Những tín hiệu mạnh mẽ

Giữ ngọn lửa trong lò

Thứ Ba, 15/08/2017, 17:05
Khi thông tin Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú tại Cơ quan Công an, nhiều người đã nhận thấy một tín hiệu rất mạnh mẽ cho thấy quyết tâm chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra đã được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể. 

Những đại án, những nghi can tham nhũng thất thoát, những cán bộ lãnh đạo thiếu trách nhiệm, những phi vụ lũng đoạn ngân hàng, những cá nhân mưu toan trục lợi… đang dần được đưa ra ánh sáng, những vùng cấm được tháo bỏ từ từ. Có những tín hiệu mạnh mẽ từ quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, của Chính phủ đang cho phép đưa ra nhìn nhận về một sự hy vọng.


Bằng mọi biện pháp, phải lôi bằng được các đối tượng của công cuộc chống tham nhũng ra ánh sáng, đó cũng là ý chí mà Trung ương Đảng đã cùng nhất trí thông qua và câu chuyện Trịnh Xuân Thanh càng cho thấy khó có thể nào trốn chạy, dù là ở bất kỳ nơi ẩn nấp an toàn nào, trước cơn sóng lớn để làm trong sạch lại đội ngũ cán bộ. 

Và chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh rồi, công tác cán bộ là quan trọng nhất và một trong những phương pháp đẩy mạnh cải thiện chất lượng cán bộ, song song với lựa chọn người có tài và công chính, chính là việc thanh lọc những đối tượng đang làm mất uy tín của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là những đối tượng tham ô, nhũng nhiễu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây có một ẩn dụ khá thú vị về công tác chống tham nhũng và ẩn dụ ấy được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cộng đồng. Đó là khi "lò đã nóng lên, thì củi tươi cũng phải cháy". 

Hàm ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tất cả đều phải vào cuộc, không thể nào có thái độ dửng dưng đứng ngoài cuộc. Ngọn lửa trong lò mà Tổng Bí thư nhắc đến là ngọn lửa của đấu tranh chống tham nhũng, và nuôi dưỡng ngọn lửa đó rất cần sự tham gia của mọi người, mọi ngành và mọi cấp.

Minh họa: Lê Phương.

Nhưng khi đọc ẩn dụ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi lại có thêm một liên tưởng khác: Ngọn lửa là công tác chống tham nhũng, làm sạch bộ máy cán bộ còn củi ở đây chính là những đối tượng tham nhũng, những thành phần cần phải được đưa vào "lò", để ngọn lửa kia cháy đượm hơn, nuôi dưỡng một tinh thần đấu tranh quyết liệt hơn và không khoan nhượng dù bất kỳ lẽ nào.

Nếu chúng ta đã từng nhóm củi đốt lò, chúng ta đều hiểu có hai cách để làm cho đống củi được vun lại ấy có thể bốc cháy. Cách thứ nhất, nhanh gọn và hiệu quả tức thời, là tưới chất đốt lên cái đống củi lớn ấy và châm lửa. Lửa từ chất đốt sẽ làm củi cháy bùng lên và tạo nên đống lửa lớn. 

Còn cách thứ hai, chậm hơn nhưng thận trọng hơn, đống lửa sẽ được khởi đầu từ từng tờ giấy mồi nhỏ, từng miếng củi mồi rất nhỏ. Mồi củi nhỏ cháy lan sang thanh củi lớn chầm chậm, chầm chậm nhưng sẽ đượm rất lâu, để rồi ta có thể tiếp tục đưa từng thanh củi lớn vào đống lửa kia nhằm nuôi dưỡng ngọn lửa.

Không có cách nào đúng, không có cách nào sai cả. Chỉ có cách nào hợp với hoàn cảnh nào mà thôi. Nếu chuẩn bị cho một đêm lửa trại tưng bừng, chúng ta có được dăm tiếng buổi chiều muộn, chúng ta có thể nhẩn nha với việc bắt đầu từ từng tờ giấy, từng mồi củi nhỏ mỏng manh và kiên nhẫn đợi bắt cháy vào những thanh củi lớn đúng giờ hội trại. 

Còn nếu chúng ta không có nhiều thời gian, mọi thứ quá cấp kỳ rồi, chúng ta có thể dùng chất đốt như xăng, dầu, cồn hay thậm chí dầu ăn để khởi đầu ngọn lửa. Hoàn cảnh và điều kiện quyết định cách chúng ta thắp lên đống lửa và cách nào đi nữa, những thanh củi lớn nhất, gồ ghề nhất cũng sẽ phải bắt cháy đúng lúc mà thôi.

Vậy thì ngọn lửa chống tham nhũng mới được thắp lên vừa rồi, và đang bắt đầu bùng cháy, đã được nhóm lên theo cách nào? Nó dường như là sự trung hòa giữa hai cách thắp lửa truyền thống kể trên, tức là vừa dùng cả những thanh củi nhỏ để dẫn mồi bắt lửa, vừa tiếp vào đống củi lớn chút nhiên liệu để ngọn lửa bùng lên đúng thời điểm của nó. Và thời điểm ấy được quyết định bởi điều gì? Nó được quyết định bằng sự trông đợi của lòng dân.

Trịnh Xuân Thanh cũng chỉ là cành củi vừa để dẫn lửa mà thôi. Trước cành củi ấy đã là những cành củi nhỏ mà điển hình là Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng. 

Chính vì thế, phát biểu trong kỳ họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng: "Kinh nghiệm đầu tiên là 6 tháng đầu năm nay tiếp bước đà của năm 2016 sau Đại hội". 

Và với phát biểu ấy của Tổng Bí thư, chúng ta có thể tin rằng tiếp theo bước đà kia, sẽ còn nhiều nữa những cành củi lớn bắt lửa trong lò, khi ngọn lửa đã bắt đầu cháy rất đượm.

Chúng ta đã nói về chống tham nhũng rất nhiều rồi, suốt cả hai thập niên vừa qua. Đã có những đại án được mở ra, nhưng ngọn lửa mới kịp đượm lên ấy đã không được nuôi dưỡng, duy trì kéo dài đủ để khiến sự nghiêm minh của pháp luật buộc những người cán bộ đi sau phải tự biết sửa mình. 

Bây giờ, khi lò lửa chống tham nhũng lại được khơi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhân dân rất muốn được chứng kiến nó sẽ được duy trì và nuôi dưỡng lâu dài để góp phần đưa đất nước đi trên con đường ngày một tiến bộ hơn. Muốn vậy, phải mạnh dạn hơn nữa, nhất là khi tiếp củi vào lò. Đừng vì vẩn vơ suy nghĩ thanh củi lớn còn chút giá trị nào khác nên chần chừ còn giữ lại. 

Đã là củi thì không thể làm gì khác ngoài công việc làm nguyên liệu nuôi dưỡng ngọn lửa. Mà khi đã dũng cảm thắp lên ngọn lửa rồi, nuôi dưỡng nó giữa màn đêm là điều quan trọng nhất, khó khăn nhất. Và hãy để ngọn lửa ấy hoàn thành nhiệm vụ của nó một cách rốt ráo, một cách thực sự, khi củi đã hết và trời cũng đã bình minh.

Hà Quang Minh
.
.
.