Cuộc chiến giá dầu nhắm đến ai?

Thứ Hai, 06/04/2020, 13:48
Giá dầu thế giới liên tục lao dốc trong vòng hơn một tháng qua, phải chăng chỉ vì dịch COVID-19 hay còn nguyên nhân gì khác ?

Cuộc lao dốc khủng khiếp

Kinh tế thế giới đang trên đà suy thoái. Trong 2 tuần qua, các chuyên gia kinh tế thế giới liên tục nhắc đến những ngày thứ Hai đen tối của thị trường chứng khoán, khi sắc đỏ phủ kín các sàn chứng khoán toàn cầu. Ngày 9-3, chứng khoán Mỹ đã mất 7% trong một ngày giao dịch - mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhưng đến ngày 16-3, tức chỉ một tuần sau, mức suy giảm lên tới 10%, cao nhất trong vòng 33 năm qua.

Mức giảm trung bình của các thị trường châu Âu cùng thời điểm là 8%, và sắc đỏ phủ kín các sàn chứng khoán thế giới. Philippines trở thành quốc gia đầu tiên phải đóng cửa thị trường chứng khoán để ngăn đà giảm tốc.

Cái bắt tay của Nga và Saudi Arabia khiến cho nước Mỹ cảm thấy đau đầu.

Chứng khoán suy giảm kéo theo giá dầu có mức giảm kỷ lục trong một ngày, lên tới 30% vào ngày 9-3 và tiếp sau đó là 13% trong ngày 16-3. Chỉ trong một tuần giá dầu thế giới mất đi 37% giá trị, giao dịch ở mức 27 USD một thùng và vẫn đang trên đà giảm tốc.

Giới theo dõi dự báo giá dầu sẽ sớm trở về mức 22 USD, như thời điểm bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố năm 2001. Một cuộc lao dốc kinh hoàng, ảnh hưởng không nhỏ tới những nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới.

Thực ra, việc dầu mỏ mất giá rất dễ dự đoán khi kinh tế thế giới đang đứng trước ngưỡng của một cuộc suy thoái mới, do tác động của dịch COVID-19. Khi mà sản xuất thu hẹp, nhu cầu dầu mỏ giảm xuống thì giá dầu đương nhiên phải giảm theo. Có điều, những lần trước, khi giá dầu biến động, những nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ lập tức có hành động để nhằm bình ổn giá hoặc ít nhất là giữ cho nó không bị tụt quá sâu. Còn lần này, mặc dù đã có những động thái kêu gọi cắt giảm sản lượng được đưa ra nhưng chưa có nhà sản xuất dầu lớn nào tỏ ý muốn thực hiện.

Bàn cờ dầu mỏ

Dầu mỏ từ lâu là mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế thế giới. Nhìn vào giá dầu, người ta có thể phán đoán được tình hình kinh tế thế giới, và đó là nguồn thu quan trọng của nhiều quốc gia sở hữu trữ lượng lớn. Được ví như “dòng máu của các nền kinh tế” nên thông qua dầu mỏ, các quốc gia sản xuất dầu luôn có tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với các vấn đề toàn cầu.

Saudi Arabia và Nga là hai quốc gia có sản lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới vượt trội so với phần còn lại. Saudi Arabia còn được biết tới là đại diện của OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ), một tổ chức gồm 11 quốc gia chiếm hơn 30% sản lượng dầu mỏ của toàn thế giới. Nga tuy không thuộc OPEC nhưng lại đại diện cho một nhóm quốc gia khác bên ngoài OPEC và cũng chiếm khoảng 20% sản lượng dầu mỏ của thế giới. Đáng chú ý là phần lớn dầu của hai nhóm nước này đều nhằm mục đích xuất khẩu.

Mối quan hệ giữa hai phe trong và ngoài OPEC này là vừa xung đột vừa hợp tác, bởi hầu hết các quốc gia này đều phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng tới thu nhập nhưng nếu giá dầu quá cao thì sẽ để mất thị phần vào tay người khác. Chính vì thế, một cơ chế được gọi là OPEC+ đã được lập ra sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2016, giúp cho cả hai phe cùng phối hợp bình ổn nguồn thu của mình.

Tất cả vẫn ổn cho đến khi một tay chơi mới gia nhập bàn cờ: nước Mỹ.

Đối thủ nguy hiểm

Năm 2016 tình cờ lại là thời điểm mà ông Donald Trump lên nắm quyền tại nước Mỹ. Vị tổng thống với chủ trương kích cầu sản xuất trong nước đã ủng hộ các công ty dầu mỏ Mỹ khai thác nguồn dầu trong chính nội địa của mình. Nước Mỹ thực ra không thiếu dầu, tuy nhiên dầu của Mỹ lại là dầu đá phiến, đòi hỏi chi phí cao cho việc khai thác.

So với dầu truyền thống của Saudi Arabia hay Nga (với chi phí khai thác ước tính dưới 20 USD cho mỗi thùng) thì hiện tại dù công nghệ đã có nhiều bước tiến, một thùng dầu đá phiến vẫn cần tới hơn 30 USD chi phí.

Thế nhưng, kể từ năm 2016, nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ, có những bước phát triển rất khả quan. Giá dầu từ mức 30 USD/thùng khi ông Trump lên nắm quyền đã tăng lên mức 60-70 USD vào giữa năm 2019. Mức giá này đem đến lợi nhuận lớn cho tất cả những nhà sản xuất dầu. Điều này đã thúc đẩy các tập đoàn dầu mỏ của Mỹ tăng cường khai thác dầu đá phiến để thu lợi.

Nhờ sự ủng hộ của chính quyền ông Donald Trump, trong vòng 3 năm qua, sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng gấp hơn 2 lần. Hiện sản  lượng dầu của Mỹ đã tăng vọt lên tới gần 9 triệu thùng/ngày và trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới, áp sát Nga và Saudi Arabia. Trong thời gian qua, dầu đá phiến Mỹ đã xâm nhập ngược lại các thị trường thế giới, cạnh tranh với dầu mỏ truyền thống.

Giá dầu đang lao dốc.

Với trữ lượng dầu đá phiến ước tính gấp 3 lần dầu mỏ truyền thống của nhóm các nước OPEC+ đang sở hữu mà chủ yếu lại nằm trên đất Mỹ, các công ty Mỹ sẽ không ngần ngại nâng cao năng suất. Một số nhà quan sát thậm chí còn dự đoán: Tới năm 2023, Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, đồng thời dư thừa để xuất khẩu.

Điều này nếu xảy ra sẽ rất nguy hại cho nhóm OPEC+. Nếu Mỹ xuất khẩu dầu đá phiến sang EU hay Trung Quốc thì thị trường lớn của nhóm OPEC+ sẽ bị mất đi, thu nhập từ dầu về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, nhóm các công ty dầu mỏ được hưởng lợi lớn từ những chính sách hỗ trợ của Tổng thống Trump đang ra sức ủng hộ ông trong một nhiệm kỳ mới vào cuộc bầu cử cuối năm nay.

Đây có lẽ mới chính là nguyên nhân chính của việc Nga và Saudi Arabia phải tìm cách “bắt tay nhau” để giảm giá dầu. Tận dụng thời điểm kinh tế suy thoái vì dịch COVID-19, nhu cầu dầu giảm mạnh, cả hai quốc gia này đều đã tăng năng suất khai thác, tiến công mạnh mẽ vào các thị trường giá rẻ.

Trong một diễn biến khác, trong khi các nước xuất khẩu dầu nhỏ và khó khăn hơn như Iraq hay Nigeria kêu gọi Nga phối hợp với OPEC để cắt giảm sản lượng nhằm ngăn chặn giá dầu đi xuống thì chính Saudi Arabia lại không có động thái giảm sản lượng nào. Thực tế, các nước OPEC hoàn toàn có thể thực hiện mức cắt giảm khoảng 4,5 triệu thùng/ngày như được khuyến nghị nhưng họ lại muốn đẩy “quả bóng trách nhiệm” đó sang Nga.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga tuyên bố: Họ có sẵn 120 tỷ USD để bù đắp cho những khoản thiếu hụt trong thời gian tới do giá dầu hạ. Vậy là cuối cùng, vô hình trung, việc không ai chịu giảm sản lượng lại đẩy mũi nhọn về phía Mỹ.

Bởi vì, nếu giá dầu cứ giữ ở mức trên dưới 20 USD/thùng, Nga và Saudi Arabia vẫn còn cầm cự được, còn các công ty Mỹ sẽ đối diện nguy cơ lỗ nặng. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, các dòng vốn co lại, các công ty dầu Mỹ sẽ không thể huy động được đầu tư, mở rộng khai thác. Thậm chí, tác động xấu từ giá dầu và kinh tế thế giới sẽ giáng thẳng vào lộ trình tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hành động ghìm giá dầu vào thời điểm này của Nga và Saudi Arabia tuy có gây thiệt hại tạm thời cho chính họ nhưng nhắm tới mục đích lâu dài là ngăn chặn một đối thủ tiềm tàng. Điều thú vị nhất ở đây là việc Nga và Saudi Arabia tuy có những lợi ích địa chính trị khác hẳn nhau nhưng vẫn có thể cộng tác về mặt kinh tế khi cần. Chúng ta đều biết Mỹ và Saudi Arabia là những đồng minh truyền thống, trong khi Nga lại có mối quan hệ thân thiết với Syria và Iran, những đối thủ của Saudi Arabia ở khu vực Trung Đông.

Đến lúc này, khi tương lai của nền kinh tế thế giới còn chưa rõ ràng, rất khó nói trước được điều gì. Chưa chắc cuối cùng Moskva và Riyad sẽ thành công với mục tiêu mà họ đặt ra nhưng đây chắc chắn sẽ là một vấn đề mà nước Mỹ phải tính đến trong chiến lược trung và dài hạn.

Tử Uyên
.
.
.