(HY HỮU) Cụ ông 73 tuổi phải nhập viện khoa Nhi điều trị

Thứ Hai, 19/06/2017, 15:56

Đó là trường hợp cụ ông T.V.A (73 tuổi, ngụ tại Long An), với chẩn đoán bị nhiễm trùng gây biến chứng, áp xe vùng "lỗ rò luân nhĩ" tai phải. "Lỗ rò luân nhĩ" là dị tật bẩm sinh, điều trị thuộc chuyên khoa Nhi Tổng hợp. Do đó mới có chuyện, dù đã 73 tuổi nhưng cụ ông A. phải nhập Khoa Nhi Tổng hợp-BV Tai mũi TP Hồ Chí Minh để được điều trị.



BS CK II Thái Hữu Dũng, Phó Trưởng khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh cho biết, đây cũng là trường hợp đầu tiên mà các bác sĩ tại đây tiếp nhận, chữa trị. Điều đáng nói, nguyên nhân gây cho tai phải bệnh nhân bị sưng tấy, áp xe nặng, nhiễm trùng nguy hiểm chính từ việc chủ quan của bệnh nhân.

Ca phẫu thuật lấy lỗ rò tai phải bị nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Trước đó, ông A. được chuyển từ BV Đa khoa Cần Giuộc Long An tới BV Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh với tình trạng phía trước và phía sau tai, vành tai phải bị sưng nề nhiều, chảy mủ, mùi rất hôi. Ông A. cho biết, cách đây khoảng 1 năm, khi đang ngồi chơi trong nhà, do phía bên vành tai phải của ông vốn có một lỗ rò bẩm sinh, và ông hay có thói quen dùng cây tăm nhang ngoáy vào lỗ rò này "cho đã" ngứa. 

Tuy nhiên có một lần khi đang ngoáy, ông bất ngờ bị cậu cháu trai chạy lao vào người, quờ tay vào đúng vành tai phải có dị tật của ông và đẩy cây tăm vào sâu trong lỗ rò đồng thời bị gẫy, một phần cây tăm nằm sâu bên trong lỗ rò. Ông cũng không để ý, và cũng lãng"quên" luôn cây tăm nhang nằm trong tai cả 1 năm nay. 

Các vị trí thường gặp trên vùng tai của bệnh nhân có dị tật bẩm sinh "lỗ rò luân nhĩ".

Khoảng 1 tháng gần đây, tại vết rò này thường chảy mùi hôi rất khó chịu, đồng thời sưng tấy lớn tạo nên một khối trông dị dạng. Ông A tới BV Đa khoa Cần Giuộc. Tuy nhiên, dù ông khẳng định rằng, phía vành tai phải có một cái tăm bị gẫy bên trong nhưng các bác sĩ khám mãi mà không thấy. Do vậy, BV địa phương đã gửi ông lên BV Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh. 

Tại đây, các bác sĩ phát hiện, tại "lỗ rò" bẩm sinh tai phải do bị cây tăm nhang chọc vào gây bít tắc, biến chứng lâu ngày sinh nhiễm trùng, áp xe, cần được phẫu thuật ngay. Trong quá trình phẫu thuật "lấy đường rò luân nhĩ" cho bệnh nhân, bác sĩ đã gắp được đoạn tăm nhang dài 2 cm nằm trong vùng mô xơ đã nhiễm trùng, mưng mủ. Đường rò này đi xuyên từ phía trước ra phía sau vành tai, gây chảy mủ và dịch ra phía sau tai.

Theo các bác sĩ, vị trí lỗ rò bẩm sinh thường hay gặp nhất là bờ phía trước của gờ luân, phía trên vành tai, dọc mặt sau của hố xoăn tai, dái tai, và phía sau vành tai. 

Lỗ rò này đi sâu vào trong để bám vào mảng sụn. Đường rò là một ống da rất nhỏ có miệng ở trước trên cửa tai và chui ngầm vào bên trong rễ vành tai, nó có thể nông, sâu, dài, ngắn khác nhau (độ dài có thể từ vài mm tới 3cm); cấu tạo đơn giản hoặc phức tạp ( một nhánh hay nhiều nhánh) chạy nông hoặc chạy sâu với miệng ống ở phía trước rễ luân nhĩ. 

Ông Trần Văn A. được khám lại vào sáng 19-6

Điều đáng nói, đường rò bên trong thường là một ống biểu mô có khả năng chế tiết, lòng ống có tổ chức nang lông, có tuyến mồ hôi, tuyến bã và lớp biểu bì dễ bong tróc. Chính vì vậy, rất dễ bị nhiễm trùng. Các ghi nhận cho thấy, 1/3 bệnh nhân có tật bẩm sinh này sẽ không có triệu chứng và không cần điều trị (nếu nó không bị nhiễm trùng hay biến chứng). Tuy nhiên khi "rò luân nhĩ" đã nhiễm trùng thì bắt buộc phải phẫu thuật.

Trong trạng thái bình thường, miệng ống có thể tiết ít dịch hôi, nhưng khi bị nhiễm trùng thì tiết ra dịch màu vàng rất hôi hoặc phình ra tạo thành một nang, nang vỡ sẽ tạo thành một vết nhăn nhúm, nếu nang lan ra vành tai thường làm vành tai bị xoắn lại như hình nấm mèo, tai mất hình dạng bình thường, rất mất thẩm mỹ; nếu nang này bị bội nhiễm thì khiến cho vành tai bị sưng tấy, kích thước ngày càng tăng và tạo ra áp xe "rò luân nhĩ".

Huyền Nga
.
.
.