta cũng không có bất cứ ca lây nhiễm nào trong cộng đồng trong vòng hơn 2 tháng vừa qua. Ca nhiễm gần đây nhất, ngày 13/6 đến từ người đi du lịch Trung Quốc trở về, chứ không đến từ trong cộng đồng của chúng ta.

Tất cả các trường hợp trở về từ nước ngoài đều được chúng ta cách ly kịp thời. Nhìn rộng hơn, toàn bộ những gì Việt Nam đã làm trong quá trình chống dịch đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao. Vậy thì tại sao đến lúc này chúng ta vẫn chưa thể dõng dạc tuyên bố là đã hết dịch ở Việt Nam? Đây là một thắc mắc rất lớn của tôi, xin gửi đến quý báo. Rất mong nhận được hồi âm từ quý báo. - Hoàng Long (Hà Tĩnh)

Thưa độc giả Hoàng Long!

Đúng là đã có những đề xuất về việc chúng ta cần công bố hết dịch trong nước, mở cửa từng bước trở lại để tiếp tục thúc đẩy, phát triển nền kinh tế. Trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 15-6, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đại dịch diễn ra không đồng đều với 4 nhóm phát triển khác nhau  ở Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ. Những nước như Việt Nam, Myanmar ở vào nhóm thứ 4, tức là chưa bao giờ rơi vào ngưỡng 1.000 người trên 1 triệu dân. Do vậy, giờ là lúc Việt Nam có thể nghĩ đến việc mở dần lại các hoạt động giao thương với một số nước khác.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng phân tích một điểm rất đáng chú ý là Việt Nam có quan hệ thương mại với rất nhiều nước, nhưng chỉ có khoảng 17 quốc gia, vùng lãnh thổ là những đối tác quan trọng nhất, chiếm tới 90% đầu tư nước ngoài, 80% khách du lịch tới Việt Nam. Đặc biệt, có tới 10/17 quốc gia đó hiện đã không còn dịch, xét ở tiêu chí 10.000 người đang điều trị bệnh/ 1 triệu dân.Do vậy khoanh vùng lại 17 quốc gia này, từng bước giao thương trở lại một cách phù hợp sẽ giúp trạng thái “bình thường mới” của nền kinh tế Việt Nam đạt được những tín hiệu khả quan. 

Bắc Kinh đã ghi nhận tới 200 ca nhiễm mới, liên quan đến chợ hải sản Tân Phát Địa.

Thưa độc giả, cũng trong xu thế nhìn nhận này chúng ta thấy xuất hiện đâu đó thông tin đã có những hãng hàng không bắt đầu tính đến chuyện sẽ mở lại những đường bay quốc tế, tất nhiên là với điều kiện vẫn đảm bảo an ninh, an toàn xã hội.

Tuy nhiên cũng trong thời điểm này lại xuất hiện một hiện tượng hết sức đáng lo ngại, buộc chúng ta phải tiếp tục nhìn nhận thận trọng, nhiều chiều, đó là một làn sóng COVID-19 mới đã bất ngờ tái bùng phát ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Nó khiến cho thành phố này đã phải huỷ gần 70% chuyến bay để dập dịch, nhiều quận được bật chế độ “thời chiến”, hàng loạt những trung tâm vui chơi giải trí đồng loạt đóng cửa. Chỉ trong khoảng 8 ngày, thành phố này đã ghi nhận tới 200 ca nhiễm mới, liên quan đến chợ hải sản Tân Phát Địa. Và chỉ 10 ngày sau khi hạ mức phản ứng khẩn cấp với COVID-19, Bắc Kinh đã phải nâng trở lại, hàng loạt những đường phố đông đúc sau khi hết lệnh cách ly giờ lại vắng lặng như trong thời kỳ cách ly.

Câu chuyện của Bắc Kinh, Trung Quốc chắc chắn khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nói như chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam thì “sự tái bùng phát dịch ở Bắc Kinh là một bài học”. Chuyên gia này phân tích với báo điện tử VnExpress: “Dịch bệnh ở Bắc Kinh có đặc điểm gần giống với Việt Nam gần đây.

Về thời gian, dịch tái phát ở Bắc Kinh sau 56 ngày. Ở Việt Nam 60 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Nhiều người đã có tâm trạng buông lỏng phòng dịch; các hoạt động kinh doanh, giải trí, dịch vụ, đi lại... đã trở lại bình thường… Về tính chất, dịch bệnh ở Bắc Kinh gần giống với Việt Nam trong thời gian qua, không bùng phát mạnh mà xuất hiện các ổ dịch nhỏ và dập được ngay. Tuy nhiên, Việt Nam có biên giới với Trung Quốc nên nguy cơ dịch xâm nhập rất cao”.

Cũng trên báo điện tử VnExpress, còn một ý nữa rất đáng chú ý của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Theo ông  việc tái bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc khiến cho một làn sóng dịch bệnh thứ hai treo trên đầu nhiều quốc gia.

“Tôi nghĩ làn sóng COVID-19 thứ hai là rất đáng lo ngại. Trung Quốc ở cạnh chúng ta là bài học lớn nhất, bởi cũng gần hai tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng như Việt Nam, nhưng đến khi bùng phát trở lại thì rất dữ dội. Do đó, chúng ta không thể nói người Việt Nam đã miễn nhiễm được với COVID-19, để chủ quan. Bởi nếu có một ca nhiễm trong cộng đồng thì có thể sẽ thay đổi hoàn toàn trạng thái bình thường mới của đất nước hiện nay” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.

Từ góc nhìn này, ông đã đưa ra một đề nghị mà theo chúng tôi là rất đáng suy nghĩ: “Khi dịch bệnh mới xảy ra, dù Thủ tướng chưa công bố dịch trên toàn quốc, nhưng Chính phủ đã đưa ra cảnh báo và thực hiện nhiều biện pháp chống dịch cao hơn mức cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nước. Đây là một trong những nguyên nhân làm nên thành công của Việt Nam.

Vì vậy, việc công bố hết dịch cũng cần dựa vào những tiêu chuẩn, khuyến cáo cao hơn một mức so với quy định trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và của các tổ chức quốc tế. Khi đó thì việc công bố hết dịch sẽ khiến nhà đầu tư, khách du lịch và những người muốn nhập cảnh Việt Nam sẽ cảm nhận được đất nước chúng ta đang thực sự an toàn”.

Kính thưa độc giả Hoàng Long, chỉ trong thời gian ngắn trước đây thôi chúng ta còn đang ở trạng thái “giãn cách xã hội”. Bây giờ chúng ta chuyển sang “bình thường mới”. Ở trạng thái thứ nhất, chúng ta phải đóng mình lại, còn ở trạng thái thứ hai, việc mở cánh cửa ra bên ngoài, tái thực hiện các kết nối đã có đúng là điều bắt buộc phải tính đến.

Nhưng theo chúng tôi, mọi tính toán đều phải thực hiện trên cơ sở khách quan, thận trọng, và đặc biệt là phải đánh giá chính xác những diễn biến mới của dịch bệnh (nếu có) trên phạm vi thế giới. Nhờ đánh giá chính xác diễn biến và độ nguy hiểm của dịch bệnh nên chúng ta đã chống dịch thành công. Một sự đánh giá chính xác như thế cũng sẽ giúp chúng ta nhận định được thời điểm nào mới thực sự hợp lý để chính thức công bố hết dịch trong phạm vi cả nước.

Hy vọng là những chia sẻ của chúng tôi cũng sẽ giải đáp được một phần nào đó những thắc mắc của độc giả. Xin chân thành cảm ơn độc giả.

Vương Trọng Tín
.
.
.