Triển lãm hình tượng Sư tử và Nghê tạo nhiều bất ngờ cho công chúng phía Nam

Thứ Năm, 15/01/2015, 21:24
Ngày 15/1, triển lãm chuyên đề "Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" chính thức khai mạc tại bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Do bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng Nam Định và bảo tàng Mỹ thuật TP HCM phối hợp tổ chức, triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 60 hiện vật được làm từ thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Các hiện vật được tạo tác bằng nhiều chất liệu: đá, gốm, sành, gỗ, đồng...

Tượng Sư tử trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam có vẻ ngoài hiền hòa, khác xa các sư tử đá ngoại lai.
"Gương mặt" khác của Sư tử Việt được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Ngoài ra, tại triển lãm còn có một số tưu liệu, tài liệu khoa học của các tổ chức có liên quan như hình ảnh, bản vẽ đạc họa, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật.

Sư tử chầu ngọc được tạo tác từ thế kỷ XI.
Nghê gỗ tại đền thờ vua Lê Thánh Tông ở tỉnh Thanh Hóa (Thế kỷ XVII).

Sư tử và Nghê đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng văn hóa của Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên, một triển lãm chuyên đề riêng về hai linh vật này được giới thiệu có hệ thống và rộng rãi đến công chúng tại TP HCM. Các hiện vật, thông tin, hình ảnh tại triển lãm gây nhiều ngạc nhiên cho không ít khách tham quan về chính những di sản văn hóa cha ông mà bản thân đang thừa hưởng.

Góc triển lãm "Hình tượng Sư tử và Nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" gây nhiều bất ngờ cho công chúng.
Ngoài hoạt động chuyên môn, triển lãm còn là dịp để cán bộ bảo tàng 2 miền Nam, Bắc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.

Các hiện vật, tư liệu được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, 97A Phó Đức Chính, quận 1, TP HCM từ ngày 15/1 đến 12/2.

N.H.
.
.
.