"Dừng phát sóng ‘Những người độc thân vui vẻ’ là tất yếu"

Thứ Sáu, 03/07/2009, 08:43
“Phim không thất bại về doanh thu, có chăng là thất bại về uy tín và nghề nghiệp” - nhà văn Phạm Ngọc Tiến, biên tập chính của “Những người độc thân vui vẻ”, cho biết.

Chí Trung - Minh Hằng - Giang "Còi", ba nghệ sĩ hài nổi tiếng tham gia "Những người độc thân vui vẻ".

- Ông đánh giá thế nào về việc VFC quyết định dừng sản xuất “Những người độc thân vui vẻ”?

- Chúng tôi cảm thấy chất lượng bộ phim đang đi xuống. Đó là lý do quan trọng nhất. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng một bộ phim theo thể loại sitcom của Trung Quốc, có những nhân vật chính cố định, câu chuyện ngắn nối tiếp nhau với những tình huống hài hước sẽ là sự đổi món hấp dẫn cho khán giả. Nhưng càng làm càng thấy rằng, món ăn lạ để được chấp nhận, thời gian cũng là chưa đủ.

Chúng tôi không lường hết tính phức tạp của việc sản xuất bộ phim này và để nó đi quá đà. Nếu phim này chỉ đi trong khoảng một năm thì không đến nỗi, tiếc là nó kéo quá dài, nhất là sự khởi đầu được PR rầm rộ. Giả sử ngay từ đầu chúng ta cứ lặng lẽ làm thì cả công chúng và nhà sản xuất không đến nỗi hẫng hụt, rồi thất vọng đến thế.

Trước đây, Gặp nhau cuối tuần tập trung vào những chủ đề lẻ, những sự kiện xã hội nóng, những thói hư tật xấu, sau một thời gian dài ăn khách đã đi xuống. Theo đánh giá cá nhân tôi, khi mình làm một việc càng cố kéo dài càng không có lợi. Khi không thu được lợi lại làm tổn hao cái mình có sẵn thì không ai là không dừng. Sự dừng lại này là tất yếu.

- “Những người độc thân vui vẻ” được đầu tư rất nhiều, có điều kiện hơn các phim khác nhưng lại không đem lại hiệu quả như hứa hẹn. Ông nghĩ thế nào về thất bại này?

- Chúng ta chưa có cái nhìn rõ ràng trong việc đánh giá thành công, thất bại của Những người độc thân vui vẻ. Nếu nói về mặt doanh số, chúng tôi không thất bại bởi thước đo của chúng tôi là quảng cáo. Chúng tôi sản xuất ra bộ phim cũng để thu hút quảng cáo vì Đài truyền hình Việt Nam bây giờ không được sự bao cấp của nhà nước nữa, tất cả phải tự hoạch toán. Bộ phim này có sự hợp tác với công ty MESA, nằm trong công tác xã hội hóa như Cô gái xấu xí do BHD sản xuất. Nó khác với vệt phim VTV1 như Ma làng làm theo chỉ tiêu của Đài giao.

Nói ví dụ đầu tư cho phim này một tập hai trăm triệu đồng, nó thu về dăm bảy trăm triệu như vậy chúng tôi không thất bại về doanh thu, có chăng là thất bại về uy tín và nghề nghiệp.

Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến.

Dừng phát sóng bộ phim, VFC sẽ ứng xử thế nào với đối tác của mình?

- Tôi nghĩ Việt Nam có câu: “Cơm không ăn gạo còn đó”. Nếu sản xuất toàn bộ mà bây giờ chiếu được một nửa buộc phải dừng, phần kia vứt đi không quyết toán được thì đó là thiệt hại khó bù đắp. Còn ở đây mình chủ động dừng hẳn. Đầu tư trường quay không có nghĩa hết Những người độc thân vui vẻ là vứt đi vì đây là sự đầu tư dài hơi của đối tác, sau phim này sẽ còn làm nhiều phim khác. Nếu họ thu hồi vốn nhanh thì coi là thắng lợi, nếu thu hồi vốn chưa nhanh tạm coi là của để dành.

- Ông có e ngại việc thừa nhận ngừng sản xuất “Những người độc thân vui vẻ” sẽ khiến phim càng mất khán giả?

Theo kế hoạch, Những người độc thân vui vẻ sẽ kéo dài trong 2 năm với khoảng 500 tập nhưng do không như mong đợi của nhà sản xuất cũng như khán giả, mới đây, Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình VN (VFC) đã quyết định ngừng sản xuất bộ phim này ở tập 171. Hiện phim đã phát sóng đến tập 145. Gần 30 tập phim nữa sẽ được tiếp tục chiếu từ nay đến hết tháng 9.

- Có thể là như vậy nhưng trong 12 tập cuối phim, chúng tôi trau chuốt hơn nhiều. Sự dừng này không đột ngột, nó đã được tiên liệu nên không có chuyện chúng tôi sản xuất đến đâu thì buộc phải chiếu đến đó. Chúng tôi có thời gian chuẩn bị cho cái kết tạm xem là êm đẹp của phim.

- Ông so sánh thế nào giữa “Những người độc thân vui vẻ” và “Cô gái xấu xí”, hai bộ phim sitcom mua bản quyền nước ngoài và chiếu gần như cùng lúc?

- Nói một cách công tâm, Cô gái xấu xí là điển hình của sự thành công, trong khi bộ phim của chúng tôi thì ngược lại. Rõ ràng hai cái một trời một vực. Quảng cáo của Cô gái xấu xí cũng gấp hai, ba lần Những người độc thân vui vẻ. Chúng tôi nhận ra một kinh nghiệm, nếu có Việt hóa, nên Việt hóa kịch bản phương Tây vì nó sẽ dễ dàng hơn nhiều việc Việt hóa kịch bản phương Đông.

Ban đầu chúng tôi thấy Trung Quốc - Việt Nam là hai quốc gia láng giềng có cách sống gần gũi nên tưởng có những nét tương đồng về văn hóa nhưng hoàn toàn không phải. Người Trung Quốc sử dụng cách nói ngược. Thành ngữ, phương ngữ của họ cũng khác, dựa vào những điển cố mà mình không hiểu nên khó có thể chuyển tải sang tiếng Việt. Khi chúng tôi nhận thấy điều này và muốn thay đổi bằng cách lược bớt các nhân vật cũ, đưa nhân vật mới vào với các vấn đề của xã hội Việt Nam để phim tươi mới hơn, gàn gũi hơn, chúng tôi lại tính sai. Người ta đã đúc ở khuôn của nó, nó bắt buộc phải theo cấu trúc như thế. Mình định phá ra, cải tiến, thì sẽ phá hỏng cái đã định hình.

Cô gái xấu xí thuận tiện hơn vì mua bản quyền phương Tây. Ta với Tây lại dễ vì nó là một đời sống khác, một ngôn ngữ khác, mình chỉ lấy cốt truyện của họ, biến thành câu chuyện của người Việt. Phương Tây tính dục mạnh, lối sống tự do mạnh, mình điều tiết đưa vào đời sống của mình. Cô gái xấu xí làm duyên đến mức hoàn toàn là tính cách Việt, câu chuyện Việt, không thể nhận ra nó là kịch bản nước ngoài nếu đó không phải là bộ phim quá nổi tiếng. Có người đã nói với tôi một câu rất hay nhân việc dừng phát sóng phim Những người độc thân vui vẻ: “Mỗi dân tộc hãy tự tìm tiếng cười của riêng mình”. Tôi cho rằng đó là câu rất đáng suy nghĩ. Chúng tôi chệch so với Cô gái xấu xí ở chỗ, không thể lấy tiếng cười Trung Quốc sửa sang đi thành tiếng của dân tộc mình.

Mạnh Cường, Thủy "Top" trong phần phim mới phát sóng.

- Những bộ phim đề tài nông thôn như "Ma làng", "Gió làng Kình" ông biên kịch khá thành công. Nay chuyển sang đề tài về cuộc sống của người thành phố lại gặp ngay thất bại, phải chăng do ông không có duyên với mảng này?

- Biên kịch khác, biên tập khác. Biên kịch là viết ra những thứ mình muốn, mình thích, mình chăm chút, mình gửi gắm. Biên tập là mình làm theo công việc đặt hàng, chỉnh sửa cái có sẵn. Tôi cũng làm về đề tài thành phố nhiều chứ. Tôi từng là tác giả của Chuyện phố phường mà tôi thấy khá thành công. Bây giờ tôi sẽ ngừng nông thôn để làm thành phố.

Tất nhiên là khi phim bị dừng phát sóng, mình hoàn toàn không thích thú, có thể buồn, có thể thấy tổn hại. Mình gián tiếp gây ra thiệt hại gì thì đó là sự day dứt.

- Sau thất bại với “Những người độc thân vui vẻ”, hướng sản xuất phim sitcom của VFC sẽ thế nào?

- Với phim sitcom chúng ta vẫn đi đúng, chỉ có điều những bước đi đầu tiên của chúng ta bị vấp váp. Đó là tất yếu. Hollywood còn mua phim Trung Quốc, phim Đài Loan về dựng. Chúng ta sẽ tiếp tục mua những kịch bản nước ngoài để Việt hóa. Điều này nằm trong tương lai xa chứ không chỉ tương lai gần. Nó là sự hòa nhập của thế giới ngày nay, cái gì văn minh, tiên tiến mình phải học tập vì nó đều xuất phát từ con người. Việt Nam cũng có thể tự làm phim sitcom. Để làm những cái dài hơi có thể mình chưa hay, chưa đủ, nhưng nếu không làm được 100 tập, 200 tập, sao mình không làm 40-50 tập? Nay mai VFC không làm cũng sẽ có đơn vị khác làm. Ít nhất, họ nhìn vào Những người độc thân vui vẻ mà biết dè chừng. Đó cũng là một yếu tố tích cực trong bộ phim của chúng tôi. Riêng với cá nhân tôi, lần sau gặp kịch bản dạng như Những hộ gia đình buồn chán thì tôi cũng chạy.

- Sau bộ phim này, kế hoạch sắp tới của ông thế nào?

- Tôi chưa có kế hoạch gì. Hiện tại tôi ốm lắm, chỉ lo ăn đong thôi. Tính mạng bản thân mình, mình còn chả biết kéo dài đến bao giờ. Tôi bị tiểu đường và bệnh gan, nên không có kế hoạch dài hơi. Tất nhiên còn làm việc thì còn phải viết. Nó là kế sinh nhai để tồn tại

Theo Ngọc Trần (VnExpress)
.
.
.