Những biểu hiện của trầm cảm sau sinh

Thứ Ba, 27/06/2017, 18:45
Những biểu hiện dễ nhận biết của bệnh trầm cảm sau sinh: Suy nhược cơ thể, lo lắng, căng thẳng, hoảng hốt, ám ảnh vv…Nhiều bà mẹ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, hoặc cảm thấy bị chồng, gia đình bỏ rơi mà không có căn cứ. Họ có thể ngồi lì và nghĩ rằng mọi thứ với họ rất tồi tệ vv…



* Những biểu hiện của trầm cảm sau sinh

Một nữ đồng nghiệp của PGS.TS. Phạm Bá Nha- Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ với ông rằng, sau khi sinh, mỗi lần cho con bú là một lần chị thấy sợ hãi tận cùng đến mức “nếu cứ cho con bú, em sẽ chết mất”. Chị sợ hãi đến mức chị phải nuôi “bộ” cả 2 đứa con.

Nữ phóng viên một tờ báo cũng kể cho tôi nghe sau khi sinh, chị không thể chịu nổi khi nghe tiếng khóc của trẻ khiến cho mỗi khi con khóc, chị thường cấu bé cho …hả giận, hoặc lấy gối úp lên mặt để cho con không khóc được nữa. 

Một nữ đồng nghiệp ở một Đài Truyền hình cũng kể, sau khi sinh con, chị luôn rơi vào trạng thái căng thẳng. Chồng đi công tác xa, dù được bố mẹ đẻ chăm sóc chu đáo, chị vẫn luôn cảm thấy bị bỏ rơi, tủi thân và khóc lóc, thậm chí, nhiều lần, chị ôm con bỏ đi, may nhờ có mẹ đẻ khuyên can, giữ lại.

“Đó là những biểu hiện của trầm cảm sau sinh và ở mỗi người, biểu hiện khác nhau với mức độ khác nhau: sợ tiếng con khóc, không muốn trông con, sợ cho con bú, khóc vì không biết cách chăm con... Người bị nhẹ thì ủ rũ, không muốn tiếp xúc, bỏ ăn uống. Bị nặng thì có thể nhảy lầu tự tử, sát hại chính con đẻ của mình. Trường hợp người phụ nữ sợ cho con bú, nếu gia đình cứ ép phải cho con bú hoặc chị tự thúc ép bản thân thì sẽ sớm xảy ra tiêu cực....”- PGS.TS. Phạm Bá Nha cho biết.

Nhiều phụ nữ sau sinh bị trầm cảm (ảnh minh họa, internet)

* Nguyên nhân và hậu quả của trầm cảm sau sinh

Trong cuộc đời làm nghề, PGS.TS. Phạm Bá Nha đã gặp không ít trường hợp bị trầm cảm sau sinh đến xin tư vấn. Tuy nhiên, cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức về vấn đề này, dù hậu quả của nó không hề nhỏ.

Nhiều bà mẹ trẻ sau sinh có sự biến đổi tâm lý rất phức tạp. Họ vừa trải qua cuộc chuyển dạ là biến động lớn của cuộc sống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của họ. Ngoài biến đổi về sức khỏe, nội tiết cũng biến đổi trầm trọng, dẫn tới biến đổi về tâm lý, sinh lý. Có đến 85% phụ nữ sau sinh bị rối loạn khí sắc. Với hầu hết phụ nữ, những triệu chứng này thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên có một số người bị rối loạn khí sắc dai dẳng. 

Trong khi đó, nhiều người sau khi sinh, gia đình chỉ có một mẹ, một con, không được quan tâm, hỏi han, để ý tới trạng thái cảm xúc... nên càng có nguy cơ trầm cảm. Nhiều trường hợp thương tâm xuất phát từ trầm cảm sau sinh mà không được tư vấn, can thiệp kịp thời, dẫn tới rối loạn tâm thần, có hành vi nguy hiểm. Nhiều phụ nữ vì mâu thuẫn với chồng về kinh tế, hoặc chồng có người thứ ba; bất mãn với gia đình, với cuộc sống kinh tế, bệnh tật... bị stress đến mức chọn cách tự sát cùng các con.

Câu chuyện mới nhất là ngày 12-6, người mẹ trẻ của bé Vũ Việt Anh (Hà Nội) đã tước đoạt cuộc sống của cháu khi mới 33 ngày tuổi. Đầu năm 2017, cũng do trầm cảm sau sinh, mất ngủ, mà chị Hoài (ở Bình Thuận), đã treo cổ tự tử trong nhà cùng đứa con mới 7 tháng tuổi khi người thân về quê ăn tết. 

Cùng thời điểm này, một người mẹ trẻ ở huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng sát hại đứa con trai mới 5 tháng tuổi bởi trầm cảm sau sinh. 2 năm trước, cũng tại Hà Nội, một gia đình đã sớm phát hiện người mẹ trầm cảm nặng, nên đã đưa chị đi điều trị. Nhưng khi thấy người mẹ tạm ổn định, gia đình đã chủ quan để hai mẹ con ngủ cùng với nhau. Để rồi, sự việc đau lòng xảy ra vào đúng đêm đó, người mẹ đã dùng dao chém liên tiếp vào cậu con trai mới 4 tháng tuổi.

Năm 2012 một người mẹ trẻ ở Ba Vì, Hà Nội cũng vì mắc trầm cảm sau sinh mà rối loạn tâm thần. Khi phát hiện, chị lại không được điều trị dứt điểm nên vào một đêm tối, chị đã lấy đi mạng sống đứa con đầu lòng hiếm muộn mà rất khó khăn vợ chồng chị mới có được. Trước đó, người mẹ này từng hai lần thắt cổ con trai bằng dây điện nhưng được phát hiện nên cháu được cứu sống.

Đáng buồn khi những câu chuyện trên chỉ là ví dụ trong vô vàn hậu quả của những vụ trầm cảm sau sinh đã xảy ra. Và đáng lo khi chưa nhiều gia đình quan tâm đến căn bệnh này để điều trị kịp thời, mà hầu hết còn coi nhẹ.

Theo các chuyên gia tâm thần học, sau sinh có tới 30-85% phụ nữ rơi vào trạng thái buồn với triệu chứng cảm xúc dễ dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu. Trầm cảm sau sinh chiếm 10-15% với biểu hiện khí sắc trầm buồn, lo âu quá mức, mất ngủ. Nặng hơn, phụ nữ rơi vào trạng thái loạn thần sau sinh với triệu chứng kích động, gây hấn, khí sắc trầm hay hưng phấn, hoang tưởng và có hành vi vô tổ chức.

PGS.TS. Phạm Bá Nh cũng cho hay, những rối loạn trầm cảm sau sinh diễn biến khác nhau ở từng người. Người thần kinh vững vàng thì ít bị tác động nhưng người thần kinh dễ bị kích động và hay ức chế bị tác động nhiều hơn. Trầm cảm sau sinh không được can thiệp, tư vấn, thì càng để lâu càng tích tụ dẫn tới rối loạn tâm thần.

Bác sĩ Nguyễn Nguyên Thục Minh (Bệnh viện Tâm thần TP Hồ Chí Minh) cho biết, khi người mẹ loạn thần sẽ hoang tưởng, không có khả năng chăm sóc con và nguy cơ sát hại con chiếm 1-3 trường hợp/50.000 lần sinh. Trong số những bà mẹ thực hiện giết con có 62% tự tử (Gibson 1982). Loạn thần sau sinh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới bà mẹ mà còn liên quan đến con và cả gia đình.

Những biểu hiện dễ nhận biết của bệnh trầm cảm sau sinh

BS. Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ) cho biết những biểu hiện dễ nhận biết của bệnh trầm cảm sau sinh: Suy nhược cơ thể, lo lắng, căng thẳng, hoảng hốt, ám ảnh vv…Nhiều bà mẹ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, hoặc cảm thấy bị chồng, gia đình bỏ rơi mà không có căn cứ. Họ có thể ngồi lì và nghĩ rằng mọi thứ với họ rất tồi tệ vv…


Phòng ngừa thế nào?
PGS.TS. Phạm Bá Nha nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của người thân với người bị trầm cảm để theo dõi, phát hiện sự thay đổi tâm, sinh lý bất thường để xử lý kịp thời. Bởi bệnh này tư vấn tâm lý là chính, nếu nặng mới dùng thuốc. Nhưng dùng thuốc hay không thì người thân vẫn phải giúp đỡ, chăm sóc đưa họ về cuộc sống bình thường. Nếu bỏ rơi, để mặc thì nhiều vấn đề sẽ xảy ra, dẫn tới những rối loạn tâm thần phải điều trị lâu dài về để lại nhiều hậu quả khó lường.


Thanh Hằng
.
.
.