Nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng: Vắt kiệt mình cho những trang văn

Chủ Nhật, 25/07/2021, 07:10
Tin nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng từ biệt cõi trần vào 23h05 phút, ngày 22/7 trong những ngày cả nước gắng gỏi phòng, chống đại dịch COVID-19, dẫu không phải đột ngột, bàng hoàng đối với một nhà văn vào tuổi thọ 94, lại nằm suốt 11 năm trên giường bệnh, nhưng tin buồn về ông nhanh như điện, ào ạt nỗi tiếc thương trên báo chí, sóng truyền hình cả nước và cả trên mạng xã hội.


Điều đó cho chúng ta thấy nhân cách và  tầm vóc của ông đã lay động không chỉ trong giới văn chương, báo chí mà chạm yêu thương, kính trọng đến trái tim của nhiều bạn đọc cả nước và bè bạn quốc tế!

Nhà văn Sơn Tùng sinh ngày 8/8/1928 tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong vòng nô lệ của thực dân Pháp, nhà nghèo khó, bản thân ông ngay từ 9, 10 tuổi đã phải đi ở cho nhà giàu. Nhưng ngay từ những ngày đi ở thuê ấy, Sơn Tùng đã thể hiện một chí khí, một thanh danh làm người: Ông  vừa làm thuê, vừa tự học để biết chữ Hán, tiếng Pháp với ý thức vươn lên khiến gia đình chủ nhà phải nể trọng.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội từng theo nghĩa quân quan Nghè Nguyễn Xuân Ôn chống Pháp, em ông nội là cụ Tú Bùi Xuân Phong khi cuộc kháng chiến Cần Vương thất bại thì bí mật ra Yên Thế dâng kế sách theo Hoàng Hoa Thám. Bố ông là cụ Bùi Phú - người sáng lập chi bộ Đảng tại làng Kim năm 1930, mẹ bí mật nuôi giấu cán bộ hoạt động năm 1930-1931.

Nhà văn Sơn Tùng (đứng giữa) trong lần đến thăm gia đình tác giả bài báo tại Hà Nội.

Vì thế, Sơn Tùng đã sớm đến với cách mạng là điều hiển nhiên. Vốn biết chữ từ bé, ông học “nhảy cóc” để khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công thì xung phong đi dạy bình dân học vụ. Ông tham gia đoàn Thanh niên cứu quốc để hướng tới Đảng như cây tùng, cây bách hướng về phía mặt trời. Vì thế, năm 1948 tròn 20 tuổi, Sơn Tùng đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Rồi lần lượt bảy anh em ruột của Sơn Tùng đều là những đảng viên ưu tú, trong đó có một người em ông hi sinh ở chiến trường.

Điều đó thật đáng trân trọng biết bao, vì hơn lúc nào hết, lúc khó khăn nhất, Đảng ta cần những con người yêu nước, đi trên tuyến đầu, nhất là gia đình Sơn Tùng lại ở một làng chài ven biển. Tâm nguyện của Sơn Tùng là vào Đảng để được gương mẫu đi đầu, sẵn sàng hi sinh cho đất nước, cho dân tộc, cho lý tưởng của Đảng. Và cuộc đời ông là một minh chứng hùng hồn nhất cho sự gắn bó thủy chung, sự tận hiến của một nhà văn Việt Nam với Đảng ta vì lợi ích cao nhất của đất nước, dân tộc.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và tác giả thăm gia đình nhà văn Sơn Tùng (Hà Nội, 17/7/2011).    Ảnh: Duy Hiển.

Có thể nói, như một lời thề với Đảng, nhà văn Sơn Tùng đã luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nơi cần những con người ưu tú nhất, dám chấp nhận hi sinh nhất. Năm 1949, lúc thực dân Pháp  và bọn phản động lôi kéo, kích động thanh niên công giáo đi lính cho chúng, Đảng cử ông ra huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An để bí mật vận động phong trào.

Một điều may mắn là 10 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sơn Tùng đã được gặp nhiều yếu nhân lịch sử của quê nhà. Và điều may mắn nhất Sơn Tùng được gặp và làm quen với cụ Nguyễn Thị Thanh, cụ Nguyễn Sinh Khiêm, chị và anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ có mối thân tình này mà Sơn Tùng sớm ý thức được việc ghi chép về lai lịch thời thơ ấu của Bác Hồ, phục vụ cho việc sáng tác văn chương sau này của ông về đề tài Hồ Chí Minh.

Lúc Đảng cần ông đi học, đi dạy ở Trường Đại học nhân dân, dạy Trường Tuyên huấn Trung ương, ông được điều ra Hà Nội năm 1954. Năm 1955, lúc cần một cán bộ tuyên huấn cho đội thanh niên xung phong ở Phú Thọ hay cần một Chính trị viên Đoàn văn công đi dự Đại hội Thanh niên sinh viên Thế giới lần thứ V tại Ba Lan, Sơn Tùng như con chim gắng gỏi bay lên nhận nhiệm vụ mới. Lúc cần một nhà báo, ông lại về làm phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, phóng viên Báo Tiền Phong.

Lúc cần một nhà báo xông pha nơi tuyến lửa Khu 4, Đảng cử ông vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình - nơi tuyến đầu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Lúc cần một nhà báo chiến sỹ đi chiến trường Nam Bộ, Đảng cử ông làm Phó đoàn cán bộ Báo Tiền Phong vượt Trường Sơn vào tận B2 thành lập Báo Thanh niên giải phóng. Ở chiến trường, nhà văn Sơn Tùng thực sự trở thành nhà báo - chiến sỹ, trực tiếp cầm súng và cầm bút, dũng cảm, mưu trí chiến đấu với kẻ thù để sáng tạo cổ vũ người lính. Bài báo, trang văn của ông lúc này đã nóng lên từng ngày vì ám khói súng chiến trường.

Ngày 15/4/1971, trong một trận càn của Mỹ vào căn cứ, ông bị thương nặng liệt tay phải, vỡ tay trái, ba mảnh đạn găm vào sọ não đến nay không mổ lấy ra được, mắt phải chỉ còn 1/10. Ông là Bí thư chi bộ, ông bảo vệ che chở cho anh em, là người cuối cùng vào hầm thì bị đạn của địch bắn trọng thương, mất 81% sức khỏe.

Người moi hầm để cứu và cõng Sơn Tùng lúc đó là đồng đội Sáu Phong, sau này là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Và lần này, trang văn của ông không chỉ khét mùi thuốc súng mà thấm máu đỏ của ông và đồng đội. Bây giờ, chúng ta sống, đang viết văn trong hòa bình, càng hiểu và ngàn lần cám ơn những nhà văn như Sơn Tùng, những chiến sỹ như Sơn Tùng đã dấn thân và cho chúng ta những bài học lớn!

Sau khi được đồng đội cáng vượt ngược Trường Sơn ra miền Bắc chữa chạy vết thương, nhà văn Sơn Tùng bước vào cuộc chiến đấu mới để giành giật sự sống ít ỏi. Trở thành thương binh với hạng thương tật cao nhất, ông được Báo Tiền phong cho nghỉ hưu và từ đây một mình ông bước vào cuộc chiến đấu sinh tử. Kẻ thù của ông là  3 mảnh đạn M79 của Mỹ luôn cựa quậy trong đầu, là những cơn co giật, là bàn tay phải không cầm được bút viết. Kẻ thù của ông  là những cơn co giật hàng đêm, đe dọa cắt đứt ước mơ được viết văn, được sáng tạo văn chương.

Lại thêm một kẻ thù vô hình nữa là đồng lương hưu ít ỏi, nhà cửa tạm bợ, suốt đời sống trong căn hộ chật chội, cũ kỵ, không có công trình phụ, không bàn ghế tiếp khách. Thế nhưng, người thương binh Sơn Tùng với sự chăm sóc tận tình của người vợ thảo hiền Phan Hồng Mai đã vươn lên, chấp nhận một cuộc chạy đua không cân sức. Sơn Tùng chạy đua với thương tật để giành giật những trang văn.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao đổi với tác giả (người đứng) trong lần đến thăm gia đình nhà văn Sơn Tùng (Hà Nội, 17/7/2011).    Ảnh: Duy Hiển

Không thể tưởng tượng nổi từ năm 1975 đến năm nhà văn bị ngã bệnh tai biến 2011, Sơn Tùng đã cho xuất bản gần 30 cuốn sách dày dặn, có giá trị thẩm mỹ cao, được bạn đọc trong cả nước yêu mến đón nhận. Đặc biệt là trong đó có hơn một nửa tác phẩm là những sáng tạo về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ vĩ đại của chúng ta cùng gia đình như huyền thoại của Người và các lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng.

Tiểu thuyết Búp Sen Xanh viết về thời thơ ấu của Bác Hồ, riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã 30 lần tái bản, tức là đã có mấy thế hệ, đã có biết bao bạn đọc, cả nhỏ tuổi, cả lớn tuổi đã đọc sách và học tập noi gương Bác để thành công dân tử tế, rèn luyện trở thành cán bộ ưu tú của Đảng. Trong hơn 500 lần nhà văn thương binh nén đau bấm chân đứng trên bục để thuyết trình, nói chuyện về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, có biết bao nhiêu người đã học tập và làm theo tư tưởng của Người để góp tâm sức xây dựng non sông nước Việt.

Văn chương như những tia nắng nhỏ lan tỏa ánh sáng, vẻ đẹp chân-thiện-mỹ đến với trái tim, tâm hồn con người. Người tốt sẽ như những giọt nước trong ngàn con suối nhỏ đổ về biển cả. Nhưng có một điều chắc chắn là tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng bao nhiêu lần tái bản sẽ tỷ lệ thuận với cấp số nhân bấy nhiêu bạn đọc tử tế dẫu chỉ một lần vô tình đến với trang văn của ông. Đó là một vinh hạnh to lớn, là niềm tự hào của nhà văn Sơn Tùng dù ông hẳn chưa bao giờ nghĩ đến.

Trong sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý thức sưu tầm, đối chiếu nghiêm cẩn, nhà văn Sơn Tùng là người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, về quê hương, về tuổi thơ và những mối quan hệ của Hồ Chí Minh thời trẻ. Chính vì thế, năm 2011, khi nhà văn Sơn Tùng được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đồng chí Sáu Phong - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến Hội nhà văn để trực tiếp trang trọng trao danh hiệu cao quý này cho ông, tất cả các nhà văn Việt Nam đều vui mừng, đều tự hào về ông. Và quan trọng hơn là ngẫm từ cuộc đời lao động văn chương của ông, từ cuộc chiến đấu liên tục của ông cả trong chiến tranh lẫn thời bình đã cho chúng ta những bài học đạo đức vô giá!

Hơn 11 năm nằm dưỡng bệnh tại gia, thình thoảng tôi ghé thăm ông thấy ông vẫn lắng tai nghe những âm thanh từ cuộc sống, vẫn thể hiện niềm động viên vợ con, người thân đến thăm qua ánh mắt và miệng cười, cái gật đầu nhè nhẹ, một tiếng “vâng” khi trả lời khách.

73 tuổi đảng, 94 tuổi đời, nhà văn Sơn Tùng vĩnh biệt cuộc sống này. Ông ra đi, đời văn còn dài lắm. Ông như cây tùng rụng lá vẫn dâng nhựa cho đời. Cuộc đời của nhà văn Sơn Tùng là một minh chứng hùng hồn nhất về ý thức trách nhiệm của một công dân trước vận mệnh đất nước; là danh dự tiên phong của một đảng viên trước Đảng; là khát vọng tận hiến của một nhà văn chân chính cho cuộc sống con người. Cao hơn đam mê, cao hơn say mê văn chương là trách nhiệm cao cả của một công dân trước đất nước, dân tộc của mình. Bởi ông luôn tâm niệm: “Đạo là gốc của văn”. Vì thế, có thể nói, Sơn Tùng đã vắt kiệt sức để cống hiến cho đời những trang văn sáng giá!

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái
.
.
.