Nâng cao kiến thức sơ cứu tai nạn thương tích cho trẻ trong cộng đồng

Thứ Năm, 11/06/2020, 09:03
“Vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng với việc phòng, chống tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ. Đặc biệt là sơ cứu trước khi đưa nạn nhân tới cơ sở y tế.

Trong 2 tuần đầu tháng 5/2020, khoa Hô Hấp 1-Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 4 trường hợp đuối nước, các bé này đều nhập viện trong bệnh cảnh suy hô hấp nặng cần hỗ trợ hô hấp, may mắn chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Điển hình như trường hợp bé J. (17 tháng tuổi), do gia đình không để ý, J. ra vườn nhà chơi và rơi xuống hồ bơi. Khi phát hiện bé đã ngất và tím tái, gia đình sơ cứu và chuyển J. vào BV Nhi Đồng 2. Cháu được thở máy 3 ngày tại khoa Hồi sức tích cực và đã qua cơn nguy kịch. Đuối nước là một trong những TNTT xảy ra rất nhiều ở trẻ nhất là vào dịp hè mà chưa có dấu hiệu giảm thiểu.

Hồ bơi dịp hè cho trẻ - phụ huynh giám sát bên con là điều vô cùng cần thiết nhằm tránh tai nạn thương tích và đuối nước dịp hè.

Theo thống kê của BV Nhi Đồng 1 - TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong năm 2019, BV này đã tiếp nhận và điều trị 1.333 ca TNTT các loại ở trẻ. Trong số 3.887 ca cấp cứu nhập viện, có 168 ca TNTT ở trẻ gồm: 10 ca cấp cứu do tai nạn đuối nước; ngạt nước; 20 ca do bị chấn thương; 68 ca trẻ bị rắn cắn; và 70 ca trẻ bị ngộ độc các loại. Đặc biệt, ghi nhận có tới 1.001 ca trẻ bị té, ngã; nhiều ca tai nạn trẻ bị bỏng, bị tai nạn do cháy nổ, giật điện; bị uống nhầm hoá chất, dầu hôi, do người lớn bất cẩn.

Loại TNTT hay gặp nữa ở trẻ là TNTT bỏng. Từ đầu năm tới nay, theo bác sỹ (BS) Đinh Tấn Phương- Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, BV Nhi Đồng 1 chưa tiếp nhận trẻ nhỏ bị đuối nước tại lớp mẫu giáo nhưng hàng năm đều có. Trong đó, khi đã là trẻ em nhất là ở khu vực có nước (hồ bơi ở trường, ở trung tâm, hòn non bộ ở nhà, ở lớp mầm non, buồng tắm có xô nước, lu nước, thậm chí thau nước) thì nhất thiết phải có người giám sát không để trẻ tới gần.

BV Nhi Đồng 1 đã từng tiếp nhận nhiều ca trẻ nhũ nhi nhập viện trong tình trạng bị suy hô hấp, chết đuối ngay trong thau nước ở trong nhà. Do trẻ còn quá nhỏ, không thoát ra khỏi chậu nước được khi mà bị nạn trong cảnh bị chổng ngược chân lên trên, đầu chúc trong xô nước hay thau nước. Do không đủ phản xạ, không đủ sức để thoát khỏi tình huống tai nạn như vậy.

Ở trẻ đi học, trong phòng, chống TNTT đuối nước, nhất là dịp nghỉ hè, theo BS Phương, các bậc cha mẹ hết sức lưu ý, đừng “ỷ y” cho rằng con mình bơi giỏi mà chủ quan. Chết đuối vẫn xảy ra khi trẻ đi bơi ở vùng biển lạ, khu vực có nhiều đá ngầm, sóng xoáy… do trẻ bị chuột rút vì lâu lâu mới đi bơi 1 lần.

Đặc biệt, nhất thiết là luôn phải kề cận bên con, giám sát con khi cho trẻ đi bơi. BV Nhi Đồng 1 đã từng cấp cứu 1 trường hợp điển hình năm 2019 cho thấy cần sự giám sát của cha mẹ. Bà mẹ dẫn con đi bơi. Vì chủ quan cho rằng, phía trên bờ có nhân viên cứu hộ quan sát nên đã đi ra ngoài một chút. Chỉ vài phút sau bà mẹ trở lại hồ bơi đã không thấy con trên mặt hồ, vội chạy lại thì thấy con chìm nghỉm dưới đáy.

“Trường hợp này do mới khoảng 2 phút, còn trong giờ vàng và nhân viên cứu hộ tại hồ có kinh nghiệm nên chúng tôi đã cứu được bé này. Qua đó cho thấy, không thể phó mặc hoàn toàn cho nhân viên cứu hộ tại hồ bơi. Muốn cho con đi bơi cha mẹ hãy “chịu cực” giám sát con. Để không phải đau lòng khi rơi vào tình huống ở cạnh con suốt thế mà con vẫn chết đuối. Đau lòng lắm!”- BS Phương nói.

BS Phương cho rằng, chuyện về TNTT ở trẻ nói cả ngày không hết. Dù rằng hệ thống cộng đồng đã có rất nhiều cách khác nhau để tuyên truyền về phòng chống TNTT ở trẻ, và cách phòng ngừa.

Nhưng, theo BS Phương, hệ thống cộng đồng phải “giỏi” về sơ cứu, mang tính chất phổ cập những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản. Trong đó, trước hết là từ phía trường học. TNTT giảm khi hệ thống cộng đồng có ý thức. Ngành giáo dục cần trang bị những kiến thức về phòng chống TNTT ở học trò, ở từng lứa tuổi cần được trang bị kiến thức khác nhau. Ít nhất là tới lớp 9, HS của ta phải hiểu cơ bản về những loại tai nạn HS thường phải đối mặt và biết cách đề phòng.

Tới lớp 12, HS cần biết tự xử trí những sơ cấp cứu cơ bản, tại hiện trường… khi bị rắn cắn xử trí ra sao! TNTT xảy ra ở trẻ, ở học sinh,… nạn nhân sống hay chết phụ thuộc rất nhiều vào lúc sơ cứu. Trong vòng 4 phút mà đuối nước không được sơ cứu, não không thể phục hồi do thiếu ô xy. Qua thời gian này, não có cứu được cũng để lại di chứng.

“Điều quan trọng là tận dụng thời gian vàng khi sơ cứu tại chỗ và đúng cách. Vì lúc xảy ra tai nạn, chỉ có người nào gần nạn nhân nhất, biết sơ cứu đúng cách mới cứu được nạn nhân. Cộng đồng giỏi sơ cấp cứu thì mới góp phần giảm thiểu TNTT và tác hại của TNTT ở trẻ. Bớt đi gánh nặng cho những BS cấp cứu như chúng tôi khi cứu bệnh nhân. Đó là những điều mà chúng tôi vô cùng mong mỏi”- BS Phương chia sẻ.

Huyền Nga
.
.
.