Những cuốn sách mang đến sự cân bằng

Thứ Năm, 04/12/2014, 16:46
Ngày 4/12, tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo: “Tove Jansson và Thế giới Mumi” nhân kỉ niệm 100 năm sinh của nhà văn, họa sĩ người Phần Lan Tove Jansson (1914 – 2014).

Chương trình có sự tham gia của Ngài Kimmo Lahdevirta - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam, nhà văn Vũ Quần Phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đại diện Hội Nhà văn, TS Bùi Việt Hoa – người hiệu đính bộ truyện Mumi và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, độc giả... quan tâm tới văn học thiếu nhi.

Tove Jansson là nhà văn Phần Lan có tác phẩm được dịch ra 44 ngôn ngữ trên thế giới. Bà vừa là nhà văn, vừa là họa sĩ, trong cả sự nghiệp của mình, bà đã nhận được hơn 50 giải thưởng, trong đó có giải thưởng Hans Christian Andersen (1966) - được ví như Giải Nobel cho Văn học thiếu nhi. Tove Jansson là tác giả của 10 tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn, một số kịch bản phim, sân khấu và lời bài hát. Bộ truyện về nhân vật Mumi mà bà tạo ra nổi tiếng và được nhiều người biết hơn cả.

Mumi là tên gọi chung của các nhân vật chính trong bộ truyện dài (9 tập) và truyện tranh (5 tập) do Tove Jansson sáng tạo nên, mang dấu ấn sâu đậm của những chú lùn Mumi trong thần thoại xứ Scandinavia mà bà được nghe kể từ thời thơ ấu.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã chia sẻ: “Một cốt truyện giản dị nhưng được phép tung hoành biến hóa. Mumi không phải bận tâm nhiều về nhu cầu vật chất, Khát vọng, mơ ước của họ là nhu cầu tinh thần. Ấy là không gian hòa bình, là nếp sống, hòa hợp cộng đồng nhưng lại tôn trọng sự cô đơn… Khát khao đi tìm những chân trời mới nhưng lại khát khao hơn là tìm những quan điểm mới để nhìn chân trời. Nhân vật phi thường, phi thực, cho nên ngôi nhà có thể biến thành rừng cây để người gặp quỷ. Phù thủy có thể ngồi uống cà phê và  chuyện vãn lành hiền về cuộc sống. Quỷ cũng biết nghe lẽ phải và đồng hành lương thiện với người. Với Tove Jansson, không có cái gì là không thể. Đó cũng là cốt cách tư duy của thời đại chúng ta”.

PV
.
.
.