Kia
Mobifone

Làm việc nhỏ hay làm việc lớn?

Thứ Bảy, 20/03/2021, 15:29
LTS: Theo đuổi những giấc mơ vĩ đại nhưng hão huyền và bỏ qua những thứ nhỏ nhắn, khiêm nhường nhưng lại có thể tạo ra hiệu quả - đó dường như đang là một tập quán của người Việt và doanh nghiệp Việt?


Nhỏ mà có võ

Sự thừa mứa của nền sản xuất hiện đại là tiền đề để chúng ta tư duy hoàn toàn khác đi so với trước đây: thay vì tự hỏi nên làm gì, thì bây giờ, câu hỏi nên đặt ra là không nên làm những gì.

Cao bôi và võng xếp

Cuối tháng vừa rồi, Công ty Cp Dược phẩm Trung ương 3 mới công bố báo cáo tài chính quý IV-2020 với doanh thu đạt 110 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, rất khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 và so với nhiều doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ.

Cao Sao Vàng là sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp này. Có thể bạn đọc chưa biết, hộp dầu nhỏ nhắn này, với thiết kế hầu như không thay đổi trong gần nửa thế kỷ qua, đã có mặt ở 15 quốc gia trên toàn thế giới. Tháng 9 năm ngoái, hộp cao Sao Vàng gây sốt trong một quảng cáo ở Nga. Nó cũng thường xuyên “cháy hàng” trên những trang thương mại điện tử số 1 toàn cầu là Amazon hay eBay, dù được bán với giá gần 8 đô-la, tức cao hơn gấp 30 giá bán tại Việt Nam.

2 thập niên qua, một sản phẩm khác cũng đã len lỏi đến từng ngõ ngách từ Bắc chí Nam mà không cần phải làm thương hiệu rầm rộ: võng xếp Duy Lợi. Ông chủ của nó cũng từng giành chiến thắng trong nhiều cuộc tranh chấp sở hữu trí tuệ với những doanh nghiệp nước ngoài nhái kiểu dáng của võng Duy Lợi. Võng Duy Lợi cũng được xuất khẩu đi Nhật, Mỹ và châu Âu, những thị trường khó tính bậc nhất.

Ở Mỹ, một tập đoàn đồ ăn nhanh hàng đầu xứ cờ hoa thậm chí đã mở những cửa hàng chuyên bán bánh mì Việt Nam. “Banh mi”, cũng như “Pho”, được giữ nguyên trong kho từ vựng như một sự tôn trọng nét riêng và thậm chí từ điển Oxford còn ghi nhận “banh mi”, tương đương taquinos (một loại snack giòn của người Mexico), hay kleftiko (thịt cừu hầm của Hy Lạp).

Đầu năm 2019, dù mới mở được 2 ngày, quán phở Thìn Lò Đúc mở ở Nhật đã khiến hàng trăm người phải xếp hàng dài để chờ thưởng thức một bát với giá 840 yên (tương đương 181 ngàn đồng). Phở Thìn không chỉ là một cửa hàng phở đơn thuần nữa: với sự xuất hiện dạng chuỗi rất thành công ở trong và ngoài nước, nó đang tiến đến tầm vóc của một thương hiệu.

Cao Sao Vàng, võng xếp Duy Lợi, hay phở Thìn... bạn có thể không có thời gian để lậm các khẩu hiệu về lòng tự hào dân tộc chứa đựng trong các sản phẩm này (vì còn mải thời gian tiêu thụ chúng?) nhưng đó đều là những thứ đã có đời sống riêng hàng chục năm trong sinh hoạt của bất kỳ người Việt nào, cũng như khiến quốc tế thích thú vì sự tiện lợi và chất lượng không lẫn vào đâu.

Tất nhiên là sức chú ý dành cho các tập đoàn ngàn tỷ với mộng lớn sản xuất ô tô, điện thoại vẫn sẽ chiếm đa số và nền kinh tế hầu như đặt niềm tin cả vào những người khổng lồ như vậy. Nhân lực, tiền bạc lẫn khả năng huy động vốn của họ đều vượt trội.

Nhưng, những người len lỏi vào ngách nhu cầu của thị trường có sức mạnh riêng của họ: một doanh nghiệp bất động sản hay ô tô, hãng hàng không rất dễ phá sản nếu bị ném vào guồng quay cạnh tranh rất khốc liệt hiện tại (nơi mà các công ty bất động sản và tài chính mọc như nấm), nhưng những thương hiệu kiểu cao Sao Vàng, võng xếp và phở Thìn thì rất khó.

Chúng bám rễ vào đời sống và nghe có vẻ nghịch lý, là không dễ để những tập đoàn lớn có thể nghiên cứu ra những “công thức” trường tồn kiểu như vậy. Nấu cao, phở, hay tìm ra một cái võng nằm thoải mái, thật kỳ lạ, không phải những thứ cứ bỏ tiền ra đầu tư là thành.

Trên hết, nhìn rộng ra với tư cách một phần của nền kinh tế quốc gia, những thương hiệu sản xuất “ngách” thường tránh được một cuộc khủng hoảng thừa: có những mặt hàng thế giới đã sản xuất quá nhiều rồi, với lịch sử hàng trăm năm và cạnh tranh kiểu tay mới có thể dẫn đến lãng phí các nguồn lực.

Triết lý “nhỏ xinh”

Lấy ví dụ thị trường điện thoại: theo Tren Force, sản lượng điện thoại thông minh sẽ đạt 1,36 tỷ chiếc vào năm nay (!), trong khi dân số toàn cầu đang là 7,8 tỷ người, tức cứ 6 người trên hành tinh này thì sẽ có một chiếc điện thoại thông minh. Chưa kể cuộc chạy đua ra mẫu mới hằng năm đã thành thông lệ thì việc cố gắng tạo ra một chiếc điện thoại “Made in Vietnam” có thể là những nỗ lực cạnh tranh trong một thị trường đã quá thừa mứa.

Sự thừa mứa của nền sản xuất hiện đại là tiền đề để chúng ta tư duy hoàn toàn khác đi so với trước đây: thay vì tự hỏi nên làm gì thì bây giờ, câu hỏi nên đặt ra là không nên làm những gì. Và nếu cần một sản phẩm để “bày tỏ” căn tính Việt Nam thì có lẽ chúng ta nên nhìn sâu vào bên trong, hơn là bên ngoài.

Điện thoại, ô tô, hay những ngành sản xuất mà cả thế giới đang cật lực chạy đua cùng những tiêu chuẩn của nó được đặt ra đã hàng chục năm, với một lịch sử và nền tảng không dễ gì cạnh tranh. Quan trọng hơn, nó không nói về căn tính của chúng ta, nếu cần phải tìm những biểu tượng quốc gia.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ nên bán phở và làm võng, thay vì hướng đến những sản phẩm có tính công nghệ cao hơn. Nhưng, những sản phẩm nhỏ bé đã sống hàng chục năm trong sinh hoạt của chúng ta cũng có thể mang đến những bài học: tập hợp rất nhiều những ý tưởng nhỏ đi vào ngách của thị trường có thể tạo ra một nền kinh tế lành mạnh, tập trung, và quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta cần một điều-gì-đó thật “Việt Nam”, với tư cách một tính từ, thì thành công của cao Sao Vàng hay võng xếp có thể là những dẫn chứng.

Viện Quốc tế về phát triển quản lý (IMD) từng thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến trên diện rộng với mẫu là 174 công ty được rút ra từ những người chiến thắng trong các cuộc thi khởi nghiệp lẫn các start-up khác của Thụy Sĩ thì kết quả cho thấy tỉ lệ sống sót của các doanh nghiệp này lên đến 83%.

Đặc điểm nổi bật của các công ty này là đi vào những ngách nhỏ của thị trường, ưu tiên ý tưởng mới và hoạt động với triết lý “nhỏ xinh”: 2/3 số công ty được tiết lộ có quy mô nhân viên dưới 10 người ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao của họ, trong khi chỉ 4% số công ty có hơn 100 nhân viên. Dù không có những tập đoàn “khủng long” đa quốc gia đúng nghĩa (trừ ngành đồng hồ), đây vẫn là một trong những nền kinh tế thịnh vượng và ổn định bậc nhất thế giới.

Cuối năm ngoái, một nhóm hài Nga đã làm clip quảng cáo cao Sao Vàng Việt Nam làm dậy sóng mạng: không khí trong đoạn video thậm chí làm chúng ta liên tưởng đến quảng bá đồ hiệu sang chảnh, hơn là loại dầu gió có thể tỏa mùi trên bất kỳ chuyến xe khách lọc cọc nào ở Việt Nam. Tất nhiên, đó có thể không hẳn là thứ phản ánh góc nhìn của người nước ngoài về cao Sao Vàng nhưng họ hẳn phải yêu quý sản phẩm này, mới có thể làm một clip trân trọng đến thế.

Một nền sản xuất với những ý tưởng ngách kiểu thế có lẽ cũng cần học cách trân trọng lại chính những giá trị nội tại kiểu như vậy, dù có thể nhỏ bé như hộp cao ấy thôi nhưng nhìn vào là thấy nó rất “Việt Nam”: đi ra từ trong sinh hoạt của chính chúng ta, gợi một phần căn tính và nằm trong ký ức chúng ta, đồng thời mở ra một nhu cầu mà thế giới cũng thừa nhận.

Tất nhiên đây không phải là lời kêu gọi cả nước đi nấu cao, như là một phương thức làm ăn sao chép vỉa hè thường thấy. Mà là phương thức tư duy đã giúp một sản phẩm nhỏ bé sống qua nửa thế kỷ. Không nhất thiết rằng nó phải tạo ra một cái ô tô mới “hoành”.

Phạm An

Cho tôi một vé đi... Hỏa Lò

Một trong những “hiện tượng mạng” của năm 2021 là... Nhà tù Hỏa Lò. Dù không quá nổi bật như hầu hết các làn sóng dư luận chao đảo khác, đến rồi đi, nhưng khu di tích nhà tù Hỏa Lò đột nhiên có một lượng hâm mộ đông đảo (và có vẻ trung thành) trên mạng xã hội. Người theo dõi trang “Di tích nhà tù Hỏa Lò” trên Facebook giờ lên đến cả chục nghìn và có những bài đăng của họ đạt đến hàng nghìn lượt “thích”.

“Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời. Ba mươi nghìn đồng là mua được vé vào Hỏa Lò rồi” - một bài đăng của trang này nhái lời hát của nhạc sĩ Y Vân. Bài nhận được 1.600 lượt “thích”.

“Cho tôi xin một vé đi Hỏa Lò” (nhái tên sách của Nguyễn Nhật Ánh), “Harry Potter và chiếc vé Hỏa Lò” (nhái tên sách của JK Rowling), một bài đăng khác nhận gần một nghìn lượt thích. Và thời thượng hơn, người quản trị chơi chữ theo lối của các bạn trẻ: “Nếu fade là phai đi/ Thì tôi nhất định fảde Hỏa Lò khi hết dịch”. Ba nghìn hai trăm lượt thích và hai trăm lượt chia sẻ cho lời kêu gọi “đi Hỏa Lò” này.

Người quản trị trang Di tích nhà tù Hỏa Lò đã lột xác cho thương hiệu này. Hay nói đúng hơn, thông qua mạng xã hội, di tích Hỏa Lò lần đầu tiên từ chỗ là một địa danh lịch sử đã trở thành một thương hiệu. Nó trông giống một địa điểm bán vé, có hoạt động marketing hợp với xu thế thời đại. Và điều đó không khiến cho giá trị lịch sử của di tích mất đi, thậm chí còn tăng lên bội phần: Các bạn trẻ bỗng nhiên kêu gọi nhau đầy hứng khởi, “đi Hỏa Lò thôi mày”. Trên trang Facebook đó, người quản trị vẫn dành rất nhiều bài đăng về các câu chuyện lịch sử, các hiện vật, những mảnh ký ức xúc động của Hỏa Lò - nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng thời chống Pháp. Và những bài viết này cũng được “thích” hàng trăm lần.

Ba mươi nghìn một vé đi Hỏa Lò. Và ở đó có rất nhiều mảnh ký ức thiêng liêng của dân tộc, có một nguồn cảm hứng về tình yêu nước, đầy ắp những câu chuyện về lòng quả cảm, đức hy sinh và cả tình yêu đôi lứa. Thế mà sao bây giờ các bạn trẻ Hà Nội mới “phát cuồng” vì Hỏa Lò?

Phải chăng là vì người quản trị trang “Di tích nhà tù Hỏa Lò” đã phát kiến ra một hình thức tiếp thị đầy mới mẻ, chưa từng có tiền lệ? Hoàn toàn không: trên mạng xã hội, các bạn trẻ đã chơi chữ kiểu “Cho tôi xin một vé đi Hỏa Lò” từ cả chục năm nay. Chỉ là, không ai nghĩ rằng có thể tiếp thị một địa danh lịch sử theo cách ấy.

Các bảo tàng, các di tích ở nước ta có muôn vàn dạng thức bi kịch nhưng đều có chung một cái gốc “đầu tiên” là không bán được vé. Trong khi thị trường thì vẫn đang vận hành linh hoạt, các bạn trẻ đang ngồi viết bài Facebook nghìn likes khắp mọi nơi, cười rinh rích với nhau cả ngày. Hỏa Lò trở thành nơi đầu tiên kết hợp hai phạm trù tưởng như xa vợi ấy, “di tích” và “nghìn likes”. Nó ngay lập tức trở thành hiện tượng. Và người ta có quyền hỏi: thế mỗi năm có mấy nghìn cử nhân ngành marketing tốt nghiệp ra trường, chẳng nhẽ không ai nghĩ ra điều đó từ các năm trước?

Người viết có thể khẳng định ngay: không một trường học nào trên đất nước đang đào tạo ngành sáng tạo nội dung một cách nghiêm túc. “Creative writing” (Viết sáng tạo) là một chuyên ngành lâu đời ở nhiều đại học lớn trên thế giới. Các trường lớn từ phương Tây như Oxford, Edinburgh hay Á Đông như Đại học Hong Kong đều có chuyên ngành “viết sáng tạo”. Nhưng, bạn hẳn đã nhận ra rằng ngay từ tên gọi cái ngành này đã quá tủn mủn nếu so với nền giáo dục đầy tham vọng của nước ta. Học thì phải học Đông - Tây kim cổ, phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu,... và tạo ra một “nhà trí thức” chứ sao lại có cái chuyên ngành chỉ đào tạo đúng một kỹ năng hẹp?

Nhưng, bạn hẳn cũng đã nhận ra, một người biết viết sáng tạo sẽ là một người dễ kiếm được việc làm, nuôi sống được bản thân và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Họ thậm chí là một động lực đưa các giá trị cao cả vào lòng người, như trong câu chuyện của Hỏa Lò.

Đó là nghịch lý của Luật Giáo dục. Mục tiêu của giáo dục đại học được quy định là: “Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản...”. Hết sức lưu ý rằng sản phẩm đầu ra ở đây có kiến thức chuyên môn TOÀN DIỆN nhưng lại chỉ có kỹ năng thực hành CƠ BẢN.

Tinh thần đã được luật hóa này cũng phản ánh tâm lý xã hội. Chúng ta hay mơ nhiều về những thứ to lớn, thiên hạ vô song, các trí thức “học rộng hiểu nhiều” nhưng quên mất rằng hầu hết các thành tựu lớn của nhân loại đều được tạo ra từ việc cần mẫn làm những thứ nhỏ bé. Không nhìn đâu xa, hai tỷ phú giàu nhất Thái Lan đều xuất phát từ những thương nhân làm nước đóng chai, nấu rượu nhỏ lẻ và giờ thì bạn đã nhìn thấy bia Chang trên các biển quảng cáo ở Giải ngoại hạng Anh, còn “Bò húc” thì không có đối thủ trên chính những kệ hàng... Việt Nam. Thương hiệu của ThaiBev hoặc Krating Daeng (Bò húc) lớn hơn vài tập đoàn công nghệ nước ta cộng lại.

Và bạn có biết điều thú vị nhất là gì? Là Thái Lan thực sự có chuyên ngành “đồ uống” trong trường đại học. Không phải ngành “thực phẩm và đồ uống”; càng không phải ngành “công nghệ thực phẩm” bao trùm như các trường đại học của nước ta. Sinh viên học xong ngành “công nghệ thực phẩm” ở ta được kỳ vọng là biết chế biến tôm đông lạnh, rau củ đóng hộp cho đến sản xuất bia lon. Biết tuốt. Nước bạn đầu tư hàng tỷ USD cho các trường đại học chỉ để đẻ ra ngành “đồ uống”. Và sẽ không ngạc nhiên nếu với cùng tư duy này, sẽ đến ngày họ có khoa “bia” riêng và khoa “nước ngọt” riêng trong các trường đại học.

Nền kinh tế đang cần những con người có độ chuyên môn hóa cao. Nếu chúng ta không thoát khỏi lối nghĩ đao to búa lớn và bắt đầu tìm kiếm cách tạo ra những con người biết làm các việc nhỏ một cách nhuần nhuyễn, sẽ có ngày việc nhỏ cũng không còn mà làm. Ví dụ, cái ngày ngành đồ uống Việt Nam sẽ do người Thái Lan làm chủ, cũng dễ tưởng tượng ra.

Đức Hoàng

Vũ trụ có thể nằm trong một giọt sương

Có một trích đoạn phim mà tôi không bao giờ có thể quên được. Đó là bộ phim ca nhạc có tên “Across the Universe” và trích đoạn đó nằm ở đầu phim, khi cậu trai London có tên Jude đến nhà người bạn mới quen tên Max ăn tối. Max vốn dĩ ham chơi, sống hiện sinh và trong bữa tối, người cha nghiêm khắc của cậu đã có một màn cật vấn cậu. Mẩu thoại phim ấy như sau:

Cha của Max: Nào, bây giờ thì con nói đi, con định làm gì với đời con đây? Định thuê một cái xe đi xuyên Mỹ như một cái thằng Sal vớ vẩn trong tiểu thuyết của Jack... (ngưng lại để nhớ).

Minh họa trong trang: Hùng Dingo.

Mẹ của Max tiếp lời: ...Kerouac...

Cha của Max gật đầu: Ừ, Kerouac. Nghiêm túc một lần được không, con định làm gì với đời mình?

Max: Nào bố ơi, tại sao lúc nào cũng phải hỏi “Tôi sẽ làm gì?” mà không đặt ra câu hỏi “Tôi là ai?”.

Chú của Max: Vì những gì cháu làm sẽ định nghĩa cháu là ai.

Max: Không, cháu là ai sẽ định nghĩa những việc cháu làm chú ạ, phải không Jude?

Jude (hơi rụt rè): Điều quan trọng không phải là ta sẽ làm gì mà là cách chúng ta sẽ làm, tớ nghĩ vậy.

(hết trích)

Vâng, chỉ một câu trả lời ngắn gọn của Jude đã đủ khiến tôi ấn tượng. Cách chúng ta sẽ làm. Đó chính là điều vẫn ám ảnh tôi nhất, trong từng công việc từ cá nhân cho tới làm việc theo nhóm. Tôi thích cách làm thông minh, tiết kiệm thời gian, nguồn lực và phải đi được đúng đến định hướng mục tiêu đã đặt ra.

Bây giờ thì thoát ra khỏi phim ảnh, để cùng trở về với thực tế. Lúc này đang là tháng 3 dương lịch và vẫn còn trong tháng Giêng. Dịch COVID-19 đã khiến mùa lễ, hội truyền thống sau tết phải ngưng lại và bởi vậy, chúng ta cũng ít bị gặp hơn những tin, bài giới thiệu kiểu “Bánh giày kỷ lục nặng ... tấn” hay “đòn bánh tét siêu to, siêu khổng lồ”. Tôi cho rằng, cái ám ảnh “to, hoành tràng, vĩ đại” ấy là một thứ cảm thức kỳ dị của người Việt. Nhưng trong nó, dường như chất chứa sự bế tắc của ý tưởng. Khi không thể kiếm tìm một ý niệm nào đủ sức thu hút người khác, lập tức lối mòn “vĩ đại, hoành tráng” được mở ra. Đó quả thực là một lối an toàn đáng sợ.

Đầu tháng 3 này, mạng xã hội đó đây đưa tin về sự thay tên, đổi chủ của chuỗi siêu thị Big C quen thuộc. Và rồi, kéo theo đó là câu chuyện cũ được nhắc lại, câu chuyện “người Thái đầu tư mua lại các thương hiệu Việt”. Quá nhiều người cho rằng việc ấy đã đụng chạm tới tự trọng dân tộc và thậm chí còn khoác lên tấm áo tinh thần ái quốc để phản ứng. Tôi tự hỏi, tại sao họ không nghĩ đến chuyện quan trọng nhất ở đây nhỉ? Đó là chuyện thị trường bán lẻ là một thị trường vô cùng quan trọng và nếu thị trường bán lẻ ấy luôn sôi động, người tiêu dùng được phục vụ đầy đủ những nhu cầu của mình, dòng tiền chảy trong thị trường ấy tạo nên những động lực mới cho nền kinh tế... thì bất kể quốc tịch của ông chủ một chuỗi siêu thị là thế nào đi nữa, ông ta cũng đang có đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Thế thôi.

Nhưng, tôi nghĩ đến một câu chuyện khác nữa ở đây, không chỉ gói gọn trong một mình Big C mà mở rộng ra cả các chuỗi bán lẻ khác. Đó là câu chuyện họ đã làm gì trong suốt một năm dịch COVID-19 hoành hành như vừa rồi?

Trước khi nói rõ hơn về câu hỏi đặt ra ở trên, tôi muốn kể lại một chuyện chưa cũ. Trước tết Tân Sửu, báo chí đưa tin một cô gái 9x nộp thuế thu nhập cá nhân năm 2020 tới hơn 23 tỷ đồng. Tổng thu nhập của cô trong năm lên tới 330 tỷ. Và cô làm nghề viết ứng dụng để bán trên kho hàng của Apple và Google. Lạ hơn nữa, không chỉ có cô gái sinh năm 1992 này, còn có vài người trẻ cùng lứa nữa cũng đóng thuế thu nhập 2020 lên tới tiền tỷ mà điển hình là 1 nam thanh niên đóng 18 tỷ tiền thuế thu nhập.

Điều quan trọng nhất: Những triệu phú đô la này đều “vô danh” trong cộng đồng. Chẳng ai biết họ là ai, hình dong thế nào. Công việc họ làm cũng không hề được lăng xê đao to búa lớn gì cả trên truyền thông. Nhưng, doanh thu của họ ngang ngửa doanh thu mảng digital của một tập đoàn truyền thông số 1 Việt Nam.

Vâng, trong lúc các tập đoàn bán lẻ mải mê với câu chuyện vĩ đại là thôn tính, là sát nhập, là “tạo ra một hệ sinh thái”, xây dựng “chuỗi giá trị” v.v và v.v... thì họ quên béng mất một điểm cốt tử. Cả năm 2020 bị dịch bệnh làm cho ảnh hưởng, thị trường bán lẻ bắt đầu tập quen dần với việc người tiêu dùng đi chợ qua thương mại điện tử thì hầu như không một tập đoàn bán lẻ nào đầu tư xây dựng một ứng dụng bán lẻ cả. Chi phí xây dựng ứng dụng này rẻ hơn gấp nhiều lần những đầu tư cho các câu chuyện vĩ đại mà họ đang vẽ ra, đang khuếch trương trên truyền thông đại chúng.

Tôi từng có thời gian được làm việc với một chủ tịch của một tập đoàn cỡ bự mà câu cửa miệng của ông lúc nào cũng có hai từ “vĩ đại”. Ông mơ làm những điều vĩ đại. Nó là một giấc mơ tuyệt vời. 5 năm trời, ông theo đuổi việc “đánh nhau với Facebook, YouTube” và tốn cả hàng chục triệu USD cho những thứ cứ xây lên rồi lại đập. Thậm chí, ông thuê cả chuyên gia Israel, chuyên gia Ấn Độ, chuyên gia Mỹ cho giấc mơ ấy. Cuối cùng, nó vỡ vụn. Và khi quay lại nhìn, ông mới lòng vòng thừa nhận một điều rằng nếu như hồi đó, ông nghe lời cố vấn của mình, dùng chỉ một phần nhỏ của những thứ ông đã đổ ra sông ra bể để đầu tư cho các kỹ sư trẻ viết ứng dụng theo phương thức họ vừa hưởng lương, vừa hưởng cổ phần trên dự án ứng dụng họ viết, có thể ông đã thu được rất, rất nhiều lợi nhuận từ đó, đồng thời phát triển tập đoàn của ông thành một cái “lồng ấp” ứng dụng “vĩ đại” nhất Việt Nam. Bây giờ thì đã quá muộn, bởi mảng ông bỏ trống là chỗ mà các doanh nghiệp khác đã nhảy vào. Họ nhỏ bé hơn tậo đoàn của ông rất nhiều song trong tương lai, có thể họ sẽ cúi nhìn mới có thể thấy rõ tập đoàn ông đang ở đâu.

Tất cả các câu chuyện kia đều chỉ muốn xoay quanh một điểm duy nhất, một câu hỏi duy nhất “Tại sao chúng ta cứ bị ám ảnh bởi những thứ lớn lao mà bỏ quên những thứ nhỏ nhắn mà tinh tế, xíu xiu mà hiệu quả, khiêm tốn nhưng lại có thể đi đầu vì bắt kịp được thời đại?”.

Có một câu đại loại “hãy mơ những giấc mơ lớn. Đạt được nó là quá diễm phúc nhưng không đạt được nó, ít ra cũng hân hoan vì mình đã dám mơ tới điều quá sức mình”. Cái sự dũng cảm đã được đề cao ở đây, đến mức hàng đầu. Nhưng, thực tế đời sống, dũng cảm nhiều khi chỉ là liều lĩnh và ngốc nghếch. Phát triển rất cần sự khôn ngoan, những toan tính và mục tiêu được đặt ra rõ ràng để dẫn tới một kế hoạch chi tiết, mạch lạc và khoa học. Những cái nhỏ không có nghĩa là nó không đáng để làm, là nó tầm thường. Nhiều khi, nhỏ mới chính là tinh xảo, như chuyện những nghệ nhân điêu khắc trên hạt gạo vậy. Việc họ làm thực ra không nhỏ chút nào. Chính nó khẳng định họ vĩ đại hơn những người đồng nghiệp khác, kể cả là những đồng nghiệp tạo ra những công trình kỳ vĩ với kích cỡ, quy mô là phi tiêu chuẩn.

Tốc độ phát triển của thế giới hiện nay là chóng mặt. Những điều vĩ đại mà thế giới chinh phục là thứ không ai có quyền phủ nhận, dè bỉu và khinh khi. Nhưng, không có nghĩa rằng để sánh ngang thế giới, chúng ta cũng chăm chăm đi tìm những thứ vĩ đại, lớn lao mà bỏ luôn mảng thị trường của những điều bé nhỏ, tí hon... để các đối thủ cạnh tranh khai thác và tạo ra những thành công vang dội. Hãy nhìn vào Facebook, trước khi vĩ đại, nó chỉ là một ý tưởng nhỏ bé mà không đại gia công nghệ nào thèm ngó ngàng. Và trên thế giới này, có không ít các cường quốc cũng chẳng cần đưa người lên mặt trăng làm gì. Họ vĩ đại ở con đường họ lựa chọn, con đường khôn ngoan nhưng vẫn giữ được căn cước tính của một quốc gia.

Nhiều khi, ở vị thế một nước nhỏ, làm những điều vĩ đại chỉ để thỏa mãn nhu cầu chứng minh bản thân mình, nhằm vượt qua sự tự ti. Chúng ta cần nhớ, tự ti là thứ rất đáng sợ nhưng đáng sợ hơn còn là cố gắng vượt qua tự ti bằng cách gồng mình lên làm những thứ không tưởng, hão huyền và thậm chí là vô bổ.

Làm những thứ nhỏ hay làm những điều lớn lao? Đó là một câu hỏi rất lớn lúc này. Và trước hết, hãy nghĩ đến làm đúng cái đã. Làm đúng ở đây không chỉ gói gọn trong khía cạnh pháp luật, mà nó là đúng với môi trường hoạt động của mình, điều kiện của mình, thế mạnh của mình và căn tính của mình...

Hãy nhớ, qua mắt nhìn, nhiều khi cả vũ trụ thu lại trong lòng một hạt sương...

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh

.