Sân khấu kịch Công an nhân dân:

Từ sương mù đến giông tố

Thứ Bảy, 21/02/2015, 11:37
Mang một sức xuân mới, một tư duy mới, kịch nói CAND đang có sự bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là trong 2 năm qua. Hàng loạt vở kịch phản ánh những vấn đề xã hội nóng bỏng được dàn dựng, thu hút sự chú ý của khán giả và sự đánh giá cao của giới chuyên môn: “Đường đua trong bóng tối”, “Quyết đấu giữa sương mù”, “Tôi là người Việt Nam”, “Choáng vì tiền”, “Giông tố” vv…

Với những kịch bản chứa đựng nội dung sâu sắc, với đội ngũ diễn viên đã có thương hiệu như Công Bảy, Đức Hải, Hoàng Lan, Thúy Hiền, Thế Bình, Hồ Phong …  Đoàn kịch CAND đang tiếp tục khẳng định vị thế trong nền sân khấu nước nhà.

Bám sát cuộc sống là quan điểm được lãnh đạo Đoàn kịch CAND xác định rõ để quyết định dàn dựng các vở diễn mang tính chiến đấu cao. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ sự lành mạnh của xã hội đang là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Công an, nên nghệ thuật sân khấu CAND cũng không thể đứng ngoài. Thượng tá, NSƯT Công Bảy, Trưởng Đoàn kịch CAND, cho biết: Lãnh đạo đoàn và Hội đồng Nghệ thuật bàn bạc và thống nhất tập trung các vở diễn vào nội dung trước hết là ca ngợi hình tượng người chiến sĩ Công an, đồng thời, quan tâm đặc biệt đến mảng đề tài xã hội với việc ưu tiên chọn lựa những kịch bản chống tiêu cực.

Một trong vở diễn gây rung động dư luận ngay khi ra mắt là vở “Đường đua trong bóng tối” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đây là sự dũng cảm của Đoàn, bởi, kịch bản này đã được tác giả gửi đi một số đoàn, nhưng đều bị e ngại, không dám dàn dựng vì nội dung phê phán tiêu cực rất mạnh mẽ, khi chạm đến những vấn đề rất lớn trong xã hội, như nạn chạy chức chạy quyền, nhất là đối tượng phản ánh lại là những cán bộ cao cấp.

Đúng như dự đoán, sau khi Đoàn kịch CAND tiên phong dàn dựng, vở diễn đã thu hút rất đông khán giả, được Thủ tướng Chính phủ đến xem và đánh giá cao về tính chiến đấu của vở diễn. Hội Nghệ sĩ sân khấu đã dành cho “Đường đua trong bóng tối” những lời ca ngợi, đặc biệt ghi nhận sự dũng cảm cũng như tính chuyên nghiệp của Đoàn. Nhà văn, nhà biên kịch Chu Lai nhận xét: “Vở “Đường đua trong bóng tối” của Đoàn kịch CAND là một cú đấm thẩm mỹ của sân khấu vào những mặt tiêu cực của xã hội, mà chưa một đoàn nghệ thuật nào dám tấn công mạnh mẽ như thế. “Từ thành công này, nhiều đơn vị nghệ thuật cũng đã dàn dựng “Đường đua trong bóng tối”.

Ngay sau đó, Đoàn kịch CAND tiếp tục thành công với vở “Quyết đấu giữa sương mù” (kịch bản: Chu Lai, đạo diễn: NSND Lê Hùng). Đây cũng là một vở diễn có tính chiến đấu, khi phê phán quyết liệt nạn tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, trong các dự án giải phóng mặt bằng.

Tại sao Đoàn lại “dũng cảm” dựng những vở diễn “gai góc” như vậy? Với câu hỏi này, NSƯT Công Bảy nhấn mạnh: Quyết định dựng, chúng tôi chấp nhận những khó khăn có thể đến với Đoàn, chỉ mong muốn được góp một tiếng nói chung vào công cuộc xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, bằng tiếng nói của nghệ thuật sân khấu, hình tượng hóa những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Đặc biệt, chúng tôi muốn khẳng định tính chiến đấu của một đơn vị nghệ thuật CAND, xứng với truyền thống của lực lượng và với tên tuổi của các diễn viên. Vì thế, với những vở diễn nặng ký này, Đoàn đã tập trung tâm sức để dàn dựng thành công và huy động toàn bộ các diễn viên gạo cội tham gia, để thể hiện thật tốt đời sống nội tâm của các nhân vật vốn cực kỳ phức tạp, mà chỉ những diễn viên có năng lực, trình độ mới có thể lột tả được.

Cảnh trong các vở diễn nổi bật của Đoàn kịch CAND.

Với vở diễn “Choáng vì tiền” (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Lê Hùng), Đoàn kịch CAND lại đi sâu vào một vấn đề xã hội: trong nền kinh tế thị trường, tình nghĩa đã bị coi rẻ, đồng tiền bỗng trở thành “tâm điểm”, thước đo trong mọi mối quan hệ, kể cả ruột thịt. Tiền của không phải do bàn tay lao động của mình làm ra, thì rồi không chỉ mất hết, mà còn có nguy cơ làm tan nát gia đình. Đó chính là mặt trái của đồng tiền mà chúng ta cần phải cảnh giác. Thông điệp “Không có tiền thì khổ, nhưng có tiền, còn khổ hơn” như một tiếng thở dài, một lời than vãn chắt ra từ đời sống thực, được tái hiện qua tiếng cười, đã làm nên sức hấp dẫn cho vở diễn.

Chưa dừng ở việc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, sự thoái hóa vì đồng tiền, Đoàn kịch CAND còn lên tiếng trong việc bảo vệ đạo đức truyền thống gia đình. Thượng tá, NSƯT Công Bảy chia sẻ: Đạo đức gia đình đang bị rạn nứt, thậm chí, đây đó đã có sự  băng hoại, vì thế, sân khấu cũng cần góp phần đưa đạo đức gia đình trở về vị trí xứng đáng của nó. Xác định đó là trách nhiệm của nghệ thuật và của từng nghệ sĩ, Đoàn kịch CAND đã dựng chùm kịch ngắn về chữ hiếu và đã được khán giả khắp mọi miền đón nhận.

Nhưng, Đoàn kịch CAND không quên nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an, để làm nhịp cầu nghệ thuật kéo gần sự hiểu biết, sẻ chia của người dân với lực lượng Công an. Nhiều vở diễn về đề tài này được khai thác, dàn dựng. Đó là “Bản danh sách điệp viên” (tác giả: Văn Báu, đạo diễn: NSND Lê Hùng; chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Công Bảy) đã tái hiện một chiến công rất đỗi hào hùng của Công an Hà Nội, ngợi ca sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Công an Thủ đô những năm tháng cách mạng còn trứng nước.

Vở diễn đã không chỉ ghi được dấu ấn ngay sau đêm khai mạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần đầu tháng 10/2014, mà còn giành được một huy chương vàng và 6 huy chương bạc. “Tôi là người Việt Nam” cũng là một công trình nghệ thuật mở tung cánh cửa cho khán giả thấy được một phần bi kịch trong cuộc đời người chiến sĩ tình báo. Đó là sự hy sinh vô bờ cho cách mạng, cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Một dấu ấn của Đoàn kịch CAND trong hơn 3 thập kỷ trưởng thành, là lần đầu tiên hợp tác quốc tế: Đoàn đã phối hợp với Nhật Bản để dàn dựng vở “Đông du” (kịch bản: Bùi Minh Vũ, đạo diễn: NSND Lê Hùng), nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật. Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu, Đoàn đã tái hiện tình bạn đặc biệt giữa người chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam, người khởi đầu cho phong trào Đông du, với bác sĩ Asaba Sakitaro của Nhật Bản hơn 100 năm trước.

Với vở diễn này, Đoàn kịch CAND đã không chỉ góp thêm một viên gạch vào gìn giữ, xây đắp tình hữu nghị giữa 2 nước, mà còn tạo cơ hội để các nghệ sĩ trong đoàn được giao lưu, học hỏi, khi “Đông du” đã được mang sang Nhật Bản biểu diễn vào những ngày cuối cùng của năm 2014, đánh dấu một bước ngoặt đáng kể khi là lần đầu tiên, sân khấu kịch nói lực lượng CAND “mang chuông đi đánh nước người”.

Ở mảng đề tài nào, Đoàn kịch CAND cũng tạo được dấu ấn, tiếp tục khẳng định thương hiệu của một đoàn kịch đã có bề dày hoạt động, với nhiều nghệ sĩ tên tuổi, khi có tới 30% diễn viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và hầu hết các diễn viên gạo cội của Đoàn đều được mời tham gia đóng phim điện ảnh, truyền hình. Chính những vở diễn có sức nặng này, mà tên tuổi nhiều nghệ sĩ tiếp tục được nâng tầm: NSƯT Nguyễn Hải, NSƯT Hoàng Lan, NSƯT Thúy Hiền, NSƯT Thế Bình, Hồng Quân, Hồng Tuấn, Hồ Phong vv…và nhiều diễn viên trẻ có cơ hội thử thách.

Hy vọng, năm mới, sức bật mới và sáng tạo mới sẽ tiếp tục đến với các nghệ sĩ –chiến sĩ của Đoàn Kịch CAND.

Thanh Hằng
.
.
.