Nhà thơ Bằng Việt nói về “tai nạn” trên báo

Chủ Nhật, 03/05/2009, 14:32
Nhà thơ Bằng Việt không muốn gặp nhà báo. Ông nói, "tai nạn" trên báo gây hiểu lầm và tổn thương cho ông rất nhiều. Nên ông không được khỏe và không muốn rối thêm nữa. Nhưng rồi, ông cũng quyết định chia sẻ những suy nghĩ thật của mình lần cuối cùng.

Và cuộc trò chuyện này vượt ra ngoài những ồn ào vừa qua, để nói về ông trong việc quản lý và sáng tác. Hơn hết thảy, đó là chuyện ứng xử của con người với con người trong đời sống văn học nghệ thuật. Ông chia sẻ:

- Một cuộc điện thoại và thành bài báo khiến tôi bị tổn thương ghê gớm. Tôi đang bị bệnh gout, rồi mới xong một trận cúm, giờ phải uống thuốc Bắc cho lại người. Bao nhiêu công việc cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bỗng dưng lại bị dính cái nạn này. Tôi 67 tuổi rồi, cũng lắm khi mệt mỏi. Tôi cũng nói một cách thành thật, là trong điều hành và quản lý hội, tôi cũng có những va đập với những anh em khác. Nhưng va đập đó là việc mà cơ quan nào cũng có.

Mới đây, Phạm Xuân Nguyên nói trên báo là tôi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều mình đã nói. Tôi thì không trách gì Nguyên cả. Nhưng tôi thấy buồn lắm. Vì anh em chỉ mới có chút chuyện đã nặng nề như thế, mà mình sống với nhau bao nhiêu năm không hiểu nhau sao? Tôi nói về những vấn đề khúc mắc của hội, nhưng tôi không nói bằng giọng điệu như trên báo. Nếu anh em hiểu nhau, sẽ hiểu đó không phải là giọng điệu phát ngôn của tôi.

Còn với anh Hồ Anh Thái, anh em va đập thường xuyên, nhưng thẳng thắn và vẫn rất trọng nhau. Đừng bắt chúng tôi nhìn nhau theo con mắt hằn học như vậy...

- Nhưng, hẳn là đã có những bất bình trong cách điều hành giữa ông và nhà văn Hồ Anh Thái, đến mức người ta hay đồn đại rằng, đó là "cuộc chiến bất phân thắng bại" giữa định hướng văn học đỉnh cao và văn học phong trào?

- Sự va đập của chúng tôi đúng là xuất phát từ chuyện quan điểm điều hành Hội Nhà văn Hà Nội. Nhưng chúng tôi có sự thẳng thắn quyết liệt. Và tôn trọng nhau tối đa. Cho nên mọi việc không có gì phải giấu giếm cả. Nên tôi nói với nhà báo là nói trên tinh thần đó chứ không phải là để nói về sự mất đoàn kết. Anh Thái là một người uyên bác và anh ấy muốn duy trì một Hội Nhà văn có mặt bằng chung rất cao. Nghĩa là hội viên phải là những người có tài và có tiếng. Nhiều người ở Hội Nhà văn Việt Nam muốn vào Hội Nhà văn Hà Nội cũng phải làm đơn và chờ cả năm mới được xét. Tôi và anh Thái có nói chuyện với nhau rất rõ ràng.

Cần hiểu rằng, Nhà nước đầu tư tiền cho các hội để tạo ra sân chơi và vườn ươm tài năng. Nghĩa là tôi muốn chủ trương Hội Nhà văn Hà Nội vừa có phong trào vừa có chuyên nghiệp. Vẫn cần có những tài năng lớn. Nhưng cũng cần phải có phong trào, để anh em tập hợp chia sẻ, động viên nhau. Chúng ta phải ươm nguồn như thế, chứ không chỉ đợi người ta thành công rồi mới kết nạp họ.

Sau những cuộc nói chuyện ấy, tôi và anh Thái đều có những thỏa hiệp. Tôi cũng điều chỉnh và cũng muốn các hội viên khi vào hội phải được xét duyệt kỹ càng hơn, nghiêm túc hơn và hạn chế hơn. Còn anh Thái, trước đây mỗi năm chỉ đồng ý kết nạp vài người thì nay đã nới rộng hơn một chút. Sự đồng thuận từ tranh cãi ấy tôi cho là một thái độ dân chủ và cần có trong sinh hoạt hội.

Đừng nghĩ tôi hay anh Thái sân si hay kênh kiệu. Tôi cũng không nói anh Thái tập hợp xung quanh mình những vây cánh. Sở dĩ giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội tạo được dư luận là bởi có sự khám phá và cả sự dũng cảm trong cách trao giải của họ. Anh Thái làm Chủ tịch Hội, nhưng anh Phạm Xuân Nguyên, chị Nguyễn Thị Thu Huệ cũng là những người cá tính mạnh, họ có chủ kiến, chứ anh Thái đâu thể ép họ được.

- Nhưng, cái khát vọng của nhà văn Hồ Anh Thái trong việc xây dựng một đội ngũ nhà văn Hà Nội chuyên nghiệp và có thực tài, là một khát vọng tốt đẹp chứ?

- Thì tốt đẹp. Nhưng nếu chúng ta cứ quá thiên về điều đó thì phong trào sẽ bị thui chột. Và hội lại thành một nơi chốn xa lạ, không ai dám ngó tới. Tôi muốn hội là một ngôi nhà cho mọi người. Còn nhà văn có chuyên nghiệp hay không là ở trang viết của họ. Và chúng ta đứng cạnh nhau thì không có nghĩa anh sẽ bé nhỏ như tôi. Đó chính là điều mà tôi đã trao đổi trực tiếp với anh Thái.

- Như ông nói, thì quả là công việc của một người làm quản lý văn học nghệ thuật giống như người vác bom, bất cứ khi nào cũng có thể tạo ra những quả nổ của dư luận về những quyết định của mình. Tập hợp những người cá tính mạnh như những nhà văn lớn, và làm cho họ tâm phục khẩu phục là điều không thể? Công việc này, đến lúc này, có quá sức với ông?

- Không ai có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng quả là làm quản lý văn nghệ có cái cực nhọc là luôn phải tiếp cận rất nhanh mọi luồng thông tin, để đưa ra những chính kiến và đường hướng cụ thể. Ví dụ, về những giải thưởng văn chương ở nước ngoài trao cho các nhà văn Việt Nam, thì đâu là giải thưởng uy tín, đâu là cái tầm phào? Hay như việc trao giải cho Nguyễn Huy Thiệp, thì cũng cần phải tính đến những cái tự nhiên chủ nghĩa trong phát ngôn của ông ấy. Hoặc, đâu đó trên mạng có đăng hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, đụng chạm đến nhiều người, mình cũng phải đọc và phải có chính kiến.

Bởi vì mình không thể nào thờ ơ với nhịp chảy của đời sống văn học. Phải có ăng ten thật nhạy để nắm bắt kịp thời thông tin và phải có bộ lọc thật tốt để thẩm định nó. Bởi những ý kiến của mình, một mặt nào đó chính là thái độ của mình trong việc điều hành và định ra hướng đi của hội mà mình quản lý. Mình phải nhận chân được những giá trị thật và những giá trị ảo, để định hướng cho anh em hội viên. Những trào lưu cũ mèm của phương Tây mà với anh em mình đôi khi lại hồ hởi nghĩ nó mới mẻ, thì mình không thể cổ vũ được.

Tôi không cố gắng lấy lòng mọi người, chỉ cố gắng làm sao có lợi cho số đông hội viên thôi. Còn việc có quá sức hay không thì nói thật là tôi bắt đầu thấy mệt rồi. Tôi cố gắng làm đến hết nhiệm kỳ 2010 là tôi rút lui. Rút để còn tính chuyện sáng tác của mình.

Hơn thế, tôi mệt mỏi là còn bởi, dăm năm trở lại đây, văn chương cũng không có nhiều đổi mới. Mình làm lãnh đạo, mình muốn nó phải đổi mới hơn, hiện đại và hấp dẫn hơn, nhưng để thay đổi thì cần quá nhiều thứ mà sức mình thì không làm được. Nếu cứ như thế, thì hẳn là mình cũng có lỗi.

- Ông nói mình có nhiều dự định sáng tác. Tôi nghĩ đó sẽ là một tập hồi ký?

- Đúng vậy. Đó là tập "Nói hết", mượn ý của một nhà thơ nổi tiếng người Pháp. Tôi đã có đủ ý tưởng rồi, chỉ ngồi vào bàn là viết nữa thôi. "Nói hết" là nói về cuộc đời mình, về những sự kiện mình đã đi qua và kể lại nó một cách chân thực.

- Tôi thấy thế này, nhiều người khi làm quản lý luôn dặn mình phải... đi lề bên phải. Nên khi viết cũng chỉ nói lưng chừng, đôi khi còn nửa vời nữa. Họ sợ chính sự thành thật của mình trong văn chương. Chỉ đến khi rời nhiệm sở, đối diện với trang văn, lòng họ mới phả ra và họ bắt đầu... phản kháng...

- "Nói hết" không phải là "đốt đền" hay "phản thùng", bởi bản thân tôi không mang những u uất mâu thuẫn như thế. Khi ở vị trí quản lý, thì mình dặn mình là nói sao cho vừa đủ, bởi những gì mình nói sẽ ảnh hưởng tới nhiều người. Còn khi sáng tác, tôi không chấp nhận chuyện đó, tôi thung thăng mọi nhẽ, ký thác mọi nghĩ suy của mình trên trang viết. Thế nên, "Nói hết" cũng là nói sao cho mọi người hiểu, tại sao một việc như thế nó lại thành như thế, chứ không phải tìm cách đạp đổ một ai đó để tôn vinh mình.

- Giờ thì ông nói muốn rời vị trí quản lý, quay lại với những trang viết của mình. Vậy ông có nghĩ rằng, lẽ ra mình làm nghệ sỹ sáng tạo thì không nên làm quan chức?

- Tôi là người cả nghĩ, cứ mỗi sự kiện xảy ra là mình bị xoáy vào nó, khi hết sự kiện tôi mới yên và về lại với con người sáng tác của mình. Khi ấy thấy hưng phấn lên nhiều lắm. Nhưng nói là làm quan chức hay làm nghệ sỹ, cái này mình không nói hay được, nó là do cái duyên thôi. Tôi cũng không lựa chọn gì cả.

Ngày trước, nhà thơ Xuân Diệu quyết liệt từ chối công việc quản lý vì ông tiếc thời gian sáng tác. Còn nhà thơ Nguyễn Đình Thi, ông ấy làm quản lý và không thể phủ nhận rằng, nhờ công việc quản lý mà ông đi nhiều, tiếp xúc, tiếp cận được nhiều người, nhiều nguồn thông tin, và nhiều tác phẩm quan trọng của ông được hình thành như thế. Nói chung là tùy duyên...

- Xin cảm ơn ông!

Toàn Nguyễn (thực hiện)
.
.
.