Nhà báo Hữu Thọ: Người luôn nói tiếng nói của lòng dân

Thứ Sáu, 14/08/2015, 08:52
Vẫn biết không ai qua được quy luật sinh – lão – bệnh – tử, nhưng báo giới Việt Nam vẫn bất ngờ khi nhận tin nhà báo Hữu Thọ đã ra đi sau một cơn đau tim đột ngột.

Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932 tại Hà Nội. Ông làm báo từ năm 1957 và trở thành cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có nhiều dấu ấn. 

Nhà báo Hữu Thọ (thứ hai từ trái sang) trong một lần dự buổi gặp mặt cộng tác viên Báo CAND. Ảnh: Duy Hiển.

Trước khi  nghỉ hưu tháng 1/2007, ông từng là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng nhiều  khoá, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội các khoá IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và nguyên Trợ lý Tổng Bí thư. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng và huân, huy chương trong nước và quốc tế vì những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp báo chí nước nhà.

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Hữu Thọ đã tạo được dấu ấn sâu đậm, khiến đồng nghiệp các thế hệ đều trân trọng cả về tài lẫn tâm. Khi ở cương vị quản lý, ông tiếp tục được các nhà báo trẻ coi là chỗ dựa tinh thần để học hỏi, trao đổi và xin ý kiến mỗi khi cần thiết. Điều mà mọi người đều trân trọng ở ông chính là nói và làm luôn song hành, bởi vậy ông được coi như một tấm gương mẫu mực về đạo đức làm báo.

Trước những bức xúc xã hội, ông luôn bày tỏ quan điểm rõ ràng qua việc phân tích và chỉ ra nguyên nhân, để từ đó tìm ra giải pháp hữu hiệu. Những phát biểu của ông thẳng thắn, luôn vì xã hội, vì cộng đồng. Bởi vậy, trong các hội thảo về báo chí, văn hóa, tiếng nói của ông luôn có trọng lượng và sự có mặt của ông tại các cuộc họp mang đến sự tin cậy. Với tài năng và trước hết là ở cái tâm của một nhà báo lớn, nhiều ý kiến sâu sắc của ông đã luôn được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trân trọng lắng nghe.

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu, ông vẫn luôn sát sao tình hình xã hội, nắm bắt và bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến, mong muốn những người có trách nhiệm sẽ tiếp thu ý kiến để tạo nên những đổi thay trong xã hội.

Sự thẳng thắn của ông không chỉ khiến bạn đọc hài lòng, mà chính báo giới cũng tâm phục khẩu phục. 

Trong hội thảo "90 năm báo chí cách mạng Việt Nam” mới đây, ông đã nêu ra những tồn tại của báo chí với một tinh thần đấu tranh và xây dựng đầy thiện chí: “Nổi lên là thông tin sai sự thật quá nhiều, thậm chí bịa đặt, suy diễn gây bức xúc xã hội… cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên một sự thật rằng, uy tín của giới báo chí đang giảm sút… Nguyên nhân chính và căn bản phải nói tới việc kém rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên và sự giám sát lỏng lẻo của các ban biên tập về hành vi đạo đức của những người viết báo, không chỉ là những người làm báo trẻ. Thực trạng đó đã làm cho tôi cảm thấy đạo đức báo chí đang có vấn đề nghiêm trọng cần được đánh giá, phân tích và quyết tâm ngăn chặn”.

 Trong một hội thảo về văn hóa do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây,  nhà báo lão thành Hữu Thọ đã được mời đến cho ý kiến. Những quan điểm từ sự trải nghiệm thực tế của ông đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của mọi người, khi ông mạnh dạn chỉ ra một cách cụ thể và quyết liệt: Hiện tượng vô văn hóa và dưới văn hóa đang phổ biến. Mà một xã hội dưới văn hóa là rất nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực điều hành của Nhà nước và xã hội không yên bình ngay trong hòa bình. Trách nhiệm để cho sự suy thoái văn hóa ở 3 bộ phận: người sản xuất, người tiêu dùng và người quản lý. Trong đó, trách nhiệm quản lý quan trọng hàng đầu.

Những quan điểm của ông thể hiện tầm nhìn của một nhà báo lớn: “Nhận thức của lãnh đạo và xã hội về văn hóa ngày càng thấy rõ tầm quan trọng của văn hóa, xã hội dân chủ, cởi mở hơn. Nhưng đối chiếu với yêu cầu, phương hướng, nhiệm vụ do Nghị quyết Trung ương 5 đề ra, về cơ bản chưa đạt yêu cầu, có mặt giảm sút nghiêm trọng. Vấn đề “tư tưởng, đạo đức, lối sống” – “lĩnh vực then chốt của văn hóa” lại thể hiện rõ sự xuống cấp toàn diện cần được đánh giá và phân tích: Đánh giá sự xuống cấp về “văn hóa chính trị”- văn hóa của bộ máy cầm quyền là quan trọng nhất; đánh giá sự xuống cấp về văn hóa xã hội, đặc biệt là xu hướng sử dụng bạo lực trong các tranh chấp, mâu thuẫn, khác với tính khoan dung, hòa hiếu trong văn hóa truyền thống… Ở kỳ họp Quốc hội vừa rồi, khi bàn về việc không ngăn chặn được các vụ phạm pháp, có đại biểu chất vấn người có thẩm quyền: Không ngăn chặn được là do bất lực, hay dung túng, bảo kê? Một câu hỏi không dễ trả lời nhưng là câu hỏi hay vì thực sự là câu hỏi của nhân dân”.

Dường như, cho đến khi từ giã nhân gian, không lúc nào nhà báo Hữu Thọ không nói tiếng nói của lòng dân!

Thanh Hằng
.
.
.