Thu tiền của sinh viên thực hành tại bệnh viện, nên hay không?

Thứ Ba, 04/12/2018, 14:25
Có hiệu lực từ tháng 11-2017, Nghị định 111/2017/NĐ-CP “Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe” đã tạo ra một cơn “khủng hoảng” giữa các Trường Đại học y (ĐHY) với các bệnh viện (BV) là cơ sở thực hành, khi cho phép các BV thu tiền thực hành của sinh viên, học viên. Điều này không chỉ khiến sinh viên nơm nớp lo bị tăng học phí, tác động đến hoạt động đào tạo của trường ĐHY, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân. 


Vì thế, tại hội nghị “Đổi mới giáo dục y khoa toàn quốc” diễn ra 2 ngày cuối tuần vừa qua, đây là nội dung “nóng” nhất với những ý kiến khá gay gắt của lãnh đạo nhiều trường ĐHY.

Từ nhiều thập kỷ qua, việc hợp tác giữa Trường ĐHY Hà Nội với các BV lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Xanh Pôn, Nhi Trung ương, BV K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn tồn tại “tự nhiên như hơi thở, như trong một nhà” như lời của GS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức. Bởi 2 bên đều có lợi khi trường y có nơi thực hành cho sinh viên, học viên, còn các BV có một lực lượng lao động rất lớn mà không phải trả tiền.

GS. Tạ Thành Văn –Hiệu trưởng Trường ĐHY Hà Nội 

Nhưng Điều 12 của Nghị định 111 lại là cơ sở pháp lý để một số BV “đòi tiền” Trường ĐHY với lý do: Mỗi ngày có hàng trăm sinh viên, học viên đến BV thực hành, sẽ tiêu hao điện, nước, xà phòng, bông băng, cồn gạc vv… trong khi BV phải tự chủ về kinh phí. Rồi giảng viên của Trường ĐHY đến BV làm việc thì “khó quản”, vì không phải người của BV; BV mất công đào tạo cán bộ thành nghề thì Trường lại chuyển đi BV khác; có giảng viên của Trường làm lãnh đạo Khoa ở BV, nhưng khi nghỉ hưu ở Trường, BV vẫn không biết…

Tuy nhiên, có một thực tế là Nghị định 111 mới chỉ nhìn thấy cái “thiệt” của các BV, mà không thấy cái lợi lớn hơn nhiều các BV được hưởng. Đó là hàng ngàn sinh viên, học viên Trường ĐHY, như ĐHY Hà Nội– nơi luôn tuyển sinh với điểm đỗ đại học cao ngất ngưởng – chính là nguồn nhân lực chất lượng cao mà các BV được sử dụng “không công”. 

GS. Trần Bình Giang – Giám đốc BV Việt Đức

Mỗi ngày, hàng ngàn bác sĩ nội trú, chuyên khoa vừa học, vừa phục vụ bệnh nhân tại các BV, hỗ trợ rất hiệu quả cho các BV khám, chữa bệnh, đặc biệt là trong cấp cứu. Ở các BV tuyến cuối luôn quá tải thì đây chính là lực lượng quý giá giúp cho chủ trương giảm tải của Bộ Y tế trở thành hiện thực, vì các BV không thể đủ nhân lực. Trong các “tua” trực, 100% sinh viên và bác sĩ nội trú, chuyên khoa làm thâu đêm. Ở BV ngoại khoa hàng đầu như Việt Đức, với hàng trăm ca phẫu thuật mỗi ngày, thì việc có các sinh viên phụ mổ là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các giáo viên của các Trường ĐHY Hà Nội là những chuyên gia hàng đầu, ăn lương của Trường nhưng đến BV làm việc “không công”, hoặc được BV trả công “bèo bọt” so với mức lương vài trăm triệu mà các BV tư sẵn sàng trả cho họ. Hiện nay, BV Bạch Mai đang có tới 168 cán bộ của Trường ĐHY Hà Nội, BV Việt Đức có 69 người, đều là các chuyên gia giỏi. Họ vừa giảng dạy sinh viên, vừa trực tiếp khám, chữa bệnh như bác sĩ của BV, nhiều người còn làm quản lý: lãnh đạo BV, khoa, Trung tâm vv…. Theo GS. Trần Bình Giang “nếu không có những chuyên gia giỏi của Trường ĐHY Hà Nội, thì nhiều bệnh nhân ở BV Việt Đức đã không có cơ hội sống”.

Điều 12 trong Nghị định 111 ra đời dường như đã “thương mại hóa” vấn đề vô cùng nhạy cảm là giáo dục ở ngành y tế. Bất hợp lý nhất chính là Nghị định không nhìn thấy giá trị về tri thức của đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, sinh viên ở ngôi trường nổi tiếng này lớn gấp nhiều lần giá trị vật chất mà một số BV đang đòi. Vì vậy đã làm “xáo trộn” một truyền thống vốn tốt đẹp giữa các BV lớn với Trường ĐHY –nơi đào tạo hầu hết các cán bộ lãnh đạo, bác sĩ của các BV.

Thăm quan cơ sở vật chất của BV Việt Đức

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc từ Nghị định 111 đưa lại, trong ngày 3 và 4-12, Hiệu trưởng Trường ĐHY Hà Nội đã có hàng loạt buổi làm với 10 BV là cơ sở đào tạo của Trường. May mắn, hầu hết các BV đều nhìn rõ điều mà Nghị định 111 “không thấy” là quyền lợi các BV được hưởng.

Vì thế, hầu hết các BV đều nhất trí duy trì mối quan hệ truyền thống để tiếp tục hợp tác. Giám đốc BV Phụ Sản Trung ương, Giám đốc BV K cho biết sẵn sàng hỗ trợ thêm thầy và trò trường ĐHY đến BV thực hành. BV K và BV Đống Đa còn đề nghị Trường ĐHY Hà Nội cử thêm cán bộ và sinh viên đến để “đỡ” cho BV. Các BV Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn, Đống Đa vv… đều nhất trí không thu phí các sinh viên, học viên đến thực hành. GS. Trần Bình Giang cho hay “chút tiền còm ấy đáng gì với hoạt động của một BV đầu ngành như Việt Đức mà thu”.

Để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc mà các BV đưa ra, GS. Tạ Thành Văn –Hiệu trưởng Trường ĐHY Hà Nội cho biết, tới đây Trường sẽ rà roát lại toàn bộ các lĩnh vực hợp tác để có qui chế phối hợp. Cán bộ được cử đến các BV phải có sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường và BV, thay cho trước đây chỉ do trưởng Bộ môn của Trường quyết định. Tăng cường thông tin 2 chiều giữa BV và nhà trường để quản lý cán bộ và sinh viên tốt hơn.

Việc Trường ĐHY Hà Nội và các BV bắt tay nhau giải quyết “cuộc khủng hoảng” từ Nghị định 111, sẽ tạo tiền lệ để các Trường ĐHY và các BV trên cả nước thoát ra khỏi vướng mắc do mối quan hệ hợp tác trong đào tạo -thực hành bị “thương mại hóa” kể từ cuối năm 2017.

Thanh Hằng
.
.
.