Vì sao ngành xuất bản còn nhiều vi phạm và khó xử lý?

Thứ Hai, 29/12/2014, 08:58
Sao chép nội dung sách để biến thành sách của mình, in lậu sách dưới nhiều tên nhà xuất bản khác nhau hay cẩu thả, cho ra đời những cuốn sách không chỉ ấu trĩ về nội dung mà còn kém về hình thức minh họa, trình bày… đó là những câu chuyện dài, đầy phức tạp trong hoạt động xuất bản năm 2014.

Những sự việc trên nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ nhanh chóng làm triệt tiêu sự sáng tạo của ngành xuất bản, không bảo vệ được quyền lợi công bằng cho những người làm sách chân chính.

2014 là một năm có rất nhiều vụ việc xử phạt được tiến hành trong ngành xuất bản. 306 xuất bản phẩm bị phát hiện và xử lý, trong đó có 120 xuất bản phẩm có nội dung sai phạm với những hình thức như: yêu cầu phải tái bản sửa chữa, đình chỉ phát hành để sửa chữa. Bên cạnh đó, có không ít ấn phẩm bị thu hồi và đình chỉ phát hành.

Cũng trong năm qua, với những sai phạm nghiêm trọng, xảy ra liên tiếp, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phải đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Nhà xuất bản Thời đại tạm dừng hoạt động của hai nhà xuất bản này để kiện toàn tổ chức.

Cục Xuất bản, in và phát hành cũng xử phạt vi phạm hành chính với 19 xuất bản phẩm đối với 4 nhà xuất bản và 2 đối tác liên kết, với những lý do như không nộp lưu chiểu, không có giấy phép đăng ký xuất bản nhưng tự ý in ấn và phát hành.

Mức độ nặng hơn, có nhà xuất bản đã in hình minh họa sách không phù hợp, xúc phạm uy tín cá nhân và tổ chức có liên quan; thông tin sai sự thật, gây sự hiểu lầm như cuốn “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”, “Bộ luật Hình sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014”.

Các cơ quan chức năng phối hợp bắt quả tang vụ in lậu số lượng lớn bloc lịch tại tỉnh Đồng Nai ngày 16/12. Ảnh: Cục Xuất bản cung cấp.

Ngoài ra, Cục Xuất bản, in và phát hành còn xử lý 11 xuất bản phẩm mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp. Có thể nói, bên cạnh việc xử phạt thì công tác thanh tra, kiểm tra của ngành xuất bản trong năm qua cũng thu được nhiều kết quả mặc dù nạn in lậu sách ngày càng có quy mô rộng lớn và tinh vi.

Đáng lưu ý trong năm qua là việc bắt quả tang vụ in lậu lịch bloc 2015 số lượng lớn tại Đồng Nai (vào ngày 16/12) do Cục Xuất bản, in và phát hành, Cục A87 Bộ Công an phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh Đồng Nai tiến hành. Qua kiểm tra, Đoàn liên ngành phát hiện Công ty này đang tiến hành in, hoàn thiện số lượng lớn lịch bloc 2015 lên đến khoảng 10.000 bloc, gồm các chủng loại bloc trung pơluya thường, đại, siêu đại và khoảng 1,5 tấn tờ lịch in chưa thành phẩm.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành cho biết: “Việc in nối bản, in lậu sách phát tán ra thị trường để kiếm lời nhưng khi mình muốn đến kiểm tra phải thông qua các đơn vị quản lý. Qua đơn vị phải mất từ một đến hai ngày người ta mới cho giấy để vào. Nhưng vào thì còn gì nữa. Anh đi kiểm tra, quan trọng nhất là yếu tố bất ngờ”.

Bên cạnh đó, dường như các nhà quản lý của ngành xuất bản đang đứng trước nhiều khó khăn trong việc đọc, hậu kiểm, kiểm soát được nguồn sách phát hành hàng năm. Theo báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành, năm 2014, Cục tiếp nhận lưu chiểu 25.442 cuốn sách với hơn 360 triệu bản của 63 nhà xuất bản. So với năm 2013, số đầu sách tăng 2% nhưng số bản sách tăng 32%. Tính đến ngày 20/11/2014 thì tổng số xuất bản phẩm đã đọc, kiểm tra là 3.020 cuốn. Như vậy, Cục chỉ đọc hậu kiểm được 11,9% số xuất bản phẩm.

Công tác xuất bản trong năm 2014 cũng nảy sinh nhiều câu chuyện đáng buồn xung quanh chuyện bản quyền. Đó là câu chuyện về bản quyền sách giáo khoa, về việc sử dụng tác phẩm của các nhà văn để đưa văn học vào trong nhà trường nhưng lại không có cơ chế rõ ràng về nhuận bút, thù lao. Đáng buồn hơn, nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu của các nhà văn hóa quá cố cũng bị cắt xén, cóp nhặt vô tội vạ. Không ít tác phẩm văn học nổi tiếng như “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh bị in lậu.

Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Chủ tịch Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho rằng: “Ở Việt Nam, tình trạng tác giả và nhà xuất bản quản lý về quyền xuất bản dưới dạng sách in khá lỏng lẻo. Hiện nay trên môi trường số, việc sử dụng, không xin phép sách tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền công nghiệp xuất bản của Việt Nam và các nhà xuất bản thực sự khó mà phát triển được nếu còn tình trạng này kéo dài”.

Trước thực tế diễn biến vô cùng phức tạp của hoạt động xuất bản hiện nay thì số tiền phạt vi phạm hành chính là 380 triệu đồng trong năm 2014 chưa phải là con số quá lớn. Tất nhiên, không ai mong sẽ có nhiều nơi bị phạt để thu về những khoản tiền lớn hơn nhưng lại mang nhiều sự nhức nhối vì những hành vi cố tình lách luật. Nhưng trước khi mong chờ một nền công nghiệp xuất bản minh bạch, tiến bộ thì việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng cần phải kịp thời và mạnh tay hơn nữa.

Bảo Trân
.
.
.