Thấy gì sau 5 năm Việt Nam nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU?

Chủ Nhật, 05/02/2023, 06:26

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, sau 3 lần thanh tra công tác khắc phục thẻ vàng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), Ủy ban châu Âu đánh giá Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đi đúng hướng.

Như vậy, sau 5 năm bị thị trường châu Âu cảnh báo thẻ vàng IUU, ngành thủy sản Việt Nam đang được Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao về các biện pháp khắc phục. Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ gỡ được thẻ vàng IUU trong đợt thanh tra lần thứ 4 của EC.

Sự cởi mở của Việt Nam với các khuyến nghị

Tại Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn Thanh tra của EC và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức vừa qua (ngày 3/2), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, vào tháng 10/2022, Đoàn kiểm tra của EC đã đến kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng IUU của Việt Nam (lần thứ 3).

tv.jpg -0
Ủy ban châu Âu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục thẻ vàng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp.

Địa điểm mà đoàn kiểm tra lựa chọn là tỉnh Khánh Hòa. Báo cáo kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần 3 cho thấy, Đoàn ghi nhận những tiến bộ đáng kể đã đạt được cũng như tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện và sự cởi mở của Việt Nam đối với các khuyến nghị. Theo đó, Việt Nam có khung pháp lý toàn diện phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên, việc thực thi nhiều quy định pháp lý mới hiện vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Tỉnh Khánh Hòa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); cần có sự đồng đều như vậy ở tất cả các tỉnh.

Đoàn thanh tra EC đánh giá, việc giám sát đội tàu đã được cải thiện, tuy nhiên, số lượng các trường hợp mất kết nối vẫn còn cao và cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kỉểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Đoàn cũng nêu ra một số vấn đề tồn tại liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container; còn số lượng lớn tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Đoàn thanh tra EC khuyến nghị các địa phương có hoạt động nghề cá của Việt Nam cần đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về ra vào cảng, nhật ký khai thác, kiểm tra chéo với VMS, kiểm soát bốc dỡ, và lưu trữ hồ sơ tại tất cả các tỉnh. Chuẩn hóa việc lưu trữ hồ sơ tại tất cả các cảng, bao gồm các thông tin thống nhất trong giám sát ra, vào cảng, sản lượng thủy sản được bốc dỡ, ghi chép các vi phạm và các chế tài xử lý đã được áp dụng. Đồng thời, cần cải thiện việc trao đổi thông tin liên quan đến danh sách tàu có nguy cơ cao trong nước; có quy định xóa tên tất cả các cảng cá ra khỏi danh sách các cảng được phép cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác nếu không phản hồi về biện pháp xử lý đã thực hiện đối với toàn bộ và từng trường hợp nghi ngờ vi phạm được Trung tâm Giám sát Nghề cá phát hiện.

Đảm bảo việc bốc dỡ các loài có áp dụng hạn ngạch chung cùng với các loài khác phải được giám sát nghiêm ngặt, bao gồm cả việc kiểm tra xác minh hoạt động phân loại được thực hiện tại doanh nghiệp chế biến. Theo Đoàn thanh tra EC, dựa vào kết quả đánh giá trữ lượng, nên xem xét có cần thiết thực hiện các biện pháp bổ sung để đảm bảo cân bằng giữa quy mô đội tàu với hiện trạng nguồn lợi. Các biện pháp này có thể bao gồm chương trình giảm đội tàu, cấp hạn ngạch khai thác đối với một số nhóm hoặc loài nhất định, hạn chế số ngày khai thác đối với một số nghề nhất định được phép hoạt động trên biển. Đảm bảo các đánh giá nguồn lợi định kỳ theo quy định để có thông tin cập nhật thường xuyên và cho phép phản ứng hiệu quả khi nguồn lợi có dấu hiệu suy giảm rõ ràng.

Kỳ vọng gỡ được thẻ vàng IUU vào giữa năm nay

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), trong quá trình thanh tra của EC, Đoàn đã phát hiện được nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó có thể kể đến như nghi ngờ công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hải sản sử dụng hồ sơ giả; hệ thống truy xuất không đáng tin cậy; nhập khẩu vượt quá hạn ngạch khai thác của các quốc gia treo cờ. Ngoài ra, còn có 1 số tàu cá sử dụng giấy tờ đăng ký giả; công tác giám sát sản lượng qua cảng, cấp giấy xác nhận không đảm bảo độ tin cậy; danh sách tàu cá IUU không thống nhất với số liệu của tỉnh; việc quản lý đội tàu, quản lý cường lực khai thác chưa được chặt chẽ.

Đối với việc thực thi pháp luật thì tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn cao, các nước trong khu vực vẫn tiếp tục phản ánh. Đồng thời, việc xử phạt nhóm tàu vi phạm này còn thấp. Trên cơ sở những phát hiện nói trên, Đoàn Thanh tra EC khuyến nghị Việt Nam giám sát, làm rõ các tàu cá có khả năng nằm trong danh sách tàu IUU để thực hiện các chế tài xử lý thích hợp. Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm được phát hiện, cần thanh kiểm tra lại.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau 3 lần thanh tra, EC đánh giá Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đi đúng hướng. Điều này thể hiện ở 4 nội dung chính: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu, vấn đề truy xuất nguồn gốc và việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện nay đội tàu của Việt Nam rất lớn dẫn đến cường lực khai thác cao, không đáp ứng được yêu cầu khai thác bền vững.

Dù tỷ lệ tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình đạt trên 96% nhưng số lượng tàu mất kết nối một cách chủ động còn tương đối nhiều, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Trong khi đó, EC khẳng định, chỉ gỡ thẻ vàng khi không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành, lực lượng liên quan đều ra quân rất quyết liệt nhưng việc quản lý còn bất cập. Do đó, trong thời gian tới cần phải có những chuyển biến tích cực để đợt kiểm tra lần thứ 4 dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây sẽ gỡ được thẻ vàng IUU.

“Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Nếu như chỉ vì thẻ vàng mà ảnh hưởng đến vị thế của đất nước trên trường quốc tế là một điều không để xảy ra. Do vậy, quyết tâm chính trị của cả Trung ương, các bộ, ngành, địa phương là rất lớn. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng không gì là không thể khi chúng ta đã phấn đấu và đạt được những thành quả trong 5 năm qua”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngọc Yến
.
.
.