Gỡ khó cho doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Thứ Sáu, 10/05/2024, 18:16

Chiều 10/5, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cùng đại diện các sở, ban ngành Hà Nội và 92 doanh nghiệp.

TP cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là lần đầu tiên lãnh đạo TP Hà Nội có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với các nhà đầu tư đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, không lâu sau khi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được chính thức chuyển giao quyền quản lý từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội vào tháng 11/2023.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, trong quá trình chuyển giao, TP luôn nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo mọi hoạt động của Khu Công nghệ cao không bị gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến bộ máy tổ chức, tư tưởng của đội ngũ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư đang hoạt động trong Khu.

ct.jpeg -0
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PN

”Chính quyền TP cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, sau khi điều chỉnh quy hoạch, diện tích toàn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là 1.586 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai với quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người.

Tính đến hết ngày 31/12/2023, diện tích đã giải phóng mặt bằng (GPMB) Khu Công nghệ cao Hoà Lạc là 1.425,14/1.586 ha (đạt 89,3%), trong đó: Huyện Quốc Oai 147 ha; huyện Thạch Thất 1.278,05 ha. Diện tích còn lại cần GPMB là 160,86 ha, trong đó huyện Quốc Oai 8,67 ha, huyện Thạch Thất 152,19 ha.

Trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện có khoảng 24.000 chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đang học tập và làm việc. Một số dự án hạ tầng xã hội (trường học, nhà hàng, cửa hàng tiện ích,...) đã đi vào hoạt động, một số dự án dịch vụ lưu trú và thương mại đang trong quá trình xây dựng. Ông Sơn cho biết, đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

Về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được một số trường đại học lớn (Trường Đại học FPT, Trường Đại học KH&CN Hà Nội, một hợp phần của Đại học Việt-Nhật, Trường Đại học Văn Lang). Hiện tại, đã có khoảng 10.000 nhân lực công nghệ cao đang làm việc trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có hơn 5.000 nhân lực công nghệ thông tin (chiếm khoảng 50%).

Phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông để thu hút được các nhà đầu tư

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, vẫn còn có một số hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa được hoàn thành tác động đến tình hình an ninh trật tự cũng như cảnh quan môi trường, Ban Quản lý chưa xác định và ban hành được mức thu tiền bồi thường GPMB tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để các nhà đầu tư nộp tiền, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất,…

UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng định hướng phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc 2030. Theo đó, đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác bồi thường GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hiện đại. Đến năm 2030 đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo hướng thông minh, hiện đại, góp phần xây dựng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là hạt nhân để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, đặc thù Khu Công nghê cao Hòa Lạc được giao nhiệm vụ quan trọng là phải trở thành trung tâm hạt nhân để hình thành ra những doanh nghiệp phát triển công nghiệp cốt lõi, trở thành tiềm lực phát triển kinh tế xã hội cho Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. 

ong-duy-thu-truong20240510170835.jpeg -0
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trí Nhân

“Thời gian qua, Bộ KH&CN đã liên tục cập nhật, sửa đổi quy định để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư vào khu công nghệ cao, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bộ cũng đã làm việc với nhiều bộ, ngành, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung phân cấp phân quyền tối đa cho các Ban quản lý khu công nghệ cao, để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh và khẳng định, Bộ cam kết tiếp tục đồng hành cùng Hà Nội nghiên cứu sửa đổi các quy định, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định luôn coi trọng vai trò của Khu Công nghệ cao Hòa lạc và định hướng để phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thành "cánh chim đầu đàn" phát triển khoa học công nghệ của Thủ đô và cả nước.

Bà Ngọc cho rằng, hiện nay sự cạnh tranh trong thu hút đầu dự án có hàm lượng công nghệ cao ngày càng quyết liệt, các nước đã có những bước đi mạnh mẽ. Do vậy vai trò của cơ chế chính sách phát triển các khu công nghệ cao đóng vai trò quan trọng. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ KH&ĐT xây dựng nghị định về quản lý, hỗ trợ đầu tư. Quỹ hỗ trợ đầu tư này ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp… Nhấn mạnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần phải tiếp tục xây dựng để có dư địa phát triển, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, cần quan tâm đến phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông để thu hút được các nhà đầu tư.

Chi Linh
.
.
.