Nhân tài không phải để trưng bày

Để gánh nặng mưu sinh không gông cùm trí tuệ

Thứ Tư, 10/04/2019, 10:40
Nhân diễn đàn VGLF này, tự dưng tôi muốn nhắc lại một nội dung nằm trong Quyết định 31/2018/QĐ-UBND của TP HCM. 

Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu” (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF) lần đầu tiên được tổ chức ở Paris - Pháp vào hai ngày 30 và 31-3 vừa rồi, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho thấy một dấu hiệu thực sự tích cực trong chiến lược thu hút nhân tài, một chiến lược lâu dài của Việt Nam suốt nhiều năm qua. Đánh giá đúng vai trò của người Việt ở hải ngoại, trân trọng tài năng và đóng góp của họ cho thế giới là một bước mở để nhân tài nhận ra rằng Chính phủ đang trọng vọng họ thế nào.


Nội dung ấy nhấn mạnh về việc thu hút nhân tài cho thành phố để phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực công nghệ cao. Và chính sách đi từ quyết định ấy là gì? Đó là thành phố sẽ trợ cấp ban đầu khoản tiền 100 triệu để yên tâm và ổn định công tác. 

Kèm theo đó, mức lương được đưa ra cụ thể là: 1. Với giáo sư, phó giáo sư, lương được hưởng bậc 2 (hệ số 9,4), tương đương khoảng 13 triệu đồng. 2. Với các trường hợp còn lại, lương được hưởng bậc 1 (hệ số 8,8), tương đương 12 triệu đồng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nhìn vào các con số ấy, thực sự chúng ta có buồn không? Nếu nhân tài là cư dân của TP HCM, mức trợ cấp có thể là một nguồn động viên vui vẻ. Còn nếu nhân tài là người từ địa phương khác thì sao? 100 triệu, số tiền đó không nghĩa lý gì cả khi giá một mét vuông nhà phố (không phải mặt tiền, chỉ là nhà trong hẻm) ở các khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận… hiện nay đã lên tới mức từ 60 cho tới trên 100 triệu đồng/m². 

Khoản trợ cấp ấy làm sao có thể an tâm được khi mà nhân tài chỉ vừa đủ mua một diện tích đất đủ cho mình có chỗ đứng. Mà xưa nay, cái câu “an cư rồi mới lạc nghiệp” chưa bao giờ sai cả. Cần ổn định nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống gia đình với bao nhiêu thứ kéo theo, từ chuyện học hành của con cái cho tới chuyện đời sống hàng ngày, thì mới có thể an tâm để tập trung toàn bộ cho công việc. 

Thử hỏi, có ai có thể an tâm với một mức lương như thế để cống hiến trí tuệ? Và  vấn đề muôn thuở lại được mở ra. Đó là làm cách nào để mưu sinh không là gông cùm đối với những bộ óc, những trí tuệ tài năng.

Tôi có một người em, quê ở miền Trung, một thành phố lớn. Cậu vào TP HCM học đại học và sau khi cậu tốt nghiệp loại xuất sắc ở chuyên ngành của mình, tôi có hỏi cậu: “Có về quê làm việc không em? Nghe nói địa phương của em đang có chính sách đãi ngộ nhân tài tốt lắm”. 

Cậu lắc đầu, cười xoà. Cậu quyết ở lại TP HCM, đi làm cho một doanh nghiệp tư nhân. Lý do rất đơn giản “ba mẹ em cực để lo cho em học được đến lúc này rồi. Về lại quê làm việc theo chính sách đãi ngộ nhân tài kia, em còn chẳng nuôi nổi em. Lại ăn hại ông bà già nữa hả anh? Ở lại Sài Gòn, kiếm việc tốt tốt mà làm, tích cóp rồi kiểu gì vài năm biết đâu có cơ nghiệp, đón ba mẹ vào đây cũng không muộn”. 

Và điều cậu làm tới giờ tôi vẫn cho là đúng đắn. Chỉ sau 2 năm làm việc ở một tập đoàn tư nhân, cậu từ một người học việc đã được lên vị trí quản lý, lương tháng tính ra cũng hơn 5.000 USD/ tháng.

5.000 USD lương tháng của chàng thanh niên kia có thể chưa là gì đối với nhiều người tài khác đang làm việc cho các tổ chức nước ngoài, tư nhân hoặc đang làm cho chính mình ở các doanh nghiệp start-up, nhưng thực sự, nó là một khoản thu nhập ít ra là tương xứng với cái gọi là nhân tài. 

Từ lâu nay, chúng ta hay quen nói “thơm, ngon, bổ, rẻ” nhưng thực sự, đã đến lúc phải tập quen với chuyện đã thơm, ngon, bổ thì phải đắt. Nhân tài làm việc cho nhà nước rất cần tài năng và lý tưởng nhưng không ai có thể tồn tại bằng lý tưởng cả. 

Chúng ta có thể sống với lý tưởng, sống bằng lý tưởng của mình nhưng trước khi sống thì cứ phải tồn tại đã. Mà đã là tồn tại, nó là những nhu cầu từ tối thiểu trở lên. Chẳng lẽ, ở thế kỷ 21 rồi mà chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền vẫn là thứ ám ảnh nhân tài đến tột cùng?

Một câu chuyện khác, về một đồng nghiệp khác của tôi. Trong một buổi ăn tối, anh chia sẻ rằng thực sự anh cảm thấy sốc khi sáng hôm đó, lãnh đạo cơ quan của anh nói trong cuộc họp là cần tuyển bảo vệ mới cho cơ quan bởi bảo vệ cũ đã xin thôi việc. Tiêu chuẩn đặt ra là khoẻ, sạch sẽ, trung thực, có trách nhiệm, ưu tiên những người đã xuất ngũ. 

Và để cán bộ công nhân viên trong cơ quan có thêm dữ kiện để tìm người giúp cơ quan, lãnh đạo đưa ra mức lương tối thiểu là 10 triệu đồng/ tháng. Anh bạn của tôi sốc vì anh làm ở bộ phận sáng tạo của cơ quan ấy, và mức lương của anh, theo bậc ngạch, chỉ vẻn vẹn chưa tới 5 triệu đồng.

Anh nói “tôi không hiểu thước đo nào được đưa ra ở đây, khi trí thức, có trí tuệ, được ăn học đàng hoàng, lại phải chịu một mức lương bất công đến thế”.

Mọi so sánh đều là khập khiễng và chúng ta không coi thường những nghề nghiệp lao động chân tay nhưng thực sự, muốn yêu mến tri thức, trân trọng kiến thức, chúng ta phải đánh giá đúng giá trị của tri thức và kiến thức. Mọi lời hoa mỹ đều không thể nào xoá nhòa được rằng một trong các tiêu chuẩn để đánh giá chính là thước đo tài chính. 

Nhân tài cần ngợi khen, cần ghi nhận, cần được tri ân nhưng chắc chắn, nhân tài sẽ vui hơn rất nhiều nếu trí tuệ của họ mang lại cho gia đình họ một đời sống sung túc.

Chúng ta quá quen với nhiều thông tin rằng địa phương này, tỉnh thành kia trải thảm đỏ đón nhân tài. Nhưng những nhân tài ấy về với các địa phương rồi thì họ làm gì? Hay là họ sẽ lại ra đi sau một thời gian tồn tại trong bộ máy cồng kềnh nhưng không hiệu quả như thể một thứ để trưng bày?

Muốn giải quyết câu hỏi ấy, có lẽ phải có thay đổi mang tính đột phá mà cơ bản nhất là hệ thống tính lương hiện thời, một hệ thống đang khép cánh cổng cơ hội thực sự với nhân tài song lại đang mở ra rất nhiều cánh cổng tự do, thoải mái cho những kẻ cơ hội, bất tài và vô công rỗi nghề.

Hà Quang Minh
.
.
.