Hoạ sĩ Phạm Tăng: Trước sau cũng một lối về

Thứ Tư, 08/06/2005, 07:38

Dễ đã gần chục năm trôi qua nhưng cho tới hôm nay tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh của họa sĩ Phạm Tăng trong lần gặp ông ở Paris, trong căn hộ không lấy gì làm rộng lắm của ông ở tít tầng cao một chung cư thường thường bậc trung ở quận 13. Ngồi giữa nhóm văn nghệ sĩ từ Hà Nội sang, trông ông cũng chẳng có gì khác biệt.

Ông kể rằng, Huy Cận, Xuân Diệu... mỗi lần sang Paris đều tới đây chơi với ông, thậm chí còn kê đệm ra ngủ lại... Xuất ngoại từ ngoài 20 tuổi, cho tới tuổi cận kề "cổ lai hy", ông vẫn giữ nguyên một phong thái Việt thuần chất.

 

Họa sĩ Phạm Tăng sinh ra trên đất Yên Mô, Ninh Bình, mảnh đất mà mãi tới sau này ông vẫn không nguôi xót xa: "Có ai còn nhớ Yên Mô, sông Càn núi Bảng bây giờ còn không?". Có sách ghi năm sinh của ông là 1924, có sách lại ghi là năm 1926. Thiên hướng nghệ thuật đã sớm bộc lộ nên ngay từ năm 1943, ông đã lên Hà Nội học kiến trúc rồi hội họa ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lò đào tạo những danh họa hàng đầu của nước ta sau này.

 

Những năm kháng chiến chống Pháp, đã có giai đoạn Phạm Tăng tham gia làm báo yêu nước, chuyên vẽ tranh đả kích bè lũ thực dân và tay sai. Rồi dòng đời đưa đẩy ông ra khỏi Tổ quốc và từ đó bắt đầu hành trình lãng du ở phương trời xa lạ của một trong những họa sĩ có lẽ là vào hàng thành danh nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Khởi đầu gian khó

Ra nước ngoài, Phạm Tăng ngay lập tức lại tìm thầy để học vẽ. Năm 1962, ông tốt nghiệp về hội họa tại Học viện Mỹ thuật La Mã, Italia. Rồi ông lại chuyển sang học về trang trí cũng ở chính nơi này. Sau đó, ông học tiếp môn điêu khắc và dàn cảnh (hai môn này, ông chỉ học tới năm thứ ba thì phải bỏ vì bận bịu công việc kiếm kế sinh nhai và nhiều lo toan khác nữa)...

 

Với vốn kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được, Phạm Tăng lao mình vào công cuộc chinh phục thế giới bằng lao động nghệ thuật. Thân cô thế cô nơi đất khách quê người, Phạm Tăng đã không ngần ngại vừa làm vừa tổ chức triển lãm cá nhân. Dạo đó, trên chiếc xe hơi cà tàng, ông cứ rong ruổi đi khắp nơi với hành trang mỹ thuật của mình, tiện đâu thì ngủ lại đấy trên xe. Dấu chân ông đã đặt tới đủ các đô thị lớn của Italia, rồi sang Bỉ, áo, Hà Lan, Thụy Sĩ...

Thậm chí, ông còn mang tranh đi triển lãm ở cả Los Angeles! Vượt qua những thử thách ban đầu, dần dà ông đã tạo được cho mình danh tiếng của một họa sĩ tài năng đầy bản sắc, nét vẽ hiện đại nhưng lại vẫn thấm đẫm tính minh triết của á châu.

Trong bài trả lời phỏng vấn một nhà báo nữ người Việt ở Paris, Phạm Tăng kể: "Tôi tự lập với hai bàn tay trắng, ngoài sự xoay xở để sinh sống, có chỗ làm việc và dụng cụ để sáng tác, tôi phải tìm cách lo liệu - bằng cách này hoặc cách khác - những chi phí về tổ chức triển lãm. Một cuộc triển lãm tốn kém từ một ngàn tới hai ngàn đôla, riêng về ấn loát quảng cáo, thuê nhà bày tranh v.v... không kể số lượng tranh từ 20 tới 30, mà chính mình phải có sẵn.

 

Tại mỗi đô thị lớn ở Âu châu có ước khoảng trên trăm nhà bày tranh, trong số đó không hơn 20 nhà có tiếng. Như vậy, cứ mỗi kỳ trung bình là hai tuần, ở mỗi đô thị có thể có tới hàng trăm họa sĩ trưng bày, không kể những viện bảo tàng công cộng. Trên báo chí, mục phê bình nghệ thuật có hạn, báo hàng ngày thì một tuần một lần, báo hàng tuần thì khi có khi không, một góc cột, một nửa cột, họa hoằn lắm mới có thể ra một trang cho một cuộc triển lãm quan trọng.

 

Truyền thanh truyền hình thì lại càng khó khăn hơn nữa: một vài phút, một vài giây dành cho những triển lãm đáng chú ý, trừ những mục dành cho các bậc thầy đã công thành danh toại. Giới phê bình nghệ thuật thì khó khăn, có thể nói là có nhiều đẳng cấp. Không dễ gì được các nhà phê bình nghệ thuật danh tiếng nói tới mình, trừ phi nghệ thuật của mình phải đặc biệt, xứng đáng được chú ý đến.

Tôi là một họa sĩ Việt Nam đã lẻ loi đơn độc giữa nước Italia, sức lực thì ốm yếu, tưởng chẳng cần phải nói các bạn cũng có thể thông cảm với tôi, trước những trở lực "bên ngoài" kể trên; ấy là chưa nói tới những trở lực "bên trong", tức là việc xây dựng nghệ thuật, bồi dưỡng bản tính mình trước khi ra thi thố với người.

Chỉ những chuyến ngủ đêm co ro trên xe, ngoài xa lộ, trong đêm lạnh dưới 15-17 độ để đỡ tốn tiền trọ, chỉ những đêm trắng nhìn tuyết tan trên kính, như những dòng nước mắt, trong khi chờ sáng để làm thủ tục quan thuế tại biên thùy cho đỡ tốn tiền chuyên chở tranh, chỉ những lúc ghé vai khuân vác dưới mưa những bọc khung vì không có tiền thuê người đỡ việc, chỉ những khi hồi hộp chờ đợi kết quả vừa về tài chính, vừa về phê bình sau những cuộc triển lãm ế khách, tôi mới thực sự cảm thấy cái giá mình đã phải trả khi muốn được tự do lựa chọn con đường của mình".

Khổ cực, đói nghèo đã không làm nhụt được chí của người mê hội họa như lẽ sống duy nhất. Có công mài sắt có ngày nên kim, những giải thưởng quốc tế dần dà cũng tới. Và năm 1967, Phạm Tăng đã giành được giải nhất do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao cho ngay chính tại Rome.

 

Bắt đầu những trang mới trong sáng tạo nghệ thuật của Phạm Tăng với những tác phẩm ngày một đậm đà hồn vía của tư duy nhiều u uẩn và trăn trở của ông. Đó là một dòng tranh mà như nhà nghiên cứu Hữu Ngọc sau này nhận xét, "tuy Âu mà cơ bản rất á, rất Việt Nam - tuy trừu tượng mà không khô khan kiểu hình học, trí tuệ một cách kín đáo, sâu sắc mà lại có dáng dấp hiện thực".

Thực tế cho thấy, họa sĩ Phạm Tăng có quyền chính đáng để tự hào viết về cho bạn bè ở Việt Nam chuyện "đem chuông đi đấm nước người" trong hội họa của ông: "Những hồi chuông tôi gióng ở Tây phương thực cũng đã gây được nhiều tiếng vọng. Và có thể nói với anh không ngần ngại gì, là những âm vọng từ xưa tới nay, kể từ khi đất nước mình bị đô hộ, chưa có ai làm hơn" (trích theo lời cố nhà thơ Trần Lê Văn trong bài tựa tập thơ của Phạm Tăng do Nhà xuất bản Văn học in tại Hà Nội năm 1994).

 

Vẽ để lưu hồn

Căn hộ tại Paris của họa sĩ Phạm Tăng gần như chỉ có một vật trang trí duy nhất là bức tranh "Vũ trụ" của ông (các tác phẩm đáng kể khác của ông thì bức ở trong các viện bảo tàng, bức đã bị các nhà sưu tập tranh mua về cất giữ từ lâu). Thật sự đấy là một họa phẩm rất đặc sắc, rỡ ràng các gam màu, đan quyện các chi tiết, vừa lôi cuốn ta vào những đoán định cụ thể, vừa khiến ta phải chới với trong tưởng tượng. Năm 1981, Phạm Tăng từng viết thơ cho bức tranh "Vũ trụ" như sau: "Trông lên thiên thể bao la, Nhìn vào sâu thẳm trong ta mịt mùng. Xác thân: vạch nối đôi vùng, Khoát tay một nét: cuộn tròn càn khôn! Đất trời, mở rộng tay ôm, Phút giây xuất Ngã, bền hơn cuộc đời".

Hiểu sâu hội họa phương Tây, Phạm Tăng biết rằng nền mỹ thuật tư bản chủ nghĩa hiện đại đang lâm vào khủng hoảng: "Guồng máy khổng lồ nhằm sản xuất nhanh chóng của nền văn minh tiêu thụ, do giới tư bản kỹ nghệ nắm giữ, gạt dần dần nghệ thuật - vốn dĩ là một sản xuất có tính cách thủ công chậm chạp - ra ngoài lề xã hội.

 

Mặt khác, nghệ thuật hội họa xưa kia được xây cất trên thực tại, giá trị của nó được xã hội bảo đảm coi như bất di bất dịch, giờ đây thực tại đã bị truất phế vì giới họa sĩ cấp tiến muốn hoàn toàn giữ vai trò chủ động trong việc sáng tác. Hội họa trở thành ngôn ngữ trừu tượng của từng cá nhân họa sĩ với sự tự do phóng túng phô diễn cảm nghĩ riêng của từng người. Có những ước vọng muốn vượt lên trên thực tại như xu hướng trừu tượng kỷ hà. Có những ước vọng muốn diễn đạt sâu hơn thực tại như xu hướng trừu tượng vô thể.

 

Mỗi nghệ sĩ đều cố gắng tìm cho mình một bản sắc riêng. Vì thực chất cá nhân dị biệt nên hội họa phương Tây ly khai với xã hội. Từ ly khai đến cô độc. Từ cô độc đến thất vọng, phẫn nộ, chống đối, phá hoại, làm cho hội họa mới Tây phương tưởng như bị đẩy vào tuyệt lộ...".

Trong tình hình đó, Phạm Tăng đã tìm ra lối đi riêng của mình. Vẽ với ông có nghĩa là "xây dựng cái hồn tranh". Ông nói: "Cái hồn tranh mà tôi muốn xây dựng không thể là cái hồn tranh giả tạo cổ điển, cũng không phải là cái hồn mập mờ nửa thực tại, nửa trừu tượng. Nó là cái hồn của chính bức tranh, tự những tổ chức cấu tạo của nó mà nó có cái hồn. Nói rõ hơn, hồn tranh là hồn xuất hiện tự bút pháp của người họa sĩ mà ra... Tôi hoàn toàn tự do suy ngẫm ngoại giới, kết lọc những cái tinh túy bên trong, gạt bỏ những thừa thãi giả tạo, nhìn ngoài xong lại nhìn trong, cố gắng tìm ra chân tướng của sự sống để thể diễn lên trên tranh, đem phổ sự sống đó vào nét vào hình vào sắc...".

Tranh của Phạm Tăng không dễ hiểu nhưng cũng không khó cảm. Có lẽ đây là bí quyết thành công của ông chăng? Không ai tiên lượng được hết lòng người nhưng ai cũng yêu thích những lòng người đồng điệu. Tranh Phạm Tăng là tấm lòng của ông đối với nhân sinh, chân thành, cởi mở dẫu luôn ẩn chứa những tín hiệu bí ẩn để ta bị ám ảnh và suy ngẫm khôn nguôi.

Giữ trọn lời thề

Vốn là người không màng danh lợi, Phạm Tăng trong những năm gần đây sống khá lặng lẽ, thậm chí có thể nói là ẩn dật. Ngay cả khi về Hà Nội, ông cũng không xuất hiện ở những chỗ đông người. Ông ít nói về mình, vì những câu thơ và tranh của ông đã tự nói lên tất cả. Lối sống ấy Phạm Tăng có được là vì người họa sĩ lừng lẫy này dường như đã "đắc" cái đạo đời: "Lang thang khắp mặt địa cầu, Thịt xương: áo đã ngả màu hoàng hôn! Lợi danh chẳng quản mất còn, Hành trang: đến cả linh hồn cũng dư"...

Từng có đủ mọi thứ và cũng đã bị mất mát nhiều trong cõi nhân gian này, họa sĩ Phạm Tăng giờ đây có lẽ chỉ còn một niềm mơ ước: "Trước sau cũng một lối Về, Giữ sao cho trọn lời thề với Thơ!". Và với cả hội họa, với quê hương của mình nữa

Đặng Lê
.
.
.