Dòng phim Việt kiều: Làm phim bằng con mắt người khác

Chủ Nhật, 10/12/2006, 09:22
Các đạo diễn Việt kiều sống xa quê hương, làm phim bằng tư duy hiện đại, ngôn ngữ hiện đại. Nhưng cũng chính vì nhìn Việt Nam bằng con mắt của người khác mà phim của họ chưa gắn với những vấn đề thời cuộc ở Việt Nam.

Dòng phim của các đạo diễn Việt kiều đã được nhắc đến như một niềm hi vọng để điện ảnh Việt Nam có thể "nói với thế giới một điều gì đó". Nhưng họ, từ khoảng cách cơ học và cách đặt vấn đề của người phương Tây, nghĩa là tiếp cận Việt Nam bằng con mắt của người khác, có thể tạo ra được sự mới lạ từ những nếp nhìn thân quen, nhưng đồng thời đã khiến nhiều khi người xem trong nước thấy xa lạ và phản cảm...

Khởi thuỷ cho dòng phim Việt kiều có lẽ phải kể đến Long Vân Khánh Hội của đạo diễn Lê Lâm sản xuất tại Pháp năm 1980, dựng theo câu chuyện về một người lái tàu hỏa phải thi hành công vụ trong khi người vợ ở nhà đang hấp hối... Ba năm sau, Lê Lâm làm tiếp "Tro tàn của đế chế" với sự hoài niệm về quê hương.

Hoài niệm về quê hương cũng là dòng chảy chung của các đạo diễn Việt kiều. Họ tìm về văn hoá mẹ và phản ánh nó trong một cái nhìn đa chiều hơn trong tác phẩm của mình. "Mùa len trâu" của Nguyễn Võ Nghiêm Minh nhấn sâu vào một thứ, đó là văn hoá nước của miền sông rạch Nam Bộ. "Thời xa vắng" của Hồ Quang Minh đi tìm vào gốc rễ của một nền văn hoá gốc bị thay đổi bởi những biến động của thời cuộc. Tony Bùi làm về thân phận người phụ nữ Việt với "Ba mùa". Trần Anh Hùng có "Mùi đu đủ xanh" và "Mùa hè chiều thẳng đứng" khai thác văn hoá Việt trong khuôn khổ các quan hệ gia đình...

Điều mà các đạo diễn Việt kiều làm được là chọn được chất liệu và đề tài hay, đi vào ngưỡng chú ý của đương đại. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý, thì đó là họ đã nhìn Việt Nam bằng con mắt của kẻ khác, con mắt của người nước ngoài. Và do đứng cùng mặt bằng với thế giới nên các đạo diễn Việt kiều có một tư duy hiện đại, ngôn ngữ hiện đại. Họ không kể câu chuyện, phim của họ không phụ thuộc vào lời thoại của nhân vật mà phụ thuộc vào việc tả câu chuyện. Chính vì thế mà ngôn ngữ điện ảnh được phát huy. Và cả sự im lặng cũng được phát huy... Ông Thuý cho rằng, hoài niệm quê hương luôn là mấu chốt trong các tác phẩm của đạo diễn Việt kiều, đẹp và buồn.

Nhưng cũng chính vì nhìn Việt Nam bằng con mắt của kẻ khác mà phim của các đạo diễn Việt kiều còn chưa gắn với những vấn đề thời cuộc ở Việt Nam. Điều này đòi hỏi các đạo diễn Việt kiều phải sống với phần tâm hồn Việt Nam ở trong mình và với hiện thực đất nước Việt Nam nhiều hơn, sâu hơn. Và không biết có phải vì thế mà phim của các đạo diễn Việt kiều có giải thưởng nhưng chưa khi nào là ở các liên hoan phim lớn trên thế giới?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, do có khoảng cách về địa lý nên đôi khi những đường nét tinh tế của tinh thần văn hoá bị nhoè đi. Đây là lý do tồn tại một hiện thực có vẻ nghịch lý: Một số không nhỏ những tác phẩm của các nghệ sỹ Việt kiều không tìm được sự đồng thuận của người xem  trong nước. "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn Trần Anh Hùng gây dị ứng đáng kể trong hình thức biểu hiện của nó. Dị ứng vì tiếng nói của nhân vật và dị ứng vì cách xử lý các yếu tố văn hoá trong phim.

Hay như "Mùa len trâu" của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, trường đoạn Luỹ đem xác cha ghé vào chòi lá của cặp vợ chồng già và nhận được sự giúp đỡ của họ. Người xem chờ được thấy một bi kịch tuyệt mỹ từ tình huống có một không hai này. Nhưng xúc cảm đã trôi tuột đi, bởi những tình tiết hơi hài hước. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đặt vấn đề, phải chăng tác giả đã không thực sự thấu đáo về quan niệm của người Việt trước cái chết và sâu hơn nữa là cách ứng xử đầy hào sảng, không so đo tính toán của người Việt Nam Bộ?

Đạo diễn Nguyễn Khải Hưng cũng cho rằng, phim của các đạo diễn Việt kiều có những khoảng cách với sự tiếp cận của khán giả trong nước mà "Mùa hè chiều thẳng đứng" của Trần Anh Hùng là một ví dụ. Không có được một sự hiểu biết thấu đáo trong quan niệm thẩm mỹ và đạo đức của người Việt nên Trần Anh Hùng đã dựng nên cảnh hai anh em trong một gia đình gia giáo Hà Nội lại ngủ chung giường. Và ông Hưng còn cho rằng, diễn viên Quang Hải trong vai người anh đã quá yếu ớt trong việc tranh luận với đạo diễn để tìm được tiếng nói thích hợp cho nhân vật của mình.

Ông Hưng khẳng định: "Tôi đã không dưới mười lần nghe những người bạn Trung Quốc hỏi, Trần Anh Hùng nước anh có giỏi bằng Trần Khải Ca của chúng tôi không? Tôi nói tôi không thích Trần Anh Hùng. Tôi thấy Trần Anh Hùng không phải là người có văn hóa Việt sâu sắc. Anh ta làm phim cho người nước ngoài chứ không phải cho người Việt xem".

Nhà báo Đoàn Tuấn, Phó Tổng Biên tập tạp chí Thế giới điện ảnh đã băn khoăn nhiều về cái gọi là văn hoá của một số đạo diễn Việt kiều. "Sau khi nhận giải camera vàng tại LHP Cannes 1992, Trần Anh Hùng mang "Mùi đu đủ xanh" về chiếu tại Hội Điện ảnh Việt Nam". Có một số ý kiến sau buổi chiếu cho rằng, Trần Anh Hùng tuy làm về đất nước con người Việt Nam nhưng lại có nhiều yếu tố và chi tiết văn hoá mang màu sắc Trung Hoa quá... Và đạo diễn này trả lời rằng, "người Việt Nam chúng ta trước kia cũng là người Hoa cả thôi". Điều này làm cho nhiều người bất ngờ.Ông Tuấn băn khoăn rằng, một đạo diễn hiểu và nói về dân tộc mình như vậy thì các tác phẩm sau này và chặng đường tiếp theo của anh ta ra sao?

Với Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạo diễn phim "Mùa len trâu", ông Đoàn Tuấn cũng  thấy phân vân khi đạo diễn này lý giải rằng, anh sử dụng những cảnh bạo lực trong phim vì theo quan điểm của anh, thế hệ trẻ Việt Nam ở Nam Bộ, cụ thể là những người đàn ông trong những năm 40 của thế kỷ XX, bị người Pháp khống chế, không làm gì được họ quay ra đánh lộn lẫn nhau(?!). "Tôi không rõ cách lý giải này có được lòng người Pháp hay không, nhưng chắc chắn không được khán giả trong nước chấp nhận..." - ông Đoàn Tuấn kết luận.

Không thể phủ nhận sự đóng góp của các đạo diễn Việt kiều trong dòng chảy chung của điện ảnh Việt Nam. Nhưng không vì thế mà chúng ta không nhìn lại một cách nghiêm túc những vấn đề liên quan đến cách nhìn, cách lý giải văn hoá và lịch sử Việt Nam của các đạo diễn này. Sự xa lạ có thể đến do thiếu tiếp cận đời sống đương đại, cũng có thể do mục đích chính của các đạo diễn này là dành cho người nước ngoài với sự tò mò khám phá những bí ẩn trong văn hoá phương Đông. Nhưng dù sao đi nữa, muốn lấy Việt Nam làm chủ đề chính trong tác phẩm của mình, muốn đem văn hoá Việt Nam để giới thiệu với bên ngoài, người nghệ sỹ cần thực hiện trách nhiệm của một người dân với dân tộc mình

Toàn Nguyễn
.
.
.