Lên rừng uống rượu… ịch

Thứ Ba, 17/02/2015, 11:31

Chỉ khi năm hết Tết đến, khi rừng núi Mã Đà ngập sắc xanh, người Chơro mới đãi nhau men rượu lạ kỳ có tên gọi oái oăm đó. Nó khác xa thứ rượu cần được uống thường ngày có “xuất thân” từ khoai mì, lúa rẫy.


Rượu ịch, theo các bà, các chị người Chơro là thứ rượu thiêng dùng để tế thần linh nên được “bào chế” với công thức đặc biệt từ hàng chục loại lá, rễ rừng cùng tổ chim se sẻ và bao tử nhím. Nói như già làng Điểu Bích gần 80 tuổi thì rượu ịch là tinh chất của núi rừng, nên ai uống một lần đều ngất ngây, uống một lần mà… nhớ mãi!

1. Đã từng đi qua nhiều buôn làng của các tộc người ở vùng rừng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên như làng của người S’tiêng, người Mạ, người Ê-đê, Bahna, M’nông, K’ho, Brâu, Ca Dong... và nếm hương rượu cần của các tộc người này, nhưng nếu nói về quy trình làm men rượu kỳ công nhất, đó chỉ có thể là người Chơro. Để làm nên men rượu ịch, già làng Năm Nổi (ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết phải dùng đến 37 loại vỏ, rễ, thân, củ, lá của các loại cây rừng có vị thuốc.

Vợ chồng già làng Tơ Tơ với bình rượu ịch cúng Nhang (thần linh) sau quá trình làm men ủ rượu. Ảnh: Bảo tàng Đồng Nai.

Việc vào rừng kiếm tìm đủ các loại cây lá rễ rừng như thế đòi hỏi gia chủ phải mất hàng tháng trời, có khi cả năm. Và không chỉ dừng lại ở việc tiêu tốn nhiều thời gian, trong men rượu ịch còn thấm đẫm công sức của người ủ rượu bởi theo như bà Hồng Thị Lịch (vợ già làng Năm Nổi), có những loại lá rừng, củ rừng chỉ có thể tìm thấy vào mùa mưa, mùa xuân hay khi rừng vào mùa lá rụng...

Đây không phải là lần đầu tiên tôi được vợ chồng già làng Năm Nổi cùng những bậc cao niên người Chơro ở Lý Lịch mời rượu ịch, cũng như kể cho nghe về sự kỳ công trong việc ủ thứ rượu linh thiêng này. Hơn 1 năm trước, tôi đã đến Lý Lịch và trước đó nữa, tôi đã nhiều lần đến Lý Lịch nhưng cả thảy các chuyến đi đều thời gian eo hẹp, có khi gặp được già Năm nhưng lại không gặp được vợ ông-bà Hồng Thị Lịch, người ủ rượu tài nhất trong cộng đồng người Chơro, nên tôi không có dịp tìm hiểu cặn kẽ danh mục của các loại cây lá rễ rừng ủ nên men rượu ịch huyền hoặc.

“Muốn ủ rượu phải nhiều lần đi rừng, vào thật sâu mới tìm thấy cây thuốc mình cần tìm. Khó tìm nhất là cây sơkna (rễ cây sâm), sơ tăng lêr (rễ cây sâm cau), sơ kơ nanh (vỏ cây ô dước)...” – bà Hồng Thị Lịch, trò chuyện.

Để có thể ghi lại được các vị cây lá rễ rừng có vị thuốc làm nên rượu ịch, không như những lần trước vội đến vội đi, lần này tôi ngồi hàng giờ để ghi chép lại tên từng loại cây rừng làm nên men huyền hoặc này. Bên con suối Sa Mách tuôn chảy giữa rừng già, mấy khi có người thị thành tìm đến buôn làng hỏi chuyện làm nên men rượu đại ngàn nên vợ chồng già Năm, sung sướng lắm, ông bà thay nhau liệt kê các vị thuốc tinh hoa của núi rừng Mã Đà: “Có sơlango (lá cây cơm rượu), sơtrautraugu (vỏ cây trai đồi), sơtrautrauđa (vỏ cây trai nước)... Vỏ cây làm rượu còn có áchloọc, sơcanhtúp (vỏ cây gan), sơ-ơn-rô (vỏ cây bai thưa), sơmoaruộn (vỏ cây bồ nâu), sơ-la-sơ-mun (vỏ cây lá dẻ)... bà Hồng Thị Lịch, trò chuyện.

2. Theo phân loại của vợ chồng già làng Năm Nổi - Hồng Thị Lịch, nếu phân chia thành nhóm lá, rễ, cỏ và vỏ cây thì men rượu ịch nên hình hài từ 12 loại vỏ cây, 9 loại lá, 3 loại củ, 5 loại rễ cây rừng có vị thuốc. Số vị còn lại là các loại cây thuốc thân dây như pa-pân, xe-kăm-moa (dây chìa vôi), sơ-xe-pink (thân dây rắn bay)... Trong danh mục 37 loại lá cây rễ rừng kia, tôi thấy có nhiều vị thuốc Nam quen thuộc như rễ sâm cau (sơ-kna), sơlango (lá cây cơm rượu), sơtăm (vỏ cây mật nhân), xecampoa (dây tơ hồng), xe puýt hau sơ (dây trầu bà)....

Một số loại cây thuốc được dùng làm men rượu ịch (ảnh Bảo tàng Đồng Nai).

“Sâm cau còn gọi ngải cau được dùng làm thuốc bổ, ngoài ra còn dùng chữa ho, vàng da, trĩ, đau bụng, lậu hay giã nát đắp lên nơi ghẻ lở. Kỳ thực thảo dược này thuộc họ thủy tiên, vì dùng thấy bổ nên các cụ lương y xưa gọi là sâm,  và vì lá giống lá cau nên được gọi sâm cau” – chị Bùi Tô Phương Thảo-học viên Trường Y học cổ truyền Lê Hữu Trác tại TP Hồ Chí Minh, giải thích.

Tốt nghiệp đại học nông lâm với chuyên ngành Kỹ sư nông lâm nhưng vì đam mê cây thuốc Việt nên kỹ sư Thảo chuyển ngành, lập hẳn một khu vườn chuyên trồng lưu giống các giống sâm quý có mặt trên lãnh thổ Việt Nam tại Dĩ An, Bình Dương. Nhờ đó chị có nhiều kiến thức về các loại biệt dược núi rừng.

Cùng với sâm cau, kỹ sư Thảo cho biết cây cơm rượu nằm trong danh mục 37 loại lá cây rễ rừng làm rượu ịch của người Chơro còn có tên gọi khác là bưởi bung, là thảo dược được y văn ghi nhận giúp tiêu hóa, phục hồi sức khỏe của phụ nữ sau khi sinh nở: “Vỏ cây bá bệnh dùng chữa những trường hợp ăn uống không tiêu, đau mỏi lưng. Dây tơ hồng là vị thuốc bổ chữa bệnh di tinh, liệt dương, đau lưng, tai ù, mỏi gối... Lá trầu không nhiều tinh dầu được y học cổ truyền và hiện đại dùng rửa những vết lở loét, mẩn ngứa, chữa bệnh chàm mặt của trẻ em.... rất hiệu nghiệm” – dược sĩ Trương Phúc Trinh (Nhà thuốc Cúc – quận Tân Bình), cho biết.

Điểm sơ qua công dụng một vài vị thuốc trong danh mục gần 40 loại lá cây rễ rừng được người Chơro ủ rượu ịch, mới thấy tộc người ở miền thâm sơn này quả là rất tinh tường khi biết kết hợp các cây thuốc, vị thuốc với nhiều công dụng khác nhau thành bài thuốc quý để ủ rượu. Sau này khi được tôi chia sẻ về các cây thuốc được người Chơro dùng làm men rượu ịch kể trên, lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh, đã nhìn nhận rằng phần lớn các vị thuốc kể trên đều là thuốc bổ, có tác dụng tốt cho sức khỏe người sử dụng.     

3. Bên con suối Sa Mách vẫn lặng lờ tuôn chảy, trong không gian tươi tắn của núi rừng vào xuân, bên con cá lăng bắt ở suối nướng lửa hồng thơm lựng, bên gói canh lá bép nướng ngọt ngây (thứ lá mà theo người S’tiêng là món khoái khẩu của loài tê giác”... nhiệt tình và hào sảng, không chỉ khoản đãi khách các bí quyết ủ nên men rượu ịch mà vợ chồng già Năm Nổi cùng những bậc cao niên còn khoản đãi khách những món ăn đặc trưng, mang phong vị tuyệt hảo của tộc người mình: “Nói là vào rừng tìm cây tìm lá nhưng mình không thể nào tìm được hết. Một số vị thuốc như sơmoaruộn (vỏ cây bồ nâu), sơ caukho (rễ cây bông chang), kô-chây-nhí... mình chỉ tìm thấy ở tổ con chim sẻ thôi” – già làng Dương Văn Dương, góp chuyện. Rồi ông cho biết, cùng với tổ của loài chim sẻ, men rượu ịch của người Chơro không thể thiếu cái bao tử của loài nhím!

“Con nhím nó ăn các loại rễ cây có vị thuốc. Nên bao tử nó cũng có vị thuốc. Men làm từ bao tử nhím đem phơi khô, giã thành bột làm men ủ rượu tốt lắm, bổ lắm”, già Dương, bộc bạch.

Người Chơro chỉ biết bao tử nhím bổ, tốt, có ích cho dạ dày nhưng cụ thể ra sao thì bà con... không lý luận được như các thầy thuốc Đông y. Nhân thể tôi xem tài liệu của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi, cuốn dược điển Các cây thuốc vị thuốc Việt Nam, tìm hiểu thêm về dược năng của bao tử loài nhím. Theo đó, thịt, lông và dạ dày nhím đều có thể sử dụng làm thuốc. Dạ dày nhím tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, dùng chữa chứng hoàng đản (vàng da), thủy thũng (phù), đau dạ dày...

Cố GS-TS Đỗ Tất Lợi ghi lại kinh nghiệm dân gian chữa đau dạ dày bằng dạ dày nhím, như sau: “Dùng toàn bộ dạ dày với cả thức ăn chứa bên trong phơi hay sao khô, tán nhỏ, mỗi ngày uống 10g với nước cơm vào lúc bụng đói... Một số người dùng bột dạ dày nhím và bột nghệ đen, hai thứ lượng bằng nhau, trộn với mật ong, uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê, sáng và chiều trước khi ăn”.

Được ủ từ hàng chục loài thảo dược quý hiếm ở rừng già nên từng giọt trong men rượu ịch của người Chơro là từng giọt tinh túy đậm đà, bổ dưỡng đến vô ngần. Già làng Tơ Tơ tâm tình uống rượu ịch muốn đắm đuối, muốn cảm nhận được trọn vẹn hương rừng hương núi, tình đất tình người thì phải uống tại quê hương của nó, uống với chủ nhân núi rừng làm nên nó… mới thấu cái chất, cái hồn của men rượu quý này. Chứ khi mang rượu ịch về phố thì cũng dư vị nồng nàn ấy nhưng giờ sao nhàn nhạt, chẳng mấy hứng thú gì. 

Nhân dịp xuân mới, đến rừng thiêng Mã Đà đối tửu với người Choro, chúng tôi đã hàm nhận được những cảm giác hân hoan. Nếu được say 1 lần nữa, say giữa rừng, say bên ánh lửa bập bùng trong màn đêm se lạnh, say trong tiếng ma la (nhạc khí bằng đồng không có núm, tựa cồng chiêng Tây Nguyên) gọi sông gọi núi với những gương mặt chàng trai, cô gái, người già Chơro hào sảng, tôi sẽ không ngần ngại say.

Núi rừng khắp Bắc-Trung-Nam tôi đi đã nhiều, đã đối ẩm, đối tửu với những chủ nhân vùng núi rừng mà mình đặt chân đến nhưng chưa khi nào những cảm giác ngất ngây, vi diệu lại dạt dào như khi đến với núi rừng Mã Đà của người Chơro. Có lẽ bởi lâu lắm rồi tôi mới có dịp uống rượu giữa rừng. Mà cũng có lẽ vì tôi say nhan sắc đằm thắm của cô gái Chơro, say những điệu nhảy tràn đầy sức sống của người làng và say vì những tinh hoa trong từng ché rượu ịch như hội tụ cả thảy tinh túy của núi rừng, sông nước…

N.Thành Dũng
.
.
.