Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu

Thứ Sáu, 19/07/2019, 08:16
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế tổ chức ngày 18-7. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.


Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng cao

Theo ông Lê Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, giá trị và tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước của tỉnh Quảng Bình những năm qua đã đạt tỷ lệ cao.

Trong năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại cơ sở y tế tuyến huyện đạt 77,8%, tại cơ sở y tế tuyến tỉnh đạt 76% và trên toàn tỉnh là 76,9%. Doanh nghiệp cung ứng thuốc phòng chữa bệnh đã chiếm thị phần 80% thị trường vùng sâu, vùng xa, phục vụ người dân 159 xã, phường trong tỉnh.

Người dân ngày càng tin tưởng và sử dụng thuốc nội ngày càng nhiều hơn.

Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển để nhận chuyển giao quy trình sản xuất các mặt hàng mới. Đồng thời liên doanh liên kết với các viện, trường đại học nghiên cứu chuyển giao các sản phẩm mới, các dạng bào chế mới, quy trình sản xuất tiên tiến.

Đến nay, các doanh nghiệp có 140 sản phẩm được cấp phép lưu hành trên toàn quốc, 140 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, 113 sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Doanh thu thuốc sản xuất của doanh nghiệp tăng dần qua các năm, cụ thể năm 2016 là 147,2 tỷ đồng, năm 2017 là 179 tỷ đồng và năm 2018 là 190 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Tuân đánh giá, việc triển khai và thực hiện đề án đã thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, chống lại sự xâm lấn của hàng nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.

Công ty Traphaco là một trong những doanh nghiệp lựa chọn con đường phát triển thuốc từ dược liệu. Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Traphaco cho biết, bám sát với nội dung đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, với những nỗ lực của mình, 5 sản phẩm của Traphaco đã được Bộ Y tế trao tặng danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” gồm Hoạt huyết dưỡng não, Boganic, Ampelop và Dưỡng cốt hoàn, trong đó sản phẩm Boganic sử dụng 100% dược liệu Việt Nam. Đây cũng là những sản phẩm đã được sử dụng tại nhiều cơ sở điều trị trên toàn quốc.

Tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đạt 76,62%

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, qua việc triển khai thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế, tạo nên diện mạo mới của ngành dược Việt Nam, trong đó thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án của Bộ Y tế cho thấy, năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%.

Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước. Ví dụ, giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên trong hệ thống khám chữa bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018).

Theo báo cáo của các Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra, như Bệnh viện TW 71 Thanh Hóa, Bệnh viện tâm thần TW 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội tiết TW, Bệnh viện Phong da liễu TW Quy Hòa,… đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng trong năm 2018.

Các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước đã không ngừng nỗ lực áp dụng kỹ thuật - công nghệ cao sản xuất dược phẩm, đưa ra thị trường các sản phẩm thuốc có hiệu quả điều trị cao, được chứng minh tương đương sinh học với các biệt dược gốc, sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng liên tục cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm thuốc, bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ đáp ứng yêu cầu cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.

Số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S.

Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Từ năm 2014, Bộ Y tế phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, đã lựa chọn 30 doanh nghiệp, 62 sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam đạt giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” lần 1 để vinh danh, giới thiệu trên các kênh truyền thông chính.

Đồng thời, để tiếp nối thành công và tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” trong thời gian tới, Bộ Y tế đã phát động chương trình “Ngôi sao thuốc Việt” lần 2.


Nguyễn Hương
.
.
.