Nhức nhối nạn sản xuất và kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng giả

Chủ Nhật, 03/09/2017, 08:04
Với mặt hàng TPCN, sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng chữa bệnh, hay mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng... Kết quả giám định cho thấy nhiều mặt hàng có chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép vv...


Chỉ một tuần cuối tháng 8-2017, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm 5 cơ sở vi phạm trong sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng (TPCN) giả, kém chất lượng. Trong đó, Công ty Cổ phần Dược phẩm quốc tế USA đã sản xuất 2 lô hàng ARGININ B.COMPLEX EXTRA giả; Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Pháp Âu cũng buôn bán lô sản phẩm TPCN Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu giả. Đầu tháng 8-2017, cũng có 5 đơn vị bị xử phạt liên quan đến hàng giả. 100% mẫu TPCN của Công ty TNHH Thương mại Slim HMN Việt Nam (Thanh Trì, Hà Nội) được phát hiện không đạt chất lượng. 

Cuối 2016, Công an TP Hà Nội và Đội QLTT số 14 phối hợp với Phòng PC49 đã tạm giữ và tiêu hủy 774 sản phẩm TPCN, thiết bị y tế, thuốc, mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, trong đó có sản phẩm đã hết hạn sử dụng tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp ở 87C Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây là vụ việc hàng hóa là thuốc và mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ và hết hạn sử dụng có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hay vụ bắt giữ lô hàng trị giá 4,491 tỷ đồng ở ga Giáp Bát, Hà Nội gồm rất nhiều tân dược không có nguồn gốc.

Đó chỉ là một phần nhỏ của “tảng băng chìm” về tình trạng buôn bán hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN. Đặc biệt, theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, gần đây, đã xuất hiện nhiều thủ đoạn mới trong sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN giả.

Đó là các công ty sản xuất hàng giả thông qua nhập khẩu các sản phẩm của mình đã được công bố, rồi thành lập nhiều công ty vệ tinh để sản xuất hàng giả đưa ra thị trường. Thủ đoạn của các đối tượng là bán sản phẩm giả lẫn vào các sản phẩm nhập khẩu để đối phó với cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các đối tượng còn không bày bán công khai hàng hóa, mà chỉ bán khi khách có nhu cầu. Một số đối tượng thương nhân người nước ngoài đưa hàng hóa nhập lậu, hàng giả vào Việt Nam tiêu thụ nhưng do người Việt Nam đứng tên pháp lý kinh doanh. Thành lập công ty, đăng ký kinh doanh có tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để đánh lừa người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng tiêu hủy dược phẩm, thực phẩm chức năng giả. Ảnh: Tuấn Hương

Với mặt hàng TPCN, sai phạm chủ yếu là quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng chữa bệnh, hay mua các sản phẩm rời mang về Việt Nam để đóng hộp, đóng lọ không qua kiểm tra chất lượng, kinh doanh hàng tẩy xoá hạn sử dụng... Kết quả giám định cho thấy nhiều mặt hàng có chỉ tiêu chất lượng thấp hơn so với công bố, sản phẩm không có chất chính, sử dụng hoạt chất không được phép vv...

Riêng mặt hàng dược phẩm, các đợt kiểm tra cho thấy vi phạm chủ yếu vẫn là giá cả và vi phạm quy định hoạt động kinh doanh dược phẩm. Tình trạng các loại thuốc quý hiếm, mua bán tân dược xách tay, không có hoá đơn tại các chợ trung tâm và ngay trong các quầy thuốc bệnh viện vẫn còn tồn tại.

Chỉ trong 2 năm qua, đã có tới 12.665 vụ việc vi phạm liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm 99,233 tỷ đồng; nộp ngân sách 75,530 tỷ đồng; khởi tố 17 vụ án hình sự với 29 đối tượng.

Tuy nhiên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, còn rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh ở lĩnh vực này. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về quản lý, kinh doanh, quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm, TPCN trên mạng xã hội nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh online rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế chưa công khai danh mục và đơn vị được cấp số lưu hành cho các loại mỹ phẩm; không có quy định phải ghi số đăng ký lên sản phẩm nên khó phát hiện được hàng có phép và không được phép lưu hành trên thị trường. Vì vậy công tác kiểm tra gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mỹ phẩm nhiều loại, không cùng lô,...

Công tác giám định chất lượng hàng hóa của các cơ quan chuyên môn còn mất nhiều thời gian, có khi mỗi đơn vị giám định lại cho kết quả khác nhau, đã cản trở quá trình xử lý vi phạm. Các đối tượng sản xuất hàng giả tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phần lớn là dân các tỉnh nhập cư; không có hộ khẩu, không đăng ký tạm trú nên việc xác minh lai lịch để lập hồ sơ nghiệp vụ giám sát, theo dõi gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, các đối tượng thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, gia công từ các khu đô thị mới, nơi hẻo lánh, khu trọ, vùng ven thành phố hoặc vùng giáp ranh giữa các tỉnh để tổ chức sản xuất nên việc quản lý, thẩm tra để kiểm tra, kiểm soát là rất khó khăn.

Một khó khăn lớn nữa là công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt, trong khi nhiều hãng sản xuất không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Việt Nam; các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối chưa thực sự quan tâm tới công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường. Trong khi đó, nhiều người biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do giá rẻ và thói quen thích sử dụng hàng ngoại của các nhãn hiệu nổi tiếng nên vẫn chấp nhận. Phần lớn người tiêu dùng chủ yếu lựa chọn mặt hàng có mức giá rẻ hơn, được quảng cáo và tiếp thị tốt để sử dụng mà không biết đó là hàng thật hay hàng giả.

Thanh Hằng
.
.
.