Sống không nhằm vinh hoa

Chủ Nhật, 20/12/2009, 16:08
Hãng tin Nga RIA Novosti ngày 17/1/2009 đưa tin: lễ khai trương bức tượng đồng nhà thơ Boris Pasternak (được trao giải Nobel văn chương năm 1958 nhưng đã từ chối nhận) sẽ bị hoãn vô thời hạn vì chưa tìm ra được nguồn kinh phí. Đọc tin này, những ai yêu thơ và cuốn tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago" với nàng Lara bất tử có thể sẽ buồn.

Thế nhưng, với cá nhân tôi, người từng đọc rất nhiều thơ Pasternak và cũng đã mạo muội dịch một số tác phẩm của ông ra tiếng Việt, lại trộm nghĩ, trong cái rủi có cái may, nói cho cùng, với một thi nhân vĩ đại như Pasternak, "Đích sáng tạo - được tận cùng dâng hiến, chứ phải đâu nhằm thành đạt, vinh hoa…"

Trước đây đã có dự định vào năm 2010 sẽ đặt tại tượng Pasternak ở cạnh ngôi nhà 14 trên phố Volkhonka. Tuy nhiên trong dự chi ngân sách của thành phố năm 2010 đã không ghi khoản tiền nào dành cho công việc này.

Theo đại diện của tòa thị chính Moskva, quyết định hoãn thi công tượng nhà thơ do chính ông Thị trưởng Yuri Luzhkov vừa đưa ra. Theo ông, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính thế này, cần những chuyện thiết thân hơn, chứ còn việc dựng tượng nhà thơ thì có thể để sau… Còn quyết định đặt tượng đồng Pasternak do Hội đồng thành phố Moskva thông qua từ tháng 5/2007.

Gia đình Pasternak đã sống một số năm trong ngôi nhà số 14 trên phố Volkhonka. Hiện đây là Viện Bảo tàng Mỹ thuật mang tên Puskin. Ngay từ năm 2006, Hội đồng thành phố Moskva đã đồng ý chấp nhận mẫu tượng đặt ở đây do hai nhà tạc tượng Daniel Mitlyansky và Zakhar Karamian thiết kế. Tuy nhiên, từ đó đến nay không có thông tin gì thêm về dự án này. Hiện nay, ở khắp nước Nga chỉ có một tượng Pasternak ở thành phố Perm, được khánh thành vào tháng 6/2009…

Theo dõi những đoạn đường đời của Boris Pasternak, có thể thấy ông là một trí thức luôn tận tụy với văn học và tổ quốc. Ông sinh năm 1890 trong một gia đình Xôviết gốc Do Thái nổi tiếng ở Moskva. Cha ông là viện sĩ hội họa, giảng viên tại trường hội họa, nặn tượng và kiến trúc, chuyên vẽ chân dung và từng vẽ chân dung nhiều nhân vật nổi tiếng thời đấy, trong đó có cả văn hào Liev Tolstoi… Mẹ của nhà thơ tương lai là một nghệ sĩ dương cầm cũng rất lừng danh, nhưng sau khi "xuất giá tòng phu" đã từ bỏ nghiệp diễn để tập trung chăm lo cho con cái.

Boris Pasternak lớn lên trong không khí thượng lưu trí thức và nghệ thuật của nước Nga đương thời nên sớm thấm nhuần những tư tưởng chân thiện mỹ đích thực. Được truyền thụ những kiến thức âm nhạc rất căn bản nhưng nhà thơ tương lai đã không chọn con đường làm nhà nghiên cứu âm nhạc mà đi sâu vào tìm hiểu triết học, tôn giáo, rồi cuối cùng đã tới với thiên chức thi sĩ bẩm sinh của mình.

Tuy nhiên, những tác phẩm đầu tay như những bài thơ đầu tiên của ông in năm 1913 trong tập thơ chung của nhóm "Trữ tình" hay cuốn sách thơ đầu tay "Huynh đệ tinh vân" (cũng được xuất bản vào cuối năm đó, dù ghi trên bìa là năm 1914) đã bị chính ông coi là còn non kém. Dẫu vậy, sau khi tập "Huynh đệ tinh vân" được xuất bản, Pastenak đã tự coi mình là một nhà thơ chuyên nghiệp.

Tới năm 1928, một nửa bài thơ "Huynh đệ tinh vân" và ba bài thơ khác lấy từ tập "Trữ tình", đã được Pasternak sửa chữa rất kỹ và cho in lại… Năm 1916, Pasternak cho in tập "Vượt trên rào cản".  Không muốn tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất trong màu áo lính Sa hoàng, Pasternak đã về Ural ở ẩn, gần thành phố Perm (thành phố này được coi là nguyên mẫu cho thành phố Yuriatin trong tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago").

Từ Ural trở về lại Moskva năm 1917, Pasternak đã thiết lập lại các mối quan hệ với những đại diện nổi bật nhất của trường phái thơ ấn tượng và vị lai, làm quen với Vladimir Maiakovsky, người về sau vừa là bạn, vừa là đối thủ văn học của ông. Tập thơ "Cuộc đời người chị em của tôi", xuất bản vào năm 1922 cũng như tập "Chủ đề và biến tấu" (1923) đã đưa Pasternak lên vị trí một trong những thi sĩ hàng đầu của nước Nga Xôviết đương thời. Nữ sĩ Marina Tsvetayeva, một người cực kỳ hâm mộ Pasternak, đã gọi thơ của ông là "cơn mưa rào ánh sáng", "Luồng gió thổi xuyên lòng", "Lời giải mật"…

Mặc dầu cha mẹ Pasternak cùng các cô con gái năm 1921 đã di cư sang Đức, khi Hitler lên cầm quyền ở đó, đã sang Anh, nhưng Boris Pasternak cùng em trai, Aleksandr Pasternak, vẫn ở lại Moskva…

Trong những năm 20 của thế kỷ trước, Pasternak đã viết hai trường ca lịch sử cách mạng "Năm 905" (1925...1926) và "Trung uý Shmidt" (1926...1927), được các nhà phê bình đón nhận tích cực. Năm 1934, tại đại hội đầu tiên của các nhà văn Xôviết, Pasternak được đánh giá như một nhà thơ chủ đạo đương thời. Tuy nhiên, là một thi sĩ đích thực, Pasternak đã xử sự khá thẳng thắn, không lảng tránh những mâu thuẫn xã hội nên cũng gặp những khó khăn nhất định trong cuộc sống.

Cũng như nhiều thi nhân khác, Pasternak đã không chỉ "một lần đò": người vợ đầu của ông, nữ họa sĩ Yevguenia Lurie, lấy ông sau khi cha mẹ ông đi nước ngoài không lâu; hai người đã có chung một người con trai. Năm 1931, Pasternak li dị người vợ đầu và cưới bà Zianida Neygauz và có thêm một người con trai nữa. Sau này, Pasternak còn phải lòng không chỉ một người phụ nữ và tất cả họ đều để lại trong sáng tạo của ông những dấu ấn không thể mờ phai.

Trong những giai đoạn khó in thơ sáng tác, Pasternak, vốn thông thạo không chỉ một ngoại ngữ, đã rất tích cực dịch các tác phẩm văn học nước ngoài ra tiếng Nga, đặc biệt là các tác giả cổ điển trong nền thi ca Anh, Đức, Pháp… Những bản dịch bi kịch William Shakespeare mà ông đã thực hiện được đánh giá là tuyệt vời nhất trong tiếng Nga.

Khi chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bùng nổ, Pasternak, như một người ái quốc chân chính, đã nhiều lần viết đơn tình nguyện xin đi làm phóng viên chiến trường. Năm 1943, sau 8 năm không xuất bản thơ mới, Pasternak đã có tập "Trong những chuyến đi sớm", vừa in ra đã được mua hết rất nhanh. Năm 1945, ông cho xuất bản  thêm một tập thơ mới "Khoảng rộng đất đai". Những bài thơ cũ của ông cũng được tái bản vào năm 1946…

Cũng trong những năm 40, Pasternak đã bắt tay vào việc thu thập tư liệu và viết một trong những bộ sách chính yếu của đời mình, tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago". Chính tiểu thuyết này về sau đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại cho ông giải Nobel văn chương. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chính trị xã hội đương thời, Pasternak đã từ chối nhận giải thưởng này… "Bác sĩ Zhivago" được in lần đầu ở Milan (Italia) năm 1957 bằng tiếng Italia. Tới cuối năm 1958 đã được dịch ngay ra 18 thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh… Đạo diễn người Anh Davi Lean đã chuyển thể tiểu thuyết này thành phim năm 1965…

Gần như suốt cả cuộc đời, Pasternak đã sống ở làng Peredelkino gần Moskva, trong khu trang trại dành chủ yếu cho các văn nghệ sĩ tên tuổi của Liên Xô cũ. Trong một lá thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia, Pasternak viết: "Rời khỏi tổ quốc với tôi như là chết. Tôi gắn bó với nước Nga bằng sự sinh ra, cuộc sống và công việc". Năm 1960, Pasternak qua đời vì bệnh ung thư phổi… Những năm cuối đời, ông sống gần như khép kín ở Peredelkino, không màng tới bất cứ chuyện gì ngoài văn học...

Boris Pasternak (1890-1960)

(Bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga
của Hồng Thanh Quang)

    Hay ho gì, nếu như cồn, tiếng nổi

Hay ho gì, nếu như cồn, tiếng nổi.
Đâu có nhờ vậy hóa thanh cao.
Đừng chăm chăm gây dựng tuổi tên.
Hãy lao tâm khổ tứ cùng bản thảo

Đích sáng tạo - được tận cùng dâng hiến,
Chứ phải đâu nhằm thành đạt, vinh hoa.
Thật xấu hổ, nếu chẳng là chi cả
Mà mọi người đều gọi rành tên

Cần phải sống không khoe khoang hợm hĩnh,
Sống làm sao để thực sự sau này,
Hút tình yêu không gian về lại
Và nghe thấu được tiếng tương lai.

Và phải để chỗ trống trong số phận
Chứ đừng để trống những trang thơ,
Và đánh dấu bên lề tất cả
Những chương đời, những khúc quanh co.

Và ẩn náu giữa chốn không tăm tiếng
Giấu vào trong đó bước mình đi,
Như mặt đất trong sương chìm khuất
Gắng săm soi cũng chẳng thấy gì.

Theo dấu vết hãy còn hôi hổi
Những người sau sẽ lặp lại đường ta.
Nhưng riêng bạn, chuyện thành công, thất bại,
Chẳng cần quá cân nhắc, so đo.

Và không được một ly rời bỏ
Gương mặt mình luôn thực giống mình thôi.
Phải sống động, luôn luôn sống động,
Sống động luôn luôn, tới cạn cuộc đời…

1956

.
.
.