Giải thưởng Cánh diều vàng và sức ỳ của những người làm ĐA

Chủ Nhật, 16/03/2008, 11:19
Quá nhiều giải thưởng, lễ trao giải Cánh diều vàng diễn ra trong sự tẻ nhạt. Phải chăng những người làm điện ảnh đang bị sức ỳ nặng quá, khiến cho chính họ đã phải tự triệt tiêu trong mình khát vọng đổi thay?>> Quanh giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam

Không khác dự đoán, năm 2007 đã không có giải Cánh diều vàng cho phim truyện nhựa và vắng cả bóng nam nhân cho mục "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất". Không có giải vàng đồng nghĩa với việc bắt khán giả chờ đợi thật lâu để rồi thông báo rằng, thực ra cái thùng đó là cái thùng rỗng!

Và người ta sẽ đặt câu hỏi, nếu như không có được những thành tựu xứng đáng thì điện ảnh có cần được ưu ái tới mức mất mấy tiếng đồng hồ trên sóng truyền hình quốc gia hay không? Và đến tận khi trao giải rồi mới nhận ra sự kém cỏi của phim ảnh Việt, thì lúc ấy có khác nào nói chuyện đổ nước chữa cho đám cháy dư luận bớt bùng lửa quá mạnh mà thôi?

Luôn luôn là những câu chuyện không khó giải thích sau giải Cánh diều vàng ấy là Ban giám khảo khổ nạn khi phải xem những tiết mục mòn cũ dài tập khi chấm giải. Mỗi năm sản xuất trên dưới 10 phim, mà phim chiến tranh vẫn được hào hứng thực hiện, và đạo diễn, kể cả đạo diễn trẻ như Đào Duy Phúc, vẫn thực hiện phim chiến tranh Việt Nam như các đạo diễn thế hệ trước đã làm.

Cũ và sáo. Có những bộ phim làm như cố gắng để cho xong. Và cũng có những bộ phim mà không biết vì sao lại có thể được duyệt những khoản kinh phí không nhỏ để thực hiện. Một nhà báo đã miêu tả tình trạng của Ban giám khảo phim truyện nhựa khi chấm giải là vừa xem phim vừa ngủ gật. Những người làm nghề cũng không thực sự hứng khởi với những sản phẩm của đồng nghiệp. Vậy thì có nên trách khán giả của chúng ta?

Nhìn từ danh sách phim được giải năm nay, thấy rõ sự chấp chới về tiêu chí. Không dám khẳng định dòng phim truyền thống như "Trái tim bé bỏng" chiến thắng toàn diện, dù bộ phim đã đoạt giải báo chí, giải đạo diễn và giải diễn viên nữ chính. Cũng không dám khẳng định dòng phim giải trí chiến thắng, dù phim nhận giải kịch bản, nữ diễn viên phụ và họa sỹ.

Cuối cùng thì trao đều cho cả hai, ở một mức thấp hơn mức Cánh diều vàng. Còn thế nào mới đạt được "Cánh diều vàng"? Tiêu chuẩn không rõ và người ta vẫn phải đành lòng chấp nhận.

Có không ít người cho rằng, việc bộ phim "Rừng đen" gần như trắng tay trong giải lần này là một thiệt thòi cho đạo diễn Vương Đức. Bởi đây là một bộ phim gai góc và giải quyết vấn đề quyết liệt. Dẫu vậy, sẽ còn quá sớm để kết luận về một bộ phim khi nó chưa được chiếu rộng rãi tới công chúng. Bởi điện ảnh, cái quan trọng vẫn là, có khán giả nào háo hức với nó hay không.

Quá nhiều giải thưởng, lễ trao giải diễn ra trong sự tẻ nhạt. Một không khí cố gắng trang trọng nhưng thiếu hấp dẫn và không khiến người xem tiếc nuối khi phải rời bỏ. Nghệ sỹ tham gia nhiều hơn khán giả. Và trên truyền hình, đó là một buổi trao giải trực tiếp đầy lỗi.

Và lỗi trước tiên lại được đổ cho kinh phí quá ít, trong khi đó ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã khẳng định với chúng tôi trước giờ khai cuộc Cánh diều vàng rằng, kinh phí ít nhưng vẫn sẽ có buổi trao giải hấp dẫn.

Sau lễ trao giải, cũng ông Trần Luân Kim cho báo giới biết: "Ban Tổ chức có ý tưởng thuê một số xe hơi chở 30 cặp nghệ sĩ tập trung ở địa điểm gần nhà hát, để cứ vài chục phút lại có một xe chở một cặp nghệ sĩ đến sảnh nhà hát, tại đó đã có sẵn người chờ mở cửa xe, trịnh trọng giới thiệu tên mỗi nghệ sĩ và rước lên thảm đỏ, nhưng vì không có tiền nên đành chịu".

Năm nào chúng ta cũng sẽ đưa ra những góp ý, những chia sẻ và cả những lời trách cứ để nhằm giúp Hội Điện ảnh Việt Nam tìm ra những cách làm việc hiệu quả hơn. Nhưng rồi những góp ý ấy cũng không được đổi thay là bao. Và năm sau, Cánh diều vàng vẫn lại là đề tài bàn tán của báo giới và là sự thất vọng của dư luận.

Sẽ là nặng nề, nhưng cũng không hẳn là không có lý, rằng chính những người làm điện ảnh đang bị sức ỳ nặng quá, khiến cho chính họ đã phải tự triệt tiêu trong mình khát vọng đổi thay?

Và điện ảnh, bộ môn nghệ thuật hấp dẫn bậc nhất, vẫn đang phải chịu cảnh khán giả thiếu tôn trọng. Bởi vì trước hết, phim của chúng ta chưa hay…

Đạo diễn Vương Đức: Lần đầu tiên trong đời, Vương Đức im lặng trước những vấn đề của điện ảnh sau khi kết thúc giải Cánh diều vàng. "Tôi không bình luận gì vì tôi chưa xem hết các phim. Nhưng với kết quả vừa rồi thì rất nhiều người đã cảm thấy bất ngờ.

Tôi đang muốn đi uống một ly rượu và chờ bản phim in tráng dolby 5.1 của "Rừng đen" từ Thái Lan trở về. Tuần sau chúng tôi sẽ tổ chức chiếu cho anh em trong đoàn phim cùng xem. Khi ấy, chúng ta sẽ nói về bộ phim của tôi và về điện ảnh Việt Nam".

Đạo diễn Lê Hoàng: Tôi cực lực phản đối việc trao giải "đồng hạng", hai giải vàng, hai giải bạc. Nó là cái gì đó như sự cào bằng. Hãy chọn lấy một thay vì sự cầu toàn ấy. Ít nhất sự dũng cảm đó sẽ làm cho cái giải thưởng này nó bớt cũ kỹ nhàm chán đi.

Tôi cũng không bao giờ tin, điện ảnh tư nhân sẽ đoạt được giải thưởng cao nhất trong giải của Hội Điện ảnh. Và hơn nữa, các hãng phim tư nhân họ không có ý định làm phim chỉ để chiến thắng trong một giải thưởng như thế này.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Với tôi, việc "Nụ hôn thần chết" được giải Cánh diều bạc được coi như một cái "phần thưởng phụ" vì chúng tôi không tính đến chuyện làm phim để dự thi. Chúng tôi muốn làm phim có nhiều khán giả mà thôi, nhưng được thêm giải thì cũng là một điều mừng.

Tôi chỉ thấy có điều là lễ trao giải Cánh diều vàng năm nay không thành công lắm. Không có lễ trao giải điện ảnh nào mà lại không có giải vàng. Ít nhất chúng ta cũng phải có một phim khá nhất trong những phim tham dự chứ.

Nếu như chúng ta có những tiêu chuẩn cụ thể cho Cánh diều vàng thì không có vàng cũng không sao, nhưng cái này hoàn toàn phụ thuộc vào Ban giám khảo. Khi chấm giải không có diều vàng thì không có lợi cho ai ngoài việc chứng tỏ, gout thưởng thức của Ban giám khảo… rất cao!

Tôi cũng nói thêm rằng, giải Cánh diều vàng cũng giống khá nhiều giải của các hội nghệ thuật ở Việt Nam. Chúng tôi muốn góp ý kiến để có thể cải thiện trong mùa giải sang năm, để nghệ sỹ hào hứng chờ đón giải thưởng này hơn.

Toàn Nguyễn (ghi)

Bạch Đàn
.
.
.