Kịch Tết: Khó mong mùa bội thu

Thứ Ba, 29/01/2019, 10:20
Kỳ nghỉ Tết được xem là dịp thuận lợi nhất trong năm để các sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh “hốt bạc”. Năm nay, dù vượt khó khăn để tung ra đủ “món” khai xuân nhưng làng kịch khó có thể gặt “mùa vàng” như Tết 2018, bởi kịch mục đa phần bổn cũ soạn lại.

Chuẩn bị cho Tết Kỷ Hợi, các sân khấu đều cố gắng chọn lựa những kịch bản mang màu sắc tươi vui, hài hước hoặc cốt chuyện nhẹ nhàng để đáp ứng nhu cầu giải trí ngày xuân của khán giả. Tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, sự sẻ chia và cảm thông cùng bao số phận con người là đề tài nổi bật của chuỗi kịch Tết.

NSƯT Hữu Châu và NSƯT Thành Lộc trong vở “Mơ giấc tình tình”.

Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh mở đầu năm mới với vở hài kịch "Nàng Hến tầm duyên" (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Lê Diễn) lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian “Nghêu Sò Ốc Hến”.

Nghe qua tên vở, người xem có thể đoán nội dung châm biếm, đả kích sâu cay mang đậm tiếng cười thâm thúy của cha ông xưa. Im ắng hơn mọi năm, Tết 2019, Sân khấu Hoàng Thái Thanh chỉ trình làng duy nhất vở mới “Bên kia... nửa đời ngơ ngác” quy tụ các nghệ sĩ: Thành Hội, Ái Như, Tuyết Thu, Hoàng Vân Anh...

Đây là phần tiếp theo của vở “Nửa đời ngơ ngác” từng gây sốt vé cách đây gần 10 năm bởi câu chuyện nhân văn đầy cảm xúc lấy bối cảnh ở miền quê Nam bộ. Sân khấu Idecaf dựng được hai vở: "Mơ giấc tình tình” và “Cái đẹp đè bẹp cái nết” với sự tham gia của dàn nghệ sĩ gạo cội như Thành Lộc, Hữu Châu...

So về kịch bản mới, sân khấu Thế Giới Trẻ được xem là khá xôm tụ khi tung đến bốn vở mang đầy năng lượng thanh xuân: "Ngôi làng ma ám", "Ván bài của sói", "Người vô hình" và “Shipper tình yêu”. Không kém cạnh, Sân khấu kịch Hồng Vân cũng trình làng bốn vở mới gồm: "Tắt đèn là chạy" của tác giả Thái Sơn khai thác về cuộc đời của nhân viên hậu đài, “Thân sâu hồn bướm”, “Đại ca mình đi đâu thế”, “Sợ”…

Nhìn vào danh sách kịch mục mùa Tết có thể thấy số vở mới có nội dung sáng tạo, thu hút chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu mọi năm số vở mới của mỗi sân khấu trung bình khoảng 3, 4 vở thì năm nay đa số chỉ gắng gượng một vở. Còn là vở cũ được dựng lại và thêm thắt các yếu tố mới bằng dàn diễn viên, tình tiết, thiết kế sân khấu...

Hiện tượng khan hiếm vở mới và hấp dẫn của làng kịch phía Nam không hề khó hiểu bởi nói như NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: “Tình trạng khủng hoảng kịch bản giờ đây đã chạm đến báo động đỏ!”. Đặc biệt, vào mùa Tết, nhu cầu kịch bản của các sân khấu tăng cao nên việc tìm kiếm càng “đỏ mắt”.

Đời sống kịch nói khó khăn khiến đội ngũ tác giả không mấy mặn mà sáng tác kịch bản hay và tâm huyết. Với mức nhuận bút bèo bọt thì câu “tiền nào của nấy” không sai khi số kịch bản mới vẫn đầy rẫy nhưng nội dung toàn dở và kém. So với các loại hình giải trí khác như điện ảnh, truyền hình, ca nhạc...  thì kịch nói hiện nay quá lạc hậu.

Quỳnh Nga
.
.
.