NSND Trọng Khôi - một đời dâng hiến cho sân khấu!

Thứ Tư, 03/04/2013, 09:50
NSND Trọng Khôi đã cống hiến cho sân khấu kịch nói Việt Nam đương đại - một loại hình sân khấu từ phương Tây du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX - nhưng qua tài năng của ông, lại mang bản sắc sân khấu Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, phong phú, đa dạng và độc đáo - góp phần vào sự phát triển kịch nói Việt Nam hiện đại của nửa sau thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI.

NSND Trọng Khôi, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) hai nhiệm kỳ (1999-2004 và 2004-2009), sinh ngày 16/2/1943 tại Hà Nội, tốt nghiệp Khóa I, Trường Sân khấu Việt Nam (1959-1964), đã từng đoạt nhiều Giải thưởng, Huy chương Vàng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và Liên hoan Sân khấu thế giới, Trọng Khôi là một trong những gương mặt nổi tiếng của sân khấu đương đại, góp phần xây dựng và phát triển loại hình kịch nói, cũng như có nhiều cống hiến cho nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam.

Sáng 2/4, tại Hội trường Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN, Hội NSSKVN đã tổ chức tưởng niệm một năm ngày mất của NSND Nguyễn Trọng Khôi.

Trọng Khôi (tên thật là Nguyễn Trọng Khôi), quê gốc Hải Dương, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội (ngõ Yên Thế - phố Nguyễn Thái Học). Trọng Khôi đam mê sân khấu từ bé. Đang ở độ tuổi thiếu niên, Trọng Khôi sinh hoạt Đội Kịch thanh niên cùng các nghệ sĩ trẻ Vũ Hà, Nguyễn Ánh, Doãn Hoàng Giang và một số thanh niên yêu sân khấu.

Nhưng con đường đưa Trọng Khôi trở thành nghệ sĩ bắt đầu từ ngày còn học tiểu học, khi thầy giáo ông rất thích dàn dựng những vở diễn để minh hoạ cho bài giảng, nên mới 7 tuổi, Trọng Khôi đã được chọn đóng nhiều vai.

Năm 1959, tròn 16 tuổi, đang học phổ thông, Trọng Khôi thi đỗ và theo học Khóa I - Trường Sân khấu Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Từ đó, ước mơ trở thành một nghệ sĩ sân khấu của Trọng Khôi đã thành hiện thực với sự hướng dẫn, dạy dỗ những người thầy nổi tiếng như Đình Quang, Dương Ngọc Đức… và đặc biệt là sự truyền nghề của đạo diễn nổi tiếng, nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới - Thế Lữ và con trai ông là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Đó là một trong những nghệ sĩ lớp đầu tiên của nền sân khấu cách mạng Việt Nam, mà sau này đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngay từ đợt đầu tiên. 

Vai diễn của NSND Trọng Khôi trong vở kịch nổi tiếng "Hồn Trương Ba - da hàng thịt".

Sau khi tốt nghiệp, hầu hết học sinh Khóa I đã về công tác tại Đoàn Kịch nói Trung ương (Nhà hát Kịch Việt Nam ngày nay), trong đó có nghệ sĩ trẻ Trọng Khôi; đúng vào thời kỳ giặc Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, từ năm 1965, cuộc chiến tranh đi vào giai đoạn quyết liệt trong cả nước.

Năm 1970- 1971, Trọng Khôi được đảm nhận một vai diễn chính trong vở “Đôi mắt” của tác giả Vũ Dũng Minh, đạo diễn Dương Ngọc Đức. Đó là nhân vật anh thương binh Việt - một vai diễn nổi tiếng - đã trở thành tấm giấy thông hành chính thức, đưa Trọng Khôi bước vào Thánh đường sân khấu. Vai diễn tạo nên một ấn tượng lớn về phong cách biểu diễn chân thực và dung dị. 

Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Đoàn Kịch Trung ương được mệnh danh với cái tên “Anh Cả đỏ”, với một dàn sao các nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có Trọng Khôi; đã biểu diễn hết sức thành công trên các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng chính là giai đoạn hoàng kim nhất của sân khấu Việt Nam, trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX.

Năm 1990 và 1995, nghệ sĩ Trọng Khôi đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ông đã đi biểu diễn giao lưu quốc tế ở các nước Philippines, Nga, Mỹ và được trao tặng bằng khen “Nghệ sĩ xuất sắc nhất Liên hoan Sân khấu quốc tế Mátxcơva năm 1990”, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Một số vai diễn tiêu biểu có thể nói là để đời của Trọng Khôi  như Đialốp (Khúc thứ ba bi tráng); Tướng Đờ Cát (Bài ca Điện Biên); Đimitrốp (Đỏ và Nâu); Tổng thống Dương Văn Minh (Nữ ký giả); Vua Bảo Đại (lịch sử và nhân chứng); Vua Lia trong vở kịch cùng tên; Trần Thủ Độ trong Trần Thủ Độ; Êrôtxtrát (Vụ án Êrôtxtrát); Trương Ba (Hồn Trương Ba - da hàng thịt)… cùng nhiều phim truyện nhựa, truyền hình như Nghị Hách (Dông tố); Ba Đức (Đứng trước biển); Trung tá Thi (Huyền thoại người mẹ)…

NSND Trọng Khôi đã cống hiến cho sân khấu kịch nói Việt Nam đương đại - một loại hình sân khấu từ phương Tây du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX - nhưng qua tài năng của ông, lại mang bản sắc sân khấu Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, phong phú, đa dạng và độc đáo - góp phần vào sự phát triển kịch nói Việt Nam hiện đại của nửa sau thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, NSND Trọng Khôi là Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho đến năm 1999; ông được bầu là Tổng Thư ký, rồi Chủ tịch Hội NSSKVN tại Đại hội V (1999- 2004), Đại hội VI (2004- 2009).

Trong hai nhiệm kỳ này, ngoài những đóng góp to lớn về nghệ thuật cho nền sân khấu cách mạng Việt Nam, thì hoạt động nổi bật nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất của NSND Trọng Khôi - đặc biệt là giao lưu và hội nhập quốc tế - đó là các Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế tại Việt Nam. Chính đó là một trong những điều kiện rất quan trọng, để vào năm 2004, Hiệp hội Sân khấu quốc tế (ITI), đã kết nạp Việt Nam trở thành thành viên chính thức, đồng thời thành lập Trung tâm Hiệp hội Sân khấu quốc tế Việt Nam (viết tắt là Trung tâm ITI Việt Nam), do Nguyễn Trọng Khôi là Giám đốc đầu tiên.

Tuổi Quý Mùi 1943, đi vào cõi vĩnh hằng ngày 22 tháng 2 năm Nhâm Thìn 2012 - tròn 70 tuổi âm lịch - NSND Trọng Khôi đã thanh thản chia tay Thánh đường biểu diễn, chia tay các đồng nghiệp, chia tay những cánh gà sân khấu và hai tấm màn nhung đỏ thắm; mà ở đó, đã thấm đẫm bao nhiêu nước mắt nụ cười; bao nhiêu niềm vui nỗi buồn và nhân cách một nghệ sĩ lớn: Suốt cả một đời hiến dâng cho sự nghiệp Nghệ thuật sân khấu dân tộc và Điện ảnh Việt Nam!

L.H.Q.
.
.
.