“Ngồi” trên đống thuốc nhưng vẫn phải nhập từ nước ngoài

Thứ Tư, 17/10/2018, 09:38
Càng ngày, vai trò của y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh ngày càng mờ nhạt khi để Tây y “lấn lướt”.

Chúng ta may mắn được “sống trên đống thuốc” khi xung quanh có rất nhiều cây thuốc tốt cho việc phòng và chữa bệnh. Đã có những tên tuổi lớn gắn với cây thuốcViệt Nam như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh, gần nhất là GS. Đỗ Tất Lợi… 

Những công trình của họ về y học cổ truyền (YHCT) là vô cùng quý giá, mà nếu phát huy, sẽ giảm thiểu được tỉ lệ sử dụng thuốc Tây y. Đáng tiếc, càng ngày, vai trò của YHCT trong khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng mờ nhạt khi để Tây y “lấn lướt”.

Trong hội nghị về YHCT mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tỏ ra đáng tiếc khi Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, nhiều bài thuốc hay, nhưng lại chưa phát huy được trong KCB. Nhiều người, nhiều gia tộc có các bài thuốc hay song việc sử dụng còn hạn chế. 

Rất nhiều bệnh có thể điều trị bằng đông y, nhưng người dân vẫn dùng Tây y, vừa lãng phí nguồn thuốc sẵn có, vừa tốn kém tiền bạc. Việc kết hợp điều trị giữa Đông y và Tây y còn rất ít so với khả năng thực tế.

Việt Nam có nhiều cây thuốc Đông y quý.

Theo ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), còn rất nhiều thách thức trong phát triển Đông y ở Việt Nam. Với những chính sách hiện nay, những người có bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền không dễ dàng đáp ứng được quy định về đào tạo liên tục, do không có chương trình, cơ sở đào tạo. 

Chính sách ưu tiên chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp sản xuất thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, vị thuốc cổ truyền, vì thế, các sản phẩm từ YHCT chưa có sức cạnh tranh, chưa tạo được bước đột phá. 

Các dịch vụ của YHCT Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn, việc trồng dược liệu vẫn mang tính tự phát. Một số dược liệu không tìm được đầu ra dẫn đến tình trạng dư thừa. Nhiều dược liệu có khả năng nuôi trồng trong nước nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Một vấn đề nữa đẩy YHCT vào thế ít được sử dụng, là chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các bệnh viện (BV) YHCT hoạt động tự chủ được thanh toán BHYT, liên thông BHYT. Kinh phí chi cho mua dược liệu, vị thuốc YHCT ở cả hệ thống là BV YHCT và Khoa YHCT trong các BV đa khoa ở 55 tỉnh, thành phố chỉ tương đương kinh phí mua thuốc của một BV Đa khoa tuyến Trung ương.

Còn có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước liên quan đến y dược cổ truyền (YDCT) giữa các bộ, giữa các đơn vị chức năng trong Bộ Y tế. Công tác quy hoạch vùng dược liệu gặp khó khăn vì liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Không chỉ một cây thuốc Đông y có tới 6 bộ, ngành cùng quản lý, mà cũng chưa có cơ quan làm đầu mối để thống nhất quản lý chuỗi dược liệu. Đã có các quy định về phát triển đa dạng dược liệu YHCT, tuy nhiên chỉ được quản lý chung như các sinh vật, thực vật khác.

Chưa có chính sách hỗ trợ, ưu tiên nuôi trồng, khai thác dược liệu tự nhiên hợp lý, bảo đảm lưu giữ, tái sinh và phát triển nguồn gen dược liệu, nhập khẩu giống cây tạo nguồn dược liệu, bào chế, sản xuất, đấu thầu sử dụng dược liệu trong nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành YHCT.

Đại diện Cục YDCT còn cho rằng các Luật hiện hành cũng gây khó cho sự phát triển của YDCT bởi các vấn đề về YDCT được quy định tản mạn. Có nhiều vướng mắc trong KCB và thanh quyết toán BHYT trong lĩnh vực YDCT. 

Do đặc thù là BV YHCT với việc điều trị chủ yếu bằng phương pháp YHCT, phục hồi chức năng, nên thế mạnh của các BV YHCT là điều trị các bệnh mãn tính. Vì thế, nhiều bệnh nhân sau khi điều trị cấp tính tại các BV đa khoa thì muốn chuyển đến BV YHCT, nhưng lại bị vướng về văn bản hướng dẫn và cơ chế chuyển tuyến, nên không được chuyển đến BVYHCT. 

Trong khi đó BV đa khoa tuyến tỉnh lại được áp dụng nhiều phương pháp điều trị, nên điều trị được nhiều loại bệnh. Do đó bệnh nhân thường lựa chọn BV đa khoa tuyến tỉnh để đăng ký KCB ban đầu.

“Cần mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHYT được lựa chọn BV YHCT tỉnh là nơi đăng ký KCB ban đầu, tạo điều kiện cho những người bệnh có nhu cầu KCB bằng phương pháp YHCT, phục hồi chức năng được đăng ký KCB ban đầu tại BV YHCT tỉnh. Chính sách về thanh toán BHYT cho những bệnh nhân ngoại trú trái tuyến ở các BV YHCT cần được BHXH xem xét. Cơ chế thanh toán bằng nguồn BHYT với việc sử dụng thuốc nam trong KCB tại tuyến cơ sở chưa rõ ràng”–đại diện Cục YDCT nêu ý kiến.

Bộ Y tế cho biết: Hệ thống Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng dược liệu chưa được đầu tư thích đáng; thời gian kiểm nghiệm mẫu kéo dài; chưa đầy đủ chất chuẩn để kiểm nghiệm tất cả các dược liệu sử dụng trong các cơ sở KCB; các cơ sở KCB chưa kiểm soát chặt chẽ chất lượng dược liệu khi đưa vào sử dụng. 

Việc mua sắm dược liệu theo hình thức đấu thầu nên phần lớn các dược liệu đặc thù được trồng tại địa phương không thể đưa vào trong các cơ sở KCB công lập, chưa có cơ chế thanh toán chi phí BHYT đối với các dược liệu đặc thù không qua đấu thầu, gây lãng phí nguồn dược liệu đặc thù tại địa phương. 

Chưa có chính sách đưa các dược liệu đặc thù trồng tại địa phương vào danh mục thanh toán BHYTđể tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có.

Công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với YDCT chưa rõ ràng, chưa khuyến khích người có bài thuốc quý công bố hoặc cống hiến. Chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện phát hiện, kế thừa, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan, bảo vệ bí mật trong bào chế, chế biến và bảo mật dữ liệu thử nghiệm lâm sàng thuốc cổ truyền. 

Thậm chí, một số qui định còn bất cập trong bảo tồn, thừa kế, bảo vệ bí mật và cơ chế cho người hiến tặng bài thuốc quý.

Thanh Hằng
.
.
.