Y tế Công an Nhân dân:

Triển khai nhiều kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thứ Sáu, 01/12/2017, 16:03
Đây là thông tin được Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy –Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) cho biết tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế CAND 2017 tổ chức tại ba đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh vào ngày 1-12.


Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy cũng cho biết, hệ thống y tế CAND không ngừng nâng cao năng lực khám, chữa bệnh (KCB) để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và CBCS Công an. Hầu hết các cơ sở y tế CAND đã nâng cao chất lượng KCB, để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh bằng việc cải tiến quy trình KCB, giảm thủ tục và thời gian chờ đợi cho người bệnh.

Những dấu ấn của y tế CAND trong năm 2017 cũng được Đại tá Phạm Tự Do –Phó Cục trưởng Cục Y tế -nhìn nhận: Các BV đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ngang tầm các BV cùng hạng trên địa bàn TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Trung tướng Phạm Quang Cử phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đó là BV 19-8 với kỹ thuật nút mạch gan trong trường hợp chấn thương gan do TNGT và kỹ thuật mổ tim hở; BV 30-4 thành công với việc phẫu thuật nội soi cắt tử cung bán phần, cắt tử cung hoàn toàn, nội soi siêu âm đường tiêu hóa trên kết hợp chọc hút tế bào, siêu âm nội soi dạ dày, thực quản, nội soi siêu âm trực tràng… BV Y học cổ truyền cũng có nhiều kỹ thuật cận lâm sàng mới, cả những xét nghiệm rất chuyên sâu.

Không chỉ BV tuyến trên, các đơn vị y tế địa phương cũng mạnh dạn áp dụng nhiều kỹ thuật mới. Chỉ 6 tháng đầu năm 2017, Cục Y tế đã phê duyệt 1.023  danh mục kỹ thuật trong KCB tại Bệnh xá Công an tỉnh Sơn La, tỉnh Cao Bằng; thẩm định, gửi Bộ Y tế phê duyệt hơn 2.000 danh mục kỹ thuật tại BV Công an tỉnh Nghệ An, Bệnh xá Công an tỉnh Quảng Trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Y tế cơ quan Bộ Công an. Ngoài ra, Sở Y tế các tỉnh, thành phố phê duyệt hơn 6.780 danh mục kỹ thuật thực hiện tại các bệnh xá Công an tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Đăk Nông, Quảng Trị…

Những yếu tố đã thu hút người đến KCB tại các cơ sở y tế. Vì thế, đã có hơn 1,2 triệu lượt người được KCB trong năm 2017 và công suất sử dụng giường bệnh đạt 119,9%, ngày điều trị trung bình là 11,1 (giảm 1,1 ngày). Không chỉ thế, y tế CAND còn đảm bảo công tác y tế phục vụ các sự kiện lớn của đất nước, như phục vụ lực lượng tham gia và các đại biểu tham dự APEC 2017, Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam  – Camphuchia vv… 

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy 

Các thầy thuốc trong CAND còn tích cực tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện trong các hoạt động Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ và triển khai chương trình “Giọt máu nghĩa tình vì đồng đội thân yêu” vv… để có máu phục vụ điều trị, cấp cứu. Bên cạnh đó, Cục Y tế, BV 198, 199, còn tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân ở nhiều địa phương.

Năm 2017, y tế CAND tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa với nhiều hình thức phong phú: liên doanh liên kết đặt máy móc, trang thiết bị phục vụ KCB; mời chuyên gia y tế, thầy thuốc giỏi đến KCB tại đơn vị; liên doanh, liên kết với các cá nhân, tập thể sản xuất thuốc điều trị vv... 

Điển hình là BV 19-8 tiếp tục duy trì đơn vị thận nhân tạo, hệ thống chụp cắt lớp vi tính, máy khảo sát vữa sơ động mạch ngoại biên không xâm lấn, máy nội soi dạ dày đường mũi, máy điều trị ung thư bằng sóng Viba. BV 30-4 tiếp tục hợp đồng dịch vụ khai thác thiết bị y tế như MRI, CT-scan, máy siêu âm định lượng xơ hóa Fibro Scan vv… Đơn vị mắt kỹ thuật cao điều trị hiệu quả các bệnh lý về mắt và tật khúc xạ và Trung tâm xã hội hóa Việt Xuân của BV Y học cổ truyền cũng tiếp tục hoạt động tốt vv…

Trong công tác y tế dự phòng, y tế CAND đã luôn chủ động trước các dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm mới nổi như Ebola, Zika, cúm A/H7N9…Các BV đều sẵn sàng thuốc men, cơ sở vật chất, vật tư, hóa chất, đảm bảo đủ nhân lực để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trước mỗi dịch bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo.

Ghép thận ở BV 198 

Một số vấn đề cần phải khắc phục đã được các BV đưa ra: Việc cấp thẻ BHYT cho CBCS đầu năm 2017 còn chậm, khiến cho CBCS đi KCB hoặc chuyển tuyến không được giải quyết kịp thời, khó khăn trong thanh toán viện phí; chưa có văn bản hướng dẫn thống nhất về thanh toán viện phí cho CBCS có thẻ và chưa có thẻ BHYT. 

Nhiều đơn vị vẫn chưa có mạng nội bộ, chưa triển khai ứng dụng CNTT đã là rào cản cho công tác tham gia KCB, thanh toán BHYT. Một số đơn vị mặc dù CBCS có thẻ BHYT rồi vẫn cấp giấy giới thiệu; cùng đơn vị nhưng có lớp có thẻ BHYT, có lớp chưa có; một số sinh viên sắp ra trường mà chưa có thẻ BHYT.

Đại tá Phạm Tự Do lưu ý: Năng lực KCB của y tế cơ sở và một số BV còn hạn chế. Công tác KCB chưa đáp ứng nhu cầu của CBCS. Y tế một số nơi còn chưa thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong KCB cần phải quan tâm nhiều hơn.

Kết luận hội nghị, Trung tướng Phạm Quang Cử - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục IV ghi nhận: Năm nay có nhiều dịch bệnh, thiên tai nhưng y tế CAND đã xử lý tốt, không để xảy ra dịch bệnh trong CAND. Một số đơn vị làm tốt công tác chỉ đạo tuyến như BV 198, BV 198, BV 30-4, BV Y học cổ truyền. Y tế CAND đang tập trung nâng cấp y tế cơ sở với việc đào tạo nhân lực, nâng cao cơ sở vật chất, để đủ tiêu chuẩn KCB vv…

Trung tướng Phạm Quang Cử cũng chỉ đạo các đơn vị cần làm tốt công tác KCB trong CAND; triển khai thực hiện BHYT trong CAND, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Các đơn vị cũng cần chuẩn bị để tự chủ một phần kinh phí hoạt động thời gian tới.



Thanh Hằng
.
.
.