Giáo dục có phải “món hàng” không?

Chủ Nhật, 29/11/2020, 10:18
Giáo dục có phải là dịch vụ, một "món hàng" hay không là một chủ đề được giới chuyên môn cũng như xã hội tranh luận không dứt từ nhiều năm nay. Những người không ủng hộ quan điểm này thường cho rằng nghề giáo là một nghề cao quý nên không thể coi đó là dịch vụ hay "món hàng" và người thầy nhất định không thể là "người bán hàng" được.


Cá nhân tôi lại nghĩ chừng nào nhà trường còn thu học phí của người học thì dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận giáo dục là một dịch vụ, là một "món hàng". Dù vậy, điều đó không có nghĩa là người thầy với tư cách là "người bán hàng" lại không cao quý, lại không đáng được tôn trọng.

Trong nền kinh tế ngày càng phát triển ngày nay, có rất nhiều dịch vụ nói riêng và "món hàng" nói chung đang tồn tại, hoạt động bình thường và người bán các dịch vụ đó vẫn có thu nhập tốt và được xã hội trọng vọng, ví dụ như nghề luật sư, bác sĩ hay tư vấn. Những nghề này, cũng như nghề giáo đều yêu cầu "người bán hàng" phải có trình độ cao, có chuyên môn và rõ ràng là không ai có thể phủ nhận việc họ đều là những người có chỗ đứng trong xã hội.

Trong phần tiếp theo, tôi sẽ thử phân tích một số đặc điểm về nghề giáo, với tư cách là một dịch vụ, một "món hàng" đặc biệt.

Ảnh: L.G

Không chỉ phụ thuộc vào người bán

Với những "món hàng" thông thường, ví dụ như một sản phẩm cụ thể (một chai dầu gội hay một chiếc điện thoại), bên bán có vai trò tiên quyết trong việc tạo ra chất lượng. Nhưng, với giáo dục, chỉ người bán cố gắng thôi chưa đủ, mà người mua, người tiêu dùng (người học, phụ huynh) cũng có vai trò quan trọng. Nếu người mua, người tiêu dùng (người học, phụ huynh) không tích cực tham gia vào quá trình "tiêu dùng sản phẩm" (ở đây là việc học) thì người bán (người thầy) dù giỏi đến mấy, tốt đến mấy thì chất lượng sản phẩm (kết quả học tập) cũng sẽ khó mà tốt được.

Trong thuật ngữ của dịch vụ, quá trình học tập này được gọi là quá trình "cùng kiến tạo giá trị" (co-creation value) mà một số ngành/lĩnh vực dịch vụ khác, như y tế hay tư vấn cũng có. Ví dụ, bác sĩ sẽ không thể chữa được cho bệnh nhân nếu như người bệnh không "hợp tác", không tuân thủ phác đồ điều trị hoặc người được tư vấn nếu không giải thích được tường minh vấn đề của mình thì cũng sẽ rất khó để người tư vấn đưa ra các lời khuyên hữu ích.

Khó định lượng và đo đếm

Nếu như bạn đang muốn may một bộ áo dài hay complet, bạn có thể hỏi người thợ may "bao giờ tôi lấy được hàng". Bạn cũng có thể hỏi người thợ may cho xem trước ảnh mẫu hoặc chất liệu vải. Với "món hàng" giáo dục, bạn sẽ không dễ dàng làm điều tương tự. Bạn không thể hỏi thầy hay cô hiệu trưởng "bao giờ em tốt nghiệp?". Nếu như bạn mua một chiếc máy ảnh, bạn có thể "lượng hóa" được các thông số về chất lượng của nó như độ phân giải ảnh, độ rộng của ống kính...

Với giáo dục thì điều này không dễ dàng, một bài giảng có thể là hay so với người này nhưng lại không hấp dẫn với người khác. Nói cách khác, chất lượng của "món hàng" giáo dục không dễ định lượng và đo đếm.

Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất 

Như đã nói ở trên, khác với các "món hàng" khác, người mua rất khó đánh giá chất lượng của người bán trong giáo dục. Người mua ở đây vừa không có đủ thông tin và trong nhiều trường hợp là không có đủ cả tri thức để đánh giá năng lực trường học và người thầy. Thậm chí, có khi phải "tiêu dùng" xong (tốt nghiệp, ra trường) khá lâu, người mua mới có thể đánh giá được hết về trường học cũng như người thầy đã từng dạy mình. Vì vậy, người bán ở đây phải tạo được uy tín của mình (bằng cấp, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học) thì người mua mới tin, mới chọn học.

Hơn thế nữa, giữ được niềm tin, giữ được hình ảnh của nhà trường và người thầy thậm chí còn quan trọng hơn cả việc tạo ra niềm tin ban đầu. Nhà trường nói chung và người thầy nói riêng, ngay cả trong "thị trường giáo dục" cũng phải không ngừng rèn luyện và giữ gìn để không bị mất niềm tin với người học và phụ huynh. Điều này cũng tương tự với các ngành dịch vụ đặc biệt khác như bác sĩ hay tư vấn.

Bạn trả tiền cho một bữa ăn thì bạn sẽ là khách hàng duy nhất. Nhưng, với việc đi học thì bên cạnh học phí, nhiều khi nhà nước cũng chi trả một phần cho việc học của bạn. Khi đó, ngoài bạn là khách hàng trực tiếp thì nhà nước và rộng hơn là toàn thể xã hội, những người đã đóng thuế và chi trả việc học cho bạn thông qua nhà nước) cũng là khách hàng phi trực tiếp của trường học.

Như vậy, bên cạnh việc làm khách hàng trực tiếp (ở đây là người học) hài lòng, trường học và người thầy cần phải có nghĩa vụ và trách nhiệm làm hài lòng các khách hàng phi trực tiếp khác là cơ quan nhà nước cũng như toàn thể xã hội.

Ảnh: L.G

Như vậy, vấn đề có lẽ không phải là chuyện giáo dục có phải là dịch vụ, là "món hàng" hay không, mà là ở chỗ giáo dục phải làm sao, như thế nào để cho khách hàng của mình, từ trực tiếp đến phi trực tiếp phải tôn trọng. Trong bối cảnh mới, để làm được điều này, hẳn nhiên những người trong ngành giáo dục cần phải nhận thức rõ về đặc tính của ngành mình, với tư cách là một "hàng hóa", như bài viết này đã chỉ ra.

Vẫn dè dặt với xu hướng mới

Dịch vụ hóa giáo dục là một xu hướng diễn ra phổ biến trên toàn cầu trong khoảng 30 năm trở lại đây, đặc biệt ở bậc sau trung học, bao gồm giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Với bậc phổ thông và mầm non, xu hướng này cũng xuất hiện nhưng với mức độ ít rõ ràng hơn.  Có thể tổng kết xu hướng này thông qua một số đặc điểm: (i) cho phép sự ra đời và mở rộng khu vực giáo dục tư thục, (ii) cho phép trường công lập thu học phí từ người học cũng như các khoản phí khác, (iii) trao nhiều quyền tự quyết hơn cho các trường công lập, (iv) cổ phần hóa trường công, (v) giáo viên không còn là công chức hoặc viên chức chính phủ nữa và trở thành người lao động thông thường. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra động lực chính để các chính phủ trên thế giới đẩy mạnh dịch vụ hóa giáo dục là để: (i) nâng cao hiệu quả giáo dục, và/hoặc (ii) cắt giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Mặc dù đây là xu hướng ngày càng phát triển mạnh, phần lớn các nước trên thế giới đều đã và đang diễn ra các cuộc tranh luận không dứt về việc nên hay không nên thúc đẩy dịch vụ hóa giáo dục. Những ý kiến phản đối đã chỉ ra những hệ quả của xu hướng này bao gồm: (i) gia tăng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội, (ii) xói mòn đạo đức, mối quan hệ thầy-trò trở thành mối quan hệ người bán - kẻ mua thuần túy.

Trong nhiều trường hợp, xu hướng này còn được biết đến với những tên gọi khác (có nội hàm giống một phần với dịch vụ hóa giáo dục) như thương mại hóa, thị trường hóa, phi tập trung hóa, chia sẻ chi phí …. Tại Việt Nam, xu hướng này thường được biết đến với tên gọi "xã hội hóa giáo dục", được khởi động chính thức từ năm 1997. Cho đến nay, có thể thấy chính phủ Việt Nam vẫn còn giữ chính sách tương đối dè dặt với xu hướng này.

Phạm Hiệp
.
.
.