Nguyễn Quỳnh Trang: Tình văn chương dai dẳng
Với Quỳnh Trang, mọi thứ dường như không quá quan trọng, mọi tác động tâm lý không quá ảnh hưởng. Cô có một vỏ bọc bên ngoài đủ để thu mình, đủ để giấu đi ngọn lửa cháy ở bên trong mà không dễ ai nhận ra.
Nếu hỏi Quỳnh Trang tại sao cô lại chọn văn chương, tại sao cô lại làm văn, lại sáng tác thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết thì Trang sẽ chẳng biết bắt đầu từ đâu với cơn mê dằng dai này. Nó tự nhiên, nguyên thuỷ, và duy nhất ám ảnh, như thể việc suốt cả tuổi ấu thơ, cô vẫn giấu bố mẹ, giấu mình hằng đêm trùm chăn thật kín bật đèn pin để khát khao viết.
Tình yêu văn chương là một thứ tình đến với Quỳnh Trang thật sớm, mơ hồ và quyến rũ, đủ để dẫn dụ, đủ để dai dẳng, đủ để bùng nổ trong cô gái có vẻ ngoài mong manh, như không, mà rất đỗi bướng bỉnh gan lì này.
Nếu hỏi Trang vì sao cô viết văn, Trang sẽ lộn xộn, không đầu không cuối để nhớ, để có thể trả lời được. Tại sao, ta lại viết văn. Ờ nhỉ! Tại sao ta lại viết văn mà không phải là bất cứ điều gì khác? Tại sao lại vẫn yêu văn chương khi trong gia đình bố mẹ đều thuộc về các môn học tự nhiên, mẹ là kỹ sư hóa, bố là cử nhân kinh tế.
Với mong muốn con gái vào đời bằng cả hai chân xã hội - tự nhiên, bố mẹ rất buồn bực khi các thầy cô dạy toán-lý-hóa ở trường than phiền rằng con của họ học thiên lệch xã hội. Tình yêu văn chương không được khuyến khích, không được quan tâm, thậm chí, bị ngăn cản… vẫn có những kẽ hở luồn lách để ngọn lửa ấy vẫn đủ không khí để cháy, dòng suối ấy vẫn đủ khoảng không để chảy, âm thầm, mạnh mẽ trong cô gái bé nhỏ này, đủ để đeo đẳng cô trong một quá trình "lầm lạc" có ý thức, để cuối cùng tìm thấy và bùng nổ.
Những cú sốc trong đời sống riêng, bố mất đột ngột, gia đình khó khăn kinh tế… không cho Quỳnh Trang một cái quyền được lựa chọn theo đam mê của mình. Cô đi học sư phạm theo ý nguyện của mẹ và gia đình mà trong lòng vẫn chất chứa niềm khát khao được viết và tự do viết.
Ra trường, biết rõ nghề sư phạm không dành cho mình, Trang nghĩ "sống chỉ được một lần, tại sao không làm những gì mình thực sự thích?", vì thế, cô cất đi bằng cử nhân sư phạm, đêm học ôn lại văn - sử - địa, ngày đi làm thêm hết ở quán bar, cửa hàng quần áo thời trang rồi làm thủ quỹ cho một công ty máy tính.
Cuối cùng, sau những lỡ dở, Quỳnh Trang đã đến được với cái bến đỗ cuộc đời mình với văn chương. Cô vào học tại Khoa Văn (Đại học Tổng hợp) và bắt đầu sáng tác. Điều may mắn nhất với Trang là cô có những người thầy, những người bạn đã có mặt bên cô đúng lúc để giúp đỡ cô, định hướng cho cô những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác văn chương.
Trong tất cả các câu chuyện, Trang thường hay nhắc đến một người, một nhà văn lớp trước với một niềm trân trọng và biết ơn sâu sắc. Đó là nhà văn Phạm Ngọc Tiến, người đã nhận Trang là con nuôi và Trang vẫn gọi bố Tiến trong những giây phút quan trọng của cuộc đời mình.
Chính nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã chỉ cho Trang con đường văn chương mà cô sẽ tiếp tục đi, chỉ cho cô những khiếm khuyết, cũng như những thế mạnh mà không phải bất kỳ ai cũng tự biết được ở trong chính bản thân mình.
Chính bố Tiến đã khích lệ Quỳnh Trang thử sức mình ở một mức cao hơn là viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tay: 1981, xuất bản 2007, bố Tiến là người đọc đầu tiên trên bản thảo vừa viết xong, và Trang kể rằng, bố Tiến đã thức đến bốn giờ sáng để đọc hết, viết hẳn hai trang giấy A4 để nhận xét. Kỷ niệm ấy, Trang giữ mãi cho mình hôm nay.
Sau 1981, Quỳnh Trang ra tiếp cuốn tiểu thuyết thứ hai năm 2008: “Nhiều cách sống”, và năm 2009 này là tập truyện: “Cho một hành trình”. Sách của Trang bán chạy, tái bản nhiều lần, cho thấy cô là một cây bút có nội lực dồi dào và sự bứt phá mạnh mẽ. Hiện nay, Trang là phóng viên biên tập của Báo Thể thao & Văn hoá, và cô vẫn luôn coi văn chương mới là nghề nghiệp chính của mình.
Với Trang, số phận văn chương như một nỗi ám ảnh, luôn theo cô, tưởng có thể quay lưng thì càng bám riết. Viết văn là từ bao giờ trở thành một nhu cầu tự nhiên và nó không phụ cô.
Văn chương mang đến cho Trang một nghề để sống ổn định - nghề báo, cũng như không ít tiền bạc: Một truyện ngắn hay một tiểu thuyết được xuất bản cũng đã đủ cho cô trang trải cuộc sống trong một thời gian nhất định. Văn chương giúp Trang vượt qua nhiều khó khăn tưởng chừng không thể, là nơi ẩn náu trong lúc tâm hồn bấn loạn, cô đơn.
Và quan trọng nhất, văn chương đã mang đến cho cô một người cha - người thầy (nhà văn Phạm Ngọc Tiến), gặp được người mang đến cho cô hạnh phúc gia đình hiện tại, đó là chồng cô, dịch giả - nhà nghiên cứu văn học Cao Việt Dũng