EURO 2020: Tăng trận, tham tiền, rồi sao?
Những chỉ trích gay gắt
Nhà báo thể thao kỳ cựu Jonathan Wilson đã châm biếm rằng Blatter vốn nổi tiếng là một người "có 50 ý tưởng một ngày, và 51 trong số đó là tệ". Nặng nề hơn, trong bài viết vào cuối tháng Sáu, trước khi giải EURO 2020 khởi tranh, Wilson đã chỉ trích nặng nề ý tưởng mở rộng này. Ông viết: "Đấy dường như là cách bóng đá hiện đại vận hành. Mọi thứ cứ phải "hoành" hơn: nhiều trận hơn nghĩa là nhiều tiền hơn, và nhiều quốc gia tham gia hơn có nghĩa là thêm nhiều phiếu bầu cho bất kỳ ai giới thiệu thể thức này. Những gì tốt cho bản thân môn thể thao, cho người chơi lẫn người xem, đều bị bỏ qua".
Đương kim vô địch thế giới Pháp đã bị loại bởi Thụy Sĩ sau một trận đấu điên rồ. Thụy Sĩ cũng chính là đội hạng ba "đỗ vớt" sau vòng bảng nhờ thể thức mới. Ảnh: AFP. |
Phản ứng của Wilson là dễ hiểu. Rất nhiều người cũng đã dành nguyên một tuần rưỡi đầu tiên của EURO 2020 để than vãn chuyện các đội xếp thứ ba vẫn có cơ hội đi tiếp, khiến các lượt trận cuối vòng bảng trở nên thiếu kịch tính, và rằng việc chơi đến 36 trận chỉ để loại tám trong số 24 đội dự giải có vẻ hơi nực cười.
Nhưng những cú sốc liên tiếp ở các vòng đấu loại trực tiếp, nơi chứng kiến lần lượt đương kim vô địch (ĐKVĐ) thế giới lẫn ĐKVĐ châu Âu phải rời cuộc chơi trước những đối thủ yếu hơn nhiều, đã khiến mọi người nhanh chóng quên chuyện chỉ trích đi. Thể thức thi đấu của EURO đã liên tục thay đổi, tăng từ 4 đội vào năm 1960 lên 8 đội vào năm 1980, rồi 16 vào năm 1996, đến 24 đội vào năm 2016, và lần này, là chuyện chơi đến 71% số trận chỉ để loại 33% số đội. Ai cũng bắt đầu chỉ trích khi những ý tưởng mới đến, nhưng rồi họ quên cũng rất nhanh.
Theo trang The Athletic, những cải tiến hiện tại không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ lòng tham, mà là một sự thay đổi được tính toán rất kỹ. Tất cả khởi nguồn từ Hypercube, một công ty có trụ sở tại Ultrecht đã đưa ra ý tưởng sử dụng những tấm thẻ mà người Hà Lan sử dụng để đi xe buýt, xe lửa và xe điện.
Khách hàng trong bóng đá đầu tiên của Hypercube chính là ban tổ chức Eredivisie (giải VĐQG Hà Lan): năm 2004, họ muốn biết lý do tại sao các sân vận động mới mà họ đã xây dựng để tổ chức EURO 2000 lại không thu hút được thêm người hâm mộ. Bất chấp cơ sở vật chất liên tục được cải thiện và thành tích tốt của các CLB Hà Lan tại châu Âu, số lượng đến sân xem Eredivisie hàng năm luôn dưới 5 triệu khán giả, từ năm này qua năm khác.
Pim Klaver, chuyên viên phân tích dữ liệu của Hypercube, kể lại trên The Athletic: "Chúng tôi sử dụng cơ sở dữ liệu của các CLB và nhận ra rằng các sân thường sẽ không có khán giả sau Giáng sinh, vì đơn giản là nhiều đội có động lực gì để đá đâu. Có một vùng xám tồn tại từ vị trí thứ tám đến thứ 15, nơi họ không thể có vẻ đi châu Âu, nhưng cũng không thể xuống hạng được".
"Chúng tôi đề nghị họ tổ chức các trận play-off cho các đội từ thứ hai đến thứ năm để giành vé dự Champions League, còn thứ sáu đến thứ chín sẽ tranh vé đi Europa League, còn thứ 10 đến 13 cạnh tranh vé đi Intertoto Cup (giờ là Europa Conference League)" - Pim nói. "Kế hoạch đi vào thực tế vào năm 2007, và tổng số khán giả đã tăng vọt lên 5,5 triệu. Năm 2008, con số này là 6 triệu, bao gồm 800 ngàn người đã đến sân trong 34 vòng đấu đầu tiên, trước khi loạt play-off diễn ra. Các câu lạc bộ nhận thấy rằng họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn từ các nhà tài trợ, vì họ thường sẽ gia hạn vào tháng Tư/ tháng Năm".
Làm hài lòng người Hà Lan xong, Hypercube đã giúp người láng giềng Bỉ, vốn đang mắc một vấn đề với hệ số đang quá yếu kém trên bảng xếp hạng UEFA, được tính dựa trên màn thể hiện của các CLB Bỉ ở các cúp châu Âu trong 5 năm gần nhất. Giải pháp vẫn là tăng số trận: sau khi giải VĐQG truyền thống với thể thức mỗi đội gặp nhau hai lần kết thúc, Bỉ chọn ra sáu đội dẫn đầu, giữ lại một nửa số điểm để tổ chức một giải mi-ni tranh chức vô địch và các suất dự Champions League, trong khi nhóm giữa sẽ đá với nhau tranh dự Europa League, còn các đội cuối bảng đá các trận play-off trụ hạng.
Giải pháp tiếp tục có hiệu quả: "Hệ số của Bỉ đã tăng từ 14 lên 16 sau mùa giải đầu tiên và kể từ đó tăng mỗi năm một bậc" - Pim Klaver hồ hởi tiết lộ với The Athletic. "Chúng tôi đã đưa thêm truyền hình vào kế hoạch, vì thế họ rất thích nó và bản quyền truyền hình đã tăng giá trị. Nó đã thúc đẩy nền kinh tế bóng đá Bỉ quay lại, và tốt cho sự phát triển của các cầu thủ vì nó cung cấp những trận đấu quan trọng. Kevin De Bruye và phần còn lại của đội Bỉ đã trưởng thành cùng hệ thống này".
UEFA vẫn đúng?
Đấy là mẹo mà Hypercube đã tiếp tục sử dụng để cải thiện các vấn đề ở giải VĐQG Áo, Đan Mạch và Romania, được biết đến với cái tên "mô hình Thụy Sĩ". Theo The Athletic thì công ty dữ liệu này đơn giản đã dùng ý tưởng tổ chức thi đấu của các giải cờ vua và áp dụng nó vào bóng đá. Định dạng kiểu Thụy Sĩ này xếp các kỳ thủ/đội kỳ thủ vào một bảng nhưng không yêu cầu mọi đấu thủ phải đấu với tất cả những người/đội còn lại.
Nó hoạt động hiệu quả trong cờ vua vì các cuộc đấu cờ thường thu hút hàng trăm người tham gia và không phải ai cũng có đủ thời gian để đấu với tất cả những người khác vào cuối tuần. Họ hẳn cũng không muốn mạo hiểm đi một quãng đường dài chỉ để đến đấu và bị loại ngay từ vòng đầu. Các kỳ thủ có thành tích tương đương hoặc cấp độ hạt giống như nhau được xếp cặp với nhau, và tất cả đều được chơi một số trận nhất định.
Sepp Blatter. Ảnh: L.G |
Mô hình này là một phần trong kế hoạch mở rộng Champions League mà UEFA dự định triển khai từ năm 2024. 36 đội sẽ chơi tổng cộng 10 trận vòng bảng, với 5 trận sân nhà, 5 trận sân khách. Tám đội dẫn đầu sẽ đi tiếp luôn vào vòng 1/8, trong khi các đội xếp từ 9 đến 24 sẽ phải đấu play-off hai lượt đi về để chọn ra đối thủ cho tám đội ban đầu. Các đội thua play-off sẽ xuống chơi ở Europa League.
Gợi ý của một trong những tư vấn viên của Hypercube đã đến tai một giám đốc điều hành của Ajax Amsterdam, trước khi ông này mang nó ra bàn ở Hiệp hội các CLB châu Âu, và bay sang bàn của UEFA. Tổ chức này đã từng tham khảo ý kiến của chính Hypercube vào năm 2007 khi lần đầu nảy ra ý tưởng mở rộng EURO lên 24 đội.
Philip Scarf, giáo sư toán học tại trường Đại học Cardiff và là người đã nghĩ ra chỉ số hiệu suất cho các cầu thủ Premier League trước cả hãng dữ liệu trứ danh Opta, giải thích việc tăng số đội và số trận, vốn bề ngoài giống như một hình thức bóc lột mới của thể thao: "Nếu bạn muốn tìm ra đội bóng hay nhất, bạn nên chơi nhiều trận để có thể "trích xuất" được lượng bù sai".
"Trên cơ sở đó, chơi ba trận tại EURO 2020 chỉ để loại một đội là cách tiếp cận hợp lý. Khi các nhà kinh tế nói về những định dạng tối ưu, họ tập trung vào hai khái niệm: bất ngờ và kịch tính. Chúng ta muốn các đội bóng đôi lúc đánh bại các đội lớn, và chúng ta không muốn dự báo được kết quả mọi trận đấu" - Philip kết luận.
Những gì đã diễn ra ở các vòng đấu loại trực tiếp, với rất nhiều những trận đấu "đau tim", có lẽ đã chứng minh được cho lý thuyết này. Pháp bị Thụy Sĩ loại, Hà Lan thua trắng Séc, và TBN "hút chết" với Croatia rồi Thụy Sĩ… Quá nhiều những bất ngờ diễn ra, và có đến ba trong số bốn đội "đỗ vớt" nhờ vị trí thứ ba ở vòng bảng đã có mặt ở tứ kết. Trong khi EURO diễn ra, không ai buồn quan tâm đến Copa America, dù giải đấu cấp đội tuyển ở Nam Mỹ này cũng không thiếu những ngôi sao hàng đầu.
Nhưng châu Âu vẫn sẽ tiếp tục là nơi bóng đá phát triển thịnh vượng nhất, với tính cạnh tranh ngày càng tăng do trình độ giữa các đội tuyển thành viên ngày một thu hẹp, nhờ những ý tưởng nhìn qua thì kỳ quặc, nhưng vô cùng hiệu quả này.