Phòng, chống mang thai hộ vì mục đích thương mại

Thứ Sáu, 15/07/2022, 09:33

Vô sinh, hiếm muộn ngày càng nhiều, và vì để có mụn con, nhiều người đã có nhu cầu mang thai hộ. Pháp luật cấm mang thai hộ với mục đích thương mại, song gần đây nhiều đường dây tổ chức mang thai hộ, mua bán trứng, tinh trùng,… đã bị lực lượng Công an phát hiện, trong đó có sự tiếp tay, giúp sức của bác sĩ. Bộ Y tế có giải pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

Tìm kiếm mụn con, nhiều người tiếp tay cho tội phạm

Theo chia sẻ của người mẹ nhiều năm hiếm muộn, do bị suy thận, sau nhiều lần mang thai nhưng không thể giữ được thai, chị đã phải ra nước ngoài để tìm người mang thai hộ. Nhưng chị không phải là trường hợp duy nhất, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác, vì nhiều lý do không thể mang thai và đã phải tìm đến biện pháp mang thai hộ.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được pháp luật cho phép, song lợi dụng nhu cầu "khát" con của nhiều cặp vợ chồng, các đối tượng đã tổ chức tìm người đẻ thuê để kiếm tiền. Để giúp sức cho quá trình phạm tội này có cả bác sĩ. Điển hình là vụ bác sĩ sản khoa Nguyễn Danh Hòa.

Phòng, chống mang thai hộ vì mục đích thương mại -0
Các cặp vợ chồng khám vô sinh, hiếm muộn.

Từng cộng tác với nhiều bệnh viện tại Hà Nội, Hòa có quen biết với Phạm Ngọc Thảo (ở TP Hồ Chí Minh) vì Thảo từng sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Qua tham gia các hội nhóm, diễn đàn về hiếm muộn, Phạm Ngọc Thảo quen biết với Nguyễn Anh Thư (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Hai đối tượng đăng thông tin tìm người có nhu cầu thuê người mang thai hộ và người nhận mang thai hộ để làm trung gian môi giới kiếm lời. Sau đó, Thảo và Thư đã cùng hợp tác với Nguyễn Danh Hòa để hình thành nên đường dây mang thai hộ.

Hòa là người trực tiếp thủ thuật hỗ trợ sinh sản. Đối với những người không đủ điều kiện để tạo phôi thai, nhóm đối tượng trực tiếp hỗ trợ làm giả giấy tờ để hợp pháp hóa, đưa vào bệnh viện tạo phôi, sau đó đưa phôi đến phòng khám không phép của bác sĩ Hòa đặt vào người mang thai hộ. Đường dây mang thai hộ này đã bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội triệt phá, 3 đối tượng trên đều bị khởi tố, bắt giam.

Trước đó, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) kiểm tra nhà trọ tại số 38 phố Yên Lãng, phát hiện trong phòng trọ có nhiều phụ nữ không đăng ký tạm trú nên đã yêu cầu về trụ sở để làm việc. Cơ quan Công an xác định Trần Thị Huyền (SN 1982, trú tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, Yên Bái) đã thực hiện hành vi tổ chức mang thai hộ ở Bắc Kạn và Hải Phòng.

Mở rộng điều tra, Huyền khai ngoài 2 vụ môi giới "đẻ thuê" trên, người này đã thực hiện thành công 4 vụ khác. Theo lời khai của Huyền, mỗi phi vụ sẽ giao dịch khoảng 400 triệu đồng đối với thai đơn. Trong đó, người nhận mang thai hộ được hưởng 200 triệu đồng đến 230 triệu đồng, tiền Huyền sử dụng để chăm sóc trong quá trình thai sản và Huyền được hưởng lợi khoảng 50 triệu đồng.

Trong mỗi vụ mang thai hộ, để hợp thức hóa tên tuổi và làm giấy chứng sinh cho cháu bé đúng với tên tuổi của bố mẹ, các đối tượng đã sử dụng chiêu "tráo người". Hồ sơ của các mẹ bầu sẽ là tên và thông tin của người cần mang thai hộ, tuy nhiên, khi đi khám và làm thủ tục để sinh sản thì sẽ tráo người thay thế. Qua các vụ việc trên đặt ra vấn đề quản lý hồ sơ của thai phụ, quản lý trứng/tinh trùng/phôi tại các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều sơ hở.

Phòng, chống phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), thời gian qua, tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng diễn biến phức tạp. Truyền thông liên tục đăng các bài phản ánh về các đường dây đẻ thuê (mang thai hộ vì mục đích thương mại), mua bán tinh trùng/trứng/phôi đang bị các cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo pháp luật.

Ngày 13/7, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng và Y tế các Bộ, Ngành về việc tăng cường phòng, chống vi phạm pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp chống nhầm lẫn hoặc tráo đổi, mua bán tinh trùng/noãn/phôi bằng cách rà soát, hoàn thiện quy trình chống nhầm lẫn tinh trùng/noãn/phôi và phổ biến đến tất cả nhân viên; Quy trình lấy mẫu tinh dịch nên có nội dung về việc kiểm soát để bảo đảm mẫu tinh dịch được lấy đúng người và lấy tại bệnh viện, đề phòng tráo mẫu tinh dịch mang từ ngoài vào.

Theo Bộ Y tế, việc nhận diện người bệnh và giao tiếp không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi do sử dụng giấy tờ giả. Nên lưu trữ mẫu tinh dịch và mẫu máu để đối chiếu sau này. Quy trình vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện phải thường xuyên kiểm tra để phòng tránh việc tráo đổi. Trong quy trình nhận/chuyển phôi, bình trữ phôi và hồ sơ kèm theo cần được bàn giao giữa 2 bệnh viện và có thông tin phản hồi để đảm bảo phôi được chuyển đến đúng đơn vị nhận phôi, phòng tránh việc tráo hồ sơ hoặc phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê.

Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, hiện cả nước có 45 cơ sở hỗ trợ sinh sản trong và ngoài công lập, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật này. Việc chỉ định mang thai hộ cần được xét duyệt cẩn thận và được lãnh đạo bệnh viện ký chỉ định. Để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, ngoài Giấy xác nhận của UBND xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là rất chặt chẽ và chỉ cho phép người có họ trong vòng 3 đời và cùng hàng mang thai hộ cho nhau. Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý.

Quy định là vậy, song việc kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm nhân viên tuân thủ các quy định chống nhầm lẫn, tráo đổi tinh trùng/noãn/phôi phải được kiểm tra thường xuyên thì mới mang lại hiệu quả. Thêm vào đó, các cơ sở y tế cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm khi để xảy ra nhầm lẫn, tráo đổi, hoặc tham gia hoặc tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê.

Trần Hằng
.
.
.