Những tiếng “thở dài” sau một Liên hoan nghệ thuật

Thứ Bảy, 03/06/2023, 08:16

Diễn ra liên tục trong 12 ngày với gần 106 trích đoạn của 33 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước chăm chút để mang đi “tranh tài”, Liên hoan các trích đoạn sân khấu hay toàn quốc năm 2023 là một “đại tiệc” đầy sắc màu.

54 Huy chương Vàng, 60 Huy chương Bạc và nhiều phần thưởng khác đã được trao tặng các đơn vị, nghệ sĩ xuất sắc tham gia Liên hoan. Tuy nhiên, sau những nụ cười rạng rỡ trong đêm trao giải 1/6 tại Hà Nam, vẫn còn đâu đó những tiếng thở dài.

Thực tế, không riêng Liên hoan các trích đoạn sân khấu hay toàn quốc năm 2023 mà các liên hoan, hội diễn nghệ thuật nói chung thường được coi là dịp để người làm nghệ thuật đầu tư tâm sức, xây dựng những tác phẩm chất lượng cao nhất trong phạm vi có thể để qua đó khẳng định tài năng, là ngày hội của người làm nghề.

not lang lh1.jpg -0
NSND Hồng Vân tiếp tục khẳng định bản lĩnh diễn xuất khiến khán giả cười nghiêng ngả trong đêm bế mạc và trao giải liên hoan.

Nhưng, nói như cách chia sẻ thẳng thắn và phần… chua chát của nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan lần này thì trong các cuộc Liên hoan nghệ thuật, bên cạnh việc tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, còn là dịp để nghệ sĩ giao lưu, trao đổi, học tập lẫn nhau trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, rút ra những bài học kinh nghiệm, cùng nhau làm tốt hơn, gạn đục khơi trong đưa nghệ thuật sân khấu phát triển nhằm đáp ứng đòi hỏi của đời sống xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Mục đích lớn lao là vậy nhưng chúng ta chưa thực hiện được bởi các đơn vị vội vã đến diễn thi rồi vội vã trở về. Nỗi buồn này chẳng của riêng ai và đã trở thành điểm nghẽn trong hàng chục năm qua mà các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương chưa tháo gỡ được.

Trao đổi nhanh với chúng tôi ngay sau đêm bế mạc và trao giải liên hoan, NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng, đây là một thực tế buồn mà nếu chỉ dựa vào tự thân của các đơn vị hoạt động nghệ thuật hay các nghệ sĩ thì sẽ khó giải quyết được.

Vài chục năm trước, mỗi dịp liên hoan, Hội diễn là ngày hội, là dịp để người làm nghề hội ngộ, có dịp để thể hiện tài năng, xem nhau biểu diễn để chiêm ngưỡng tài năng và học hỏi lẫn nhau. Nhưng câu chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” trĩu nặng trên vai nên người nghệ sĩ và cả lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều khó có thể bố trí thời gian và có chi phí cho các nghệ sĩ ở lại nhiều ngày, thưởng thức các tác phẩm, tài năng của nhau. Thường các đoàn đến thi rồi về.

Thực tế, ngoại trừ các đơn vị nghệ thuật công lập, với các nghệ sĩ từ đơn vị sân khấu xã hội hóa, để đến chung vui được tại Liên hoan đã là một sự cố gắng rất lớn. Như NSND Hồng Vân - một trong những “bà bầu” mát tay của Sân khấu Kịch Hồng Vân từng chia sẻ là để đưa được các nghệ sĩ từ TP Hồ Chí Minh ra phía Bắc dự Liên hoan, Hội diễn thì các đơn vị xã hội hóa phải tính toán đủ đường.

Nếu không đi dự các kỳ cuộc như thế này thì sẽ thiệt thòi cho nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ. Nhưng nếu tham gia thì mỗi chuyến đi về đều rất tốn kém, trong khi đời sống còn khó khăn. Bên cạnh đó, tác phẩm dự thi phải đầu tư nhiều hơn, có những tiêu chí khác hơn so vói các tác phẩm mà đơn vị thường xuyên phục vụ số đông khán giả.

Với các nghệ sĩ tự do, đơn vị sân khấu xã hội hóa, “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên từ đầu tư cho tác phẩm đến lựa chọn người tham gia, số lượng người tham gia đều phải được tính vô cùng chặt chẽ, phải tính toán chi li nên càng khó ở liền nhiều ngày để xem các tác phẩm của đoàn bạn.

Về vấn đề nêu trên, ngay tổng kết của Hội đồng Giám khảo Liên hoan các trích đoạn hay sân khấu toàn quốc năm 2023 cũng ghi nhận: Nhiều diễn viên công lập, ngoài công lập tự bỏ tiền túi đi thuê mọi thứ để xây dựng trích đoạn tham dự liên hoan. Điều đó thể hiện tâm huyết, sự đam mê, trách nhiệm với nghề nghiệp và bản thân, tự tin để đua tài và cống hiến thành quả lao động từ mồ hôi nước mắt của mình cho khán giả.

Khi thay mặt Hội đồng Giám khảo tổng kết cuộc thi, TS Nguyễn Đăng Chương cũng cho rằng, các thành viên Hội đồng rất thấu hiểu các khó khăn và cả sự tâm huyết, mong muốn của của các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật khi đến với Liên hoan, song kết quả thực tế “còn sự khác biệt với những gì chúng ta kỳ vọng”. “Một số đơn vị mang tới liên hoan những trích đoạn sân khấu rất nghiệp dư. Tính nghiệp dư thể hiện ở nội dung, kết cấu tác phẩm, phương pháp nghệ thuật, cách thức dàn dựng, hình thức thể hiện và công tác hậu đài. Có trích đoạn kết cấu không có mở đầu, không có kết thúc.

Hội đồng Giám khảo đưa mắt hỏi nhau xem trích đoạn chuyển tải thông điệp gì và cả 7 thành viên đều không trả lời được. Tính chân thực là linh hồn của mỗi tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng, có những trích đoạn về đề tài hiện đại được ê kíp sáng tạo hư cấu tới mức phản cảm. Những câu chuyện có thật ở cuộc sống được cường điệu thái quá, từ đó tạo ra hình tượng nhân vật một cách vô lý, không có ở đời sống, chứa đựng tất cả những điều xấu nhất về đạo lý, nhân cách và văn hoá ứng xử.

Một trong những chức năng của nghệ thuật là lên án cái xấu, cái ác; nhưng người sáng tạo hư cấu, khuếch đại đến tận cùng thì sẽ tạo nên tác dụng ngược, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức thẩm mỹ và tâm lý tình cảm của người xem. Một số trích đoạn diễn tả “tính dục” trong con người bằng ngôn ngữ thiếu tính văn học, thậm chí thô tục, gây nên sự ức chế cho người xem, làm hỏng nhân vật, làm nghệ sĩ biểu diễn phải gánh chịu hậu quả, mặc dù cái lỗi đó không thuộc về họ”.

Tổng kết của Hội đồng Giám khảo còn chỉ ra rằng, tại Liên hoan có tới 6 trích đoạn “Đôi lứa xứng đôi” được phóng tác dàn dựng từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao nhưng phần lớn trích đoạn đều giống nhau như được đúc từ một khuôn. 3 nhân vật trong trích đoạn giống nhau từ hoá trang, phục trang, đạo cụ, tiếng nói, cách thức biểu lộ tình cảm, động tác hình thể, dáng đi, tiếng cười và xử lý không gian sân khấu….

Thực tế đó là bằng chứng sinh động về sự sáo mòn, già cỗi, lặp lại chính mình, nhâm nhi quá khứ của người sáng tạo trong nhiều năm qua, biến nghệ sĩ biểu diễn trở thành “thợ diễn” trên sân khấu, diễn viên đang quá phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của đạo diễn hoặc người hướng dẫn nên thiếu sự sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ trong các vai diễn. Nhiều đơn vị nghệ thuật công lập đang lâm vào tình trạng khủng khoảng cả về lượng và chất trong đội ngũ diễn viên…

N.Nguyễn
.
.
.