Mùa Noel nhớ "Giáo đường im bóng"

Chủ Nhật, 27/12/2009, 10:48
Khi những hàng cây ven đường dần trụi lá thì cũng là lúc phố phường tấp nập sắc màu rực rỡ của một mùa Noel đang đến gần. Tôi vốn  sinh ra ở vùng đất có phần lớn người dân theo đạo Công giáo, và mỗi năm vào mùa Giáng sinh, những người già thuộc thế hệ ông bà tôi thường hay ngâm nga một bài hát có giai điệu thật đẹp và buồn: "Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng/ Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ".

Lần theo những câu hát, cũng là câu chuyện kể về mối tình tuyệt đẹp của người nhạc sĩ nổi tiếng đầu thế kỷ XX, tôi tìm gặp ông trong ngôi nhà giản dị trên phố Mai Hắc Đế. Đã vào tuổi xưa nay hiếm nhưng người nghệ sĩ gốc Hà thành vẫn vẹn nguyên vẻ lịch lãm, hào hoa một thuở...

Ký ức bắt đầu từ những mùa Noel đã xa lắc, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nói: "Thời của chúng tôi, Noel thường có không khí trang trọng, không ồn ào như bây giờ. Đó thường là mùa của nỗi nhớ, của kỷ niệm, của những cung bậc tình yêu thiêng liêng". Ngày lễ Noel còn gắn với một câu chuyện tình với kết thúc có hậu của cuộc đời ông, là nguồn cảm hứng sáng tạo để ông viết lên những giai điệu đẹp làm nức lòng người nghe hơn nửa thế kỷ đã qua.

Bài hát "Giáo đường im bóng"  được viết năm Nguyễn Thiện Tơ tròn 17 tuổi, là tâm sự có phần tuyệt vọng của một chàng trai trẻ đem lòng nhớ thương một người con gái xứ đạo. Nàng ở thành Nam, tên gọi Vũ Hà Tiên. "Tôi gặp nàng trong một buổi biểu diễn từ thiện hướng đạo sinh. Khi ấy tôi là nghệ sĩ chơi đàn ghi ta Hawaii, còn nàng thì hát rất hay. Tôi đàn nàng hát. Nhan sắc yêu kiều, quý phái của nàng đã khiến tôi bần thần vì xúc động. Ngay từ phút giây ấy tôi nhận ra mình đã yêu mất rồi".

Nhưng mối tình si ấy cứ âm thầm ngày tháng. Họ còn có rất nhiều cơ hội gặp nhau sau này, nhưng "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Người con gái cũng đã mang lòng yêu chàng nghệ sĩ trẻ từ lâu. Đến một ngày, nhờ một người bạn, chàng tìm đến chơi nhà nàng, nàng bạo dạn đề nghị chàng đàn cho nàng nghe ca khúc nổi tiếng "forget me not"... như một thông điệp tình yêu  của nàng.

Nhưng chàng bên lương còn nàng theo Thiên chúa. Sự ngăn cách tôn giáo ấy vào những năm đầu thế kỷ XX không phải dễ dàng có thể vượt qua. Hơn nữa cha mẹ nàng cũng không đồng ý cho nàng sánh duyên cùng anh chàng nghệ sĩ mà theo như họ nghĩ thì cuộc đời rất lênh đênh. 6 năm trời thầm yêu trộm nhớ, có nhiều lúc họ tưởng chừng như vĩnh viễn không thể đến được cùng nhau.

Mang nỗi đau khổ giày vò, Nguyễn Thiện Tơ viết ca khúc "Giáo đường im bóng". Tâm trạng đợi chờ của chàng trai đang yêu được thổi vào từng nốt nhạc: "Lá êm êm rơi trên gương hồ/ Hình như mối tơ duyên xa mờ/ Sóng rung rinh hồ xưa đây/ Hồn tôi nhớ nàng mê say/ Ngày xa ấy u trầm quá/ Và sóng mắt huyền còn biết tìm đâu...".

Ngay cả khi bài hát ra đời và được các ca sĩ cùng thời hát ở một vài phòng trà Hà Nội, người con gái xứ đạo thành Nam Vũ Hà Tiên vẫn không hề biết đó là bài hát dành tặng cho mình. Sau "Giáo đường im bóng" Nguyễn Thiện Tơ tiếp tục viết những ca khúc mà sau này làm say lòng người nghe nhiều thế hệ như: "Nhắn gió chiều", "Trên đường về", "Đêm trăng xưa", "Ngày vui đã qua", "Cung đàn xuân xưa"... Tất cả những ca khúc đó đều là để dành cho người tình trong mộng của ông.

Nhưng rồi vượt qua mọi rào cản gia đình, tôn giáo, họ đã đến với nhau để thành chồng thành vợ. Lấy nhau rồi, cô gái đẹp xứ đạo không theo nghiệp cầm ca mà bằng lòng an phận với công việc gia đình. Bà liên tục sinh cho chồng 8 người con. Còn chàng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ tiếp tục công việc biểu diễn, giảng dạy và sáng tác âm nhạc. 

Nguyễn Thiện Tơ vốn là người có năng khiếu âm nhạc từ thuở nhỏ. Cha của ông, một người công nhân xưởng in Viễn Đông nhưng rất biết khuyến khích con đi theo âm nhạc. Năm 13 tuổi, cậu bé Tơ đã chơi thành thạo đàn ghi ta Hawaii cùng với thầy dạy của mình trên đài phát thanh Pháp. Nguyễn Thiện Tơ cũng là nghệ sĩ chơi đàn Tây ban cầm rất giỏi.

Nhóm nhạc Myosotis do ông khởi xướng thành lập là một trong không nhiều nhóm nhạc tân thời nổi tiếng nhất thập kỷ 30 của thế kỷ XX, tập hợp những gương mặt được công chúng đương thời yêu mến gồm các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Nguyễn Trần Dư, Nguyễn Trí Nhường...

Nguyễn Thiện Tơ còn là một người thầy dạy đàn có uy tín đất Hà thành. Học trò của ông là những tên tuổi như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Quỳ, Dzoãn Mẫn... Sau giải phóng Thủ đô, ông chuyển về công tác ở dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi sau đó lại chuyển về Hãng phim truyện Việt Nam.

Làm nghệ thuật thời nào cũng nghèo, nhất là trong giai đoạn đất nước đang có chiến tranh. Để đảm bảo cho một gia đình đông đúc với 8 người con, Nguyễn Thiện Tơ thường đi biểu diễn chơi đàn, thổi sáo ở các nhà hàng. Ông nói: "Thời ấy tôi cũng chạy sô, tuy không nhiều như các nghệ sĩ trẻ bây giờ. Nhưng biểu diễn ở nhà hàng lúc đó hay hơn, là vì thực khách là những người yêu âm nhạc và muốn nghe âm nhạc thực sự, chứ không ồn ào, xô bồ như bây giờ".

Tất cả những người con của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đều thừa hưởng tình yêu âm nhạc của cha mẹ. Ngày hôm nay họ đều là các nhạc công, nghệ sĩ trong các đoàn nghệ thuật. Căn nhà nhỏ của ông bà bây giờ đã trở thành mái ấm của một đại gia đình. Ngày ngày tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng ghi ta, piano vẫn vang lên bởi lẽ các cháu, các chắt của ông bà cũng đều có thiên hướng âm nhạc từ rất sớm.

Quay về việc sáng tác ca khúc, rất nhiều người thắc mắc rằng sau khoảng chục ca khúc viết rất hay và trở nên nổi tiếng thì Nguyễn Thiện Tơ lại không sáng tác nữa mà ông chủ yếu dành thời gian để chơi nhạc. Ông lý giải: "Mỗi bài hát gắn với một kỷ niệm, mỗi bài hát có riêng một số phận. Hình như thời của chúng tôi, những bài hát thường bắt đầu từ một câu chuyện có thật, một tâm trạng có thật".

Nếu đúng là như vậy thì từ khi dọn về ở chung một nhà với người tình trong mộng năm xưa, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đã hết nhớ thương để viết? Ông cười nhẹ nhõm: "Đời đã cho tôi một tình yêu viên mãn, quá đẹp rồi, tôi chả có gì luyến tiếc. Còn việc sáng tác âm nhạc, mỗi người một tạng. Tôi không sáng tác nữa thì cũng chẳng có gì buồn phiền. Tôi dạy học, chơi được nhiều nhạc cụ trong dàn nhạc, thế cũng đã là thỏa mãn niềm say mê rồi. Vả lại, theo tôi, khi mình viết một ca khúc nào đấy thì nó phải hay, phải ở lại lâu bền với công chúng thì mới nên tiếp tục. Còn nếu không thì quay đi làm việc khác. Đó là lòng tự trọng của của người cầm bút. Nghệ thuật không cần số lượng".

Vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn ở tuổi 89, và khi nói về âm nhạc thì thái độ của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ nghiêm cẩn như đang đứng trước thánh đường. Hỏi, ông có nghe nhạc của các nhạc sĩ trẻ bây giờ không và ông có nhận xét gì thì Nguyễn Thiện Tơ khiêm tốn bày tỏ: "Thỉnh thoảng tôi có nghe các sáng tác trẻ, nhưng có lẽ cái tai nghe của tôi cũ rồi nên khó mà có thể nhận xét cho chính xác. Tôi chỉ cảm nhận rằng nhạc trẻ bây giờ ồn quá, nó thiếu chiều sâu, thiếu màu sắc riêng, cá tính riêng. Ví dụ, thời của tôi, các nhạc sĩ dù cho viết rất ít, chỉ một vài bài thì gương mặt nào là màu sắc ấy. Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn... khó mà trộn lẫn với bất kỳ ai. Họ đứng ở góc nào thì đó vẫn là gương mặt của họ, không bắt chước ai và không ai có thể bắt chước. Nhưng hôm nay thì tôi không thấy cái màu riêng ấy, cho dù các tác giả trẻ viết rất nhiều. Điều này có thể các bạn trẻ nên suy nghĩ".

Tôi lại hỏi ông, trong số các nhạc phẩm của mình, ca khúc "Giáo đường im bóng" rõ ràng là nổi tiếng nhất, nhưng có chắc chắn là bài hát ông thích nhất không, người nhạc sĩ già hóm hỉnh trả lời: "Tôi có 8 người con và không thể nói với chị rằng tôi yêu người con nào nhất. Nhưng nói chuyện thích ca sĩ nào hát ca khúc "Giáo đường im bóng" của tôi thì có thể được. Tôi thấy có 2 ca sĩ hát thành công nhất là Khánh Ly và Nga My. Khánh Ly hát như một  bài hát trữ tình đượm thánh ca, còn Nga My thì lại hát như một bài thánh ca đượm chất trữ tình".

Rồi bất ngờ nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ đề nghị không nói chuyện về âm nhạc nữa. "Tôi là người cũ rồi, khó mà bàn về cái mới hôm nay. Với tôi hạnh phúc nhất bây giờ là được hoàn toàn thanh thản trong ngôi nhà của mình, ngày ngày dạy các cháu chơi đàn, trò chuyện với bà lão tóc bạc, trong lúc bà ngồi nhặt rau hay nấu cơm".

Và bà lão của ông lão Nguyễn Thiện Tơ đang ngồi cười hiền hậu trên chiếc ghế nhỏ. Mái tóc bạc lòa xòa trước vầng trán, cho dù vẻ thanh xuân của bà đã mất đi, nhưng đôi mắt huyền nhung từng làm say đắm lòng anh chàng nhạc sĩ năm xưa thì vẫn còn nguyên dáng dấp, khi bà âu yếm nhìn chồng. Nói chuyện về ngày Noel đang tới gần, chắc hẳn trong lòng bà đang xốn xang những kỷ niệm dấu yêu thời thiếu nữ. Và tôi chợt hiểu rằng, khi những thanh âm đầu tiên của bản nhạc tình yêu diệu kỳ ngân lên, bà mãi mãi trẻ trung trong giai điệu tha thiết: "Dáng xinh xinh như bao tiên kiều/ quỳ ngân thánh kinh ban chiều/ trong giáo đường đêm Noel ấy...."

Bình Nguyên Trang
.
.
.