Bỏ công ra tư: “Bất thường” tích cực?

Thứ Hai, 10/05/2021, 22:25
Thưa toà soạn Báo ANTG GT-CT!
Câu chuyện gần 200 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đồng loạt xin nghỉ việc chắc chắn không phải một hiện tượng bình thường. Tôi nghĩ, dù nhìn nhận theo hướng nào, dưới góc độ nào thì đấy rõ ràng cũng là một biểu hiện bất thường.

Việc Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai phải thống kê, báo cáo số cán bộ công chức có trình độ xin chuyển công tác và phân tích nguyên nhân cho thấy rõ sự bất thường đó. Ở khía cạnh quan sát của mình, tôi rất chia sẻ với nhận định của lãnh đạo bệnh viện, đó là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu của bệnh viện giảm, do vậy chế độ, chính sách đãi ngộ với viên chức, người lao động của bệnh viện tất yếu phải giảm xuống. Thật ra thì COVID-19 làm tất cả các bệnh viện đều chịu ảnh hưởng, theo cách này hay cách khác, nhưng riêng với Bệnh viện Bạch Mai, việc bị phong toả trong hơn 1 tháng để thực hiện công tác chống dịch khiến mức độ ảnh hưởng là nghiêm trọng vô cùng. Đã vậy, cũng trong năm qua lại xảy ra câu chuyện cựu giám đốc và cựu phó giám đốc bệnh viện bị bắt để điều tra quanh việc mua bán thiết bị y tế - một sự vụ mà tôi cho rằng không ít thì nhiều cũng sẽ tác động tới tâm lý của đội ngũ y bác sĩ.

Tuy nhiên, sau khi chia sẻ với tất cả những lý lẽ trên đây, điều tôi muốn đặt ra không chỉ liên quan tới riêng Bệnh viện Bạch Mai, cũng không chỉ liên quan đến riêng ngành Y tế, mà còn có thể liên quan tới nhiều đơn vị/ ngành nghề khác. Đó là, câu chuyện ở Bệnh viện Bạch Mai liệu có mở ra một giai đoạn mà người làm nhà nước sẽ ồ ạt bỏ “nhà nước” ra làm tư hay không? Qua đọc báo tôi được biết, lương trung bình của bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai là 20-25 triệu đồng/ tháng, trong khi đó lương của các bệnh viện tư thường dao động trên dưới 100 triệu đồng/ tháng. Đã vậy lại có dư luận về việc bệnh viện nợ lương nhân viên. Xin nói rõ, tôi chỉ nghe dư luận như vậy, chưa biết thực - hư, nên cũng muốn qua đây nhận được câu trả lời của quý báo về vấn đề này.

Trở lại với làn sóng người lao động dịch chuyển từ môi trường công sang môi trường tư, liệu sau lĩnh vực y tế nó có tiếp tục xảy ra với lĩnh vực giáo dục hay không, bởi trong ngành giáo dục, thu nhập của giáo viên trường công với giáo viên trường tư cũng là rất chênh lệch? Và điều gì sẽ xảy ra nếu sau y tế, sau giáo dục, nó tiếp tục lại xảy ra với nhiều ngành nghề khác? Khi đó các đơn vị công phải làm gì để có thể mời gọi và giữ chân người tài?

Theo tôi đây là một câu chuyện cần phải được bàn bạc nhiều chiều, nghiêm túc. Do vậy rất mong nhận được hồi âm của toà soạn.

Xin chân thành cảm ơn toà soạn!

       Nguyễn Hoàng An (Hà Nội)

Thưa độc giả Nguyễn Hoàng An!

Chúng tôi rất chia sẻ với những trăn trở đầy tính xây dựng của độc giả. Quanh luồng dư luận Bệnh viện Bạch Mai nợ lương nhân viên mà độc giả đặt ra, xin được trả lời ngay, đây là những dư luận không chính xác.

Trả lời về luồng dư luận này, TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Khi lượng bệnh nhân giảm, máy móc chuyển về giá bảo hiểm thì thu nhập giảm nhưng lương không giảm, không có chuyện bệnh viện nợ lương cán bộ công nhân viên chức. Các khoản thu nhập khác như khen thưởng, nghỉ lễ... vẫn đầy đủ” (Báo Lao động, ngày 14/4/2021). Chính vì vậy chúng ta sẽ gạt câu chuyện này qua một bên để bàn đến một câu chuyện chính đáng hơn, đó là hiện nay có nhiều bệnh viện tư ra đời, thu hút nhiều khách hàng VIP, do đó thu nhập của các y  bác sĩ ở bệnh viện tư cao hơn hẳn so với các y bác sĩ ở bệnh viện công.

Tâm sự với chúng tôi, một bác sĩ có tiếng trong lĩnh vực xương khớp cho hay: “Nếu thực sự là bác sĩ giỏi thì vừa làm nhà nước vừa làm thêm ở các phòng khám bên ngoài sẽ đảm bảo một mức thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều các cơ sở đào tạo y bác sĩ, số lượng y bác sĩ rất nhiều, và số người giỏi chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số đó. Do vậy nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở mức trung trung, tầm tầm đã chọn giải pháp bỏ hẳn môi trường công sang môi trường tư”.

Tức là, muốn hay không muốn thì sự chênh lệch thu nhập giữa hai môi trường cũng là một yếu tố tác động rất lớn tới quyết định của các y bác sĩ hiện nay.  Chúng tôi đồng ý với độc giả ở chỗ, nhìn sang lĩnh vực giáo dục, câu chuyện cũng có nhiều chiều hướng tương tự. Vậy thì đấy là một biểu hiện đáng mừng hay đáng lo?

Theo chúng tôi, có nhiều biểu hiện đáng mừng. Bởi thứ nhất nó sẽ giúp người lao động có nhiều chọn lựa hơn. Có lẽ tất cả đều đồng ý những người làm nghề giáo viên/ bác sĩ là những người tham gia hoạt động lao động đặc thù, nhưng dẫu có đặc thù với những tính chất cao quý, thiêng liêng vốn có thì trước hết nó vẫn cứ là lao động. Nếu như thời kỳ bao cấp với sự độc tôn của các môi trường lao động nhà nước rất nhiều người than vãn về việc “tôi có tài nhưng không có đất dụng võ” thì với những thay đổi hiện nay, rõ ràng không thể nói như vậy được nữa. Đất dụng võ bây giờ rất lớn và rất mênh mông, nếu bạn không thể sống được với nghề của mình thì phải xem lại chính mình, thay vì đổ tại cho chuyện “không có đất”.

Thứ hai, nó sẽ tạo ra những sự cạnh tranh tích cực, giúp các hoạt động thực chất được khuyến khích. Trước đây chúng ta vẫn nói nhiều về việc “con ông cháu cha” trong những mô hình lao động nhà nước nào đó. Và trong hình dung của chúng ta phần lớn những thành phần “con ông cháu cha” đều là những người bất tài, ăn bám cơ chế. Xin nhắc lại: phần lớn, chứ không phải là tất cả. Vậy thì hãy thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những người tài trong mô hình đó đều chạy hết ra bên ngoài, chỉ còn phần lớn những người bất tài ở lại? Lúc đó mô hình này có thể hoạt động bền vững nổi không? Và nếu đã nhìn thấy trước câu trả lời là “không” thì trong chính mô hình này, phải làm gì để tạo hấp lực cho người tài, tận dụng người tài rõ ràng trở thành vấn đề sống còn, cấp bách.

Xin nhấn mạnh lại lần nữa, đó là vấn đề sống còn, cấp bách, chứ không thể chỉ là vấn đề hình thức, hô khẩu hiệu. Ngay trong câu chuyện các bác sĩ chuyển từ công sang tư, một bác sĩ xin giấu tên chia sẻ với chúng tôi thế này: “Thực ra ai cũng nhìn thấy thu nhập của môi trương tư hơn môi trường công. Nhưng cũng phải thấy ở môi trường công lại có những đặc thù mà môi trường tư ít có, thậm chí là không có, đó là cơ hội được nâng cao tay nghề khi đối diện với nhiều ca bệnh khó, là việc được cử đi bồi dưỡng chuyên môn ở nước ngoài… Câu chuyện nằm ở chỗ, tất cả những ưu thế này có được thực hiện một cách minh bạch, công bằng với tất cả mọi người hay không?”. Bác sĩ này nói thêm, bên cạnh chuyện thu nhập còn là chuyện môi trường làm việc, chuyện có được lãnh đạo lắng nghe, tôn trọng hay không.

“Bệnh viện có làm gì đến nỗi phải nghỉ việc không? Trong khoa thế nào, lãnh đạo khoa có o ép gì không?”, đấy là những câu hỏi mà bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đặt ra khi một điều dưỡng xin chuyển công tác. Kể lại câu chuyện này với Báo Tuổi trẻ (Bài “Vì sao bác sĩ công chuyển sang tư”, ngày 22/4/2021), bác sĩ Nguyễn Tri Thức cũng đồng thời cho biết sau khi “nút thắt” được tháo gỡ, cả người xin nghỉ lẫn người quản lý đều thấy nhẹ lòng. Cũng trong bài báo này bác sĩ Nguyễn Tri Thức đặc biệt nhấn mạnh đến việc muốn giữ chân người tài thì người lãnh đạo phải thực sự tạo ra một môi trường tốt. “Nếu vấn đề nhân viên ra đi thuộc trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện, chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm và giải quyết theo đúng nguyện vọng chính đáng của nhân viên” - bác sĩ Thức nói.

Thưa độc giả Nguyễn Hoàng An, hẳn độc giả còn nhớ tháng 7 năm 2020 từng diễn ra một câu chuyện rất đáng chú ý khi ông Bạch Ngọc Chiến đã xin thôi chức Phó chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam để về đầu quân cho một tổ chức giáo dục. Nói một cách hình ảnh thì ông “từ quan” ra ngoài làm việc. Xin được nhắc lại: Năm 2014, ông Chiến là một trong 44 cán bộ được Trung ương luân chuyển về địa phương, được bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Đến tháng 7/2019, ông được Ban Bí thư điều động, chỉ định tham gia Ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, giữ chức Phó chủ tịch.

Và cũng xin nhắc lại lời chia sẻ của ông trên trang facebook cá nhân sau khi đưa ra một quyết định cuộc đời: “Trong hơn 23 năm làm việc trong đó có 13 năm làm quản lý, tôi tự nhận là người chăm chỉ, cầu tiến và đàng hoàng. Tôi thấy hạnh phúc vì đã nói được điều mình nghĩ và làm được điều mình nói. Cho đến nay, tôi thấy vinh dự cũng đã lớn, khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn của tôi đã đến giới hạn và cũng không thấy có triển vọng phát triển hơn nữa. Cách đây mấy tuần, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có viết một bài báo hay và tôi tâm đắc nhất ý “không biết cách lên thì phải biết cách xuống”. Vì thế tôi quyết định chuyển sang công việc mới phù hợp với sở thích và sở trường của tôi”.

Kể lại câu chuyện của ông Bạch Ngọc Chiến, chúng tôi muốn nói rằng, cũng có những trường hợp bỏ công ra tư không phải vì lý do lương thưởng, không phải vì lý do bất mãn, mà đơn giản là sau khi tự nghe và hiểu con người bên trong của mình, họ biết phải làm gì để tốt nhất cho mình và sau đó, nếu có thể là cho xã hội. Với những trường hợp như vậy thì cả phía công lẫn phía tư đều sẽ nhìn họ với một con mắt trân trọng lớn lao.

Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi có thể đáp ứng phần nào những thắc mắc của độc giả. Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.
.