Phòng, chống các vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sữa bột

Thứ Sáu, 10/05/2024, 17:39

Chiều 10/5, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường (Bộ Công an) tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột”.

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường chủ trì buổi tọa đàm.

Lo ngại ATTP trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột 

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCTP về môi trường, trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về ATTP đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi cơ chế quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm. Những cải cách trên là bước đột phá, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết giảm thời gian và chi phí, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tổ chức và cá nhân đã lợi dụng những đổi mới trong cơ chế quản lý Nhà nước về ATTP để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột -0
Trung tướng Trần Minh Lệ chủ trì buổi tọa đàm.

Đáng chú ý là những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột như: sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng y học. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất hàng giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, giả về chất lượng, công dụng, giá trị sử dụng của sản phẩm; hàng hoá không có các chỉ tiêu chất lượng hoặc định lượng chỉ đạt mức dưới 70% so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, hoặc công bố, ghi trên nhãn mác, bao bì hàng hóa...Những điều này đã gây thiệt hại cho quyền lợi của người tiêu dùng và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, trong khi mặt hàng sản phẩm sữa đối tượng sử dụng chủ yếu là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý nền.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột -0
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế phát biểu tại tọa đàm.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ PCTP và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, thời gian qua, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an đề xuất với Chính phủ, Ban chỉ đạo liên ngành ATTP Trung ương và kiến nghị với các bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP.

Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ sữa bột, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động đấu tranh, khám phá nhiều vụ việc vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cục đã trực tiếp khởi tố 3 vụ án “Sản xuất, kinh doanh hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Hải Dương, Hà Nội, thu giữ trên 60.000 sản phẩm các loại. Chỉ tính riêng từ tháng 1/2023 đến nay, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã chỉ đạo Công an các địa phương đấu tranh, khám phá và xử lý 86 vụ vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột, khởi tố 5 vụ với 11 bị can, xử lý hành chính 81 vụ, với 88 tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thực trạng tình hình trên cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột là hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm, bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh, bảo vệ người tiêu dùng

Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện Công an một số đơn vị, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa bột đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình, làm rõ những nguyên nhân. Đồng thời xác định các nội dung giải pháp để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ sữa bột.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột -0
Ông Thân Đức Công, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường phát biểu.

Trao đổi về phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động sản xuất kinh doanh sữa dạng bột trên môi trường không gian mạng và giải pháp phòng, chống đối với loại tội phạm này, Thượng tá Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng Phòng PCTP sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng phát triển, trở thành phương thức kinh doanh phổ biến đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá nhân.

Bên cạnh những mặt tích cực, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trong thương mại điện tử ngày càng gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi. Trong đó, tình hình kinh doanh hàng giả là sữa dạng bột trên môi trường mạng có nhiều diễn biến phức tạp. Hành vi sản xuất, kinh doanh sữa giả không chỉ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng tình hình ANTT.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như ý thức cảnh giác của người tiêu dùng, để phòng, chống và đấu tranh hiệu quả với tội phạm này trên không gian mạng, theo Thượng tá Phạm Công Hải, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn thương mại điện tử; nâng cao ý thức trách nhiệm về việc kiểm soát hàng hóa giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; phối hợp truy xuất hiệu quả các thông tin về người bán, giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Mặt khác, cần tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin nhanh chóng, hiệu quả giữa các bộ, ngành, các lực lượng chức năng trong quản lý Nhà nước về thương mại điện tử nói chung, sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa nói riêng cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột -0
Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam nêu kiến nghị tại tọa đàm.

Bà Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam chia sẻ: "Thời gian qua, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã tăng cường công tác tuyên truyền để giúp các doanh nghiệp hội viên tuân thủ đúng pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiệp hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền để các hội viên tuân thủ Luật cạnh tranh, không cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng xây dựng Quy tắc ứng xử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa, đồng thời yêu cầu các hội viên khi phát hiện sản phẩm sữa giả, không đảm bảo chất lượng trên thị trường cần thông báo ngay cho Văn phòng hiệp hội và các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp hội viên làm ăn chân chính, cũng như bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng".

Thay mặt hiệp hội, bà Ngọc nêu kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, công tác hậu kiểm, nhất là tập trung vào các sản phẩm bán trên các sàn điện tử; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm và sớm đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh tỉnh người tiêu dùng, cũng như răn đe đối với các đơn vị, đối tượng vi phạm.

Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm về an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột -0
Các đại biểu tại buổi tọa đàm.

Cũng tương tự như kiến nghị của Hiệp hội Sữa Việt Nam, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng Eurocharm tại Việt Nam đề xuất các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, chứ không chỉ quan tâm kiểm tra tiền kiểm qua hồ sơ đăng ký. “Tiền kiểm là vô nghĩa nếu không quan tâm vấn đề hậu kiểm”.

TS Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện kiểm nghiệm vệ sinh ATTP quốc gia cho biết, viện đang đề xuất với Bộ Y tế cho phép thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về ATTP đối với sức khỏe. Thời gian tới, viện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát PCTP về môi trường trong kiểm nghệm các sản phẩm thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa bột nói riêng…

Buổi tọa đàm đã nhận được 20 tham luận của các đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp. 

Tổng kết buổi tọa đàm, Trung tướng Trần Minh Lệ tin tưởng, với sự chung tay vào cuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị chức năng cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm nói chung, sữa bột nói riêng ngày càng lành mạnh, đảm bảo vệ sinh ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như an toàn sức khỏe cho người dân.

P. Tâm
.
.