Nam thanh niên bị bạn cắn đứt... tai khi đang nhậu

Thứ Sáu, 04/05/2018, 10:13

Trong bữa nhậu, nam thanh niên ở Nam Từ Liêm bị bạn nhậu cắn... đứt lìa tai. Các bác sĩ Bệnh viện E đã thực hiện một ca mổ hơn là kỳ tích tái tạo thành công tai cho anh này.


Bệnh nhân CVM (27 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện E cấp cứu trong tình trạng trầy xước ở vùng mặt và chảy nhiều máu. Đặc biệt, bệnh nhân bị tổn thương lớn ở vành tai trái, mất toàn bộ vùng gờ luân và một phần dái tai. Vết thương chảy máu nhiều, nham nhở, mất và lộ sụn vành tai có khả năng gây nhiễm trùng sụn vành tai. Điều đáng nói, mảnh rời của tai anh M đã không tìm thấy.

Được biết, bệnh nhân bị cắn đứt tai khi đang nhậu với bạn. Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm (Bệnh viện E) đã ngay lập tức cấp cứu cho bệnh nhân, đồng thời cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng vết thương. 

ThS.BS Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt quyết định phẫu thuật tái tạo lại vành tai nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng hứng sóng âm của vành tai.

Bệnh nhân M bị cắn đứt tai trong bữa nhậu

BS Minh cho hay, cái khó nhất của ca phẫu thuật tái tạo vành tai trái cho bệnh nhân M chính là việc không tìm thấy mảnh tai rời của bệnh nhân, cộng với vết tổn thương quá lớn nên các bác sĩ quyết định sử dụng phần vạt da sau tai để phẫu thuật tái tạo vành tai trái cho bệnh nhân trong 2 thì. 

Ở thì thứ nhất, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt sử dụng trụ da sau tai để che phủ tổn thương (phần khuyết của vành tai). Ở thì thứ 2, các bác sĩ tiếp tục cắt cuống vạt trụ da và tạo hình vành theo không gian 3 chiều để đảm bảo tính thẩm mỹ và chức năng hứng sóng âm của vành tai. Hai lần phẫu thuật cách nhau khoảng 21 ngày.

Ca phẫu thuật tái tạo vành tai trái cho bệnh nhân M diễn ra trong hơn 1 giờ và đã có kết quả như mong muốn.

Theo BS. Minh, phẫu thuật tái tạo vành tai là dạng phẫu thuật phức tạp và khó thực hiện. Bởi  vành tai có cấu trúc đặc biệt bao gồm lớp sụn mỏng ở giữa có hình dáng lồi lõm, bao phủ hai mặt sụn là lớp da mỏng… Tuy vậy, với những kỹ thuật cấy ghép và tạo hình tai ngày càng phát triển, Bệnh viện E đã thực hiện và làm chủ được phương pháp phẫu thuật tái tạo vành tai để giúp bệnh nhân có được vành tai trở về hình dạng  bình thường.

BS. Minh phân tích, vành tai biến dạng sau tai nạn ảnh hưởng đến việc đón nhận âm thanh và cản trở quá trình giao tiếp. Các bác sĩ sử dụng phương pháp cấy ghép  sụn tự thân, sụn nhân tạo để tạo hình cả về hình dáng tai và chức năng tai. Đây là phẫu thuật khó nhưng để có dáng tai đẹp và trở về bình thường, bác sĩ phẫu thuật cần có nhiều kinh nghiệm và thẩm mỹ tinh tế. 

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ khéo léo giấu đường mổ vào những nếp gấp hoặc nếp lằn tiếp xúc giữa da đầu và vành tai nên không lộ sẹo. Phục hồi chức năng nghe của tai và đưa hình thái vành tai trở về hình dáng chuẩn.

Bác sĩ tái tạo vành tai và chăm sóc cho bệnh nhân sau phẫu thuật

ThS.BS Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, BV E:
Phẫu thuật tái tạo vành tai không chỉ được áp dụng cho bệnh nhân bị đứt tai do tai nạn gây ra mà còn được sử dụng trong phẫu thuật tạo hình điều trị các dị tật bẩm sinh ở tai điển hình là bệnh tai nhỏ bẩm sinh; Phẫu thuật thẩm mỹ làm đẹp vành tai được đặt ra đối với các trường hợp dị tật tai vểnh hay tai cụp… không đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, đặc biệt ở phụ nữ.

Hiện khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt Bệnh viện E đang triển khai một số kỹ thuật tiên tiến như phẫu thuật tạo hình: xóa sẹo di chứng bỏng, khuyết phần mềm sau chấn thương và sau phẫu thuật cắt u. Khắc phục các dị tật bẩm sinh: u máu, u sắc tổ, khe hở môi vòm, dị tật vành tai. Ứng dụng vi phẫu tạo hình bàn tay, chân… Phẫu thuật thẩm mỹ trong nâng ngực, tạo hình thành bụng, hút mỡ. Phẫu thuật thẩm mỹ vùng đầu mặt cổ: nâng mũi, tạo nếp mí, độn cằm, sửa sẹo… Phẫu thuật cấp cứu hàm mặt, bàn tay, khâu vết thương thẩm mỹ…


Thanh Hằng
.
.
.