Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận:

Đem tò he đến Mỹ

Thứ Năm, 19/05/2005, 07:22

"Trên 40 năm trong nghề nặn tò he truyền thống, nếm trải đủ niềm vui nỗi buồn, nhưng dấu ấn quan trọng nhất đời tôi có lẽ là chuyến đi Mỹ sắp tới. Đó là vinh dự lớn để tôi giới thiệu những nét đẹp văn hóa làng nghề tò he truyền thống với bạn bè quốc tế", nghệ nhân tò he Nguyễn Văn Thuận (làng Xuân La, huyện Phú Xuyên, Hà Tây) nói.

Tháng 7 tới, nghệ nhân tò he Nguyễn Văn Thuận sẽ đi Washington (Mỹ) nhân "Những ngày Việt Nam tại Mỹ". Chuyến đi do Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Văn hóa - Thông tin) tổ chức.

Nghề nặn tò he xuất hiện ở làng Xuân La từ bao giờ không ai biết chính xác, và cũng không còn gia phả ghi lại tên tuổi cụ tổ nghề. Đã qua 5-6 thế hệ cha truyền con nối duy trì đến nay. Ông Thuận cho biết: "Tôi là đời thứ 5, giờ đã có thế hệ các con tôi, và cháu tôi tiếp tục làm nghề". Mỗi thế hệ được công nhận thành nghề phải nặn tò he đạt đến trình độ tinh tế về màu sắc, các chi tiết có được sự mềm mại, uyển chuyển và sinh động. Đặc biệt, nặn tò he chỉ dựa vào sự khéo léo của đôi bàn tay mà không hề có khuôn; có thể nặn bất kì hình gì theo yêu cầu của khách mà không cần mẫu. Ông Thuận dí dỏm nói: "Nghề này đòi hỏi trí tưởng tượng và năng khiếu, nhưng trong suy nghĩ nhiều người, nó là nghệ thuật nơi… đầu đường góc chợ".

Lấy nghề làm vui, lấy bọn trẻ làm thứ… rượu say nghề, ông vác một hộp gỗ nhỏ đựng dụng cụ nặn tò he: Phẩm màu, bột nếp, dao, lược để đi vào khắp góc phố, công viên ở Tp. Hồ Chí Minh. Đối với ông Thuận, nặn tò he vui nhất khi các cháu bé quây quần quanh mình. Chúng tò mò hỏi lão nghệ nhân về những con tò he. "Nhiều cháu thấy tò he là đòi mẹ mua cho bằng được. Có cháu không có 2 nghìn, 3 nghìn đồng mua một  con, tôi cho cháu, lấy niềm vui cho mình. Thậm chí chúng đòi nặn thử, tôi cũng chỉ cho cách nặn, cách pha chế màu. Trẻ thích là quý rồi", ông tâm sự. "Cho trẻ chơi tò he là dịp các cháu thấy được nét đẹp văn hóa truyền thống; cũng là cách dạy trẻ làm người, học sự khéo léo, tính kiên trì và óc tưởng tượng. Tạo sự cuốn hút trong mỗi con tò he để trẻ đỡ sa vào trò chơi mang tính bạo lực". Vinh nghề là vậy, mà buồn nghề cũng không ít. Điều khiến ông còn nhiều băn khoăn, tò he truyền thống là văn hoá nghệ thuật làng nghề mà chỉ duy trì được chủ yếu  nhờ… bám vỉa hè lề đường công viên, nên không tránh được ánh mắt thiếu trân trọng.

Tuy thế, ông vẫn sống chết với nghiệp tò he, bởi "máu" nghề ngấm vào người ông từ những ngày còn nhỏ. Ông Thuận được sống trong môi trường... toàn tò he, cả làng cùng làm nghề. Khi lên 8 - 9 tuổi, ông đã được cha mẹ truyền nghề. Từ việc nhào bột nếp sao cho dẻo mịn, pha màu sao cho tươi, đến việc nặn những con tò he đơn giản như: Bông hoa, con lợn, con gà, Tôn Ngộ Không, Na Tra…

Theo ông, nặn con rồng khó nhất, đòi hỏi nhiều chi tiết, sắc màu, các đường nét tạo dáng. Còn những con tò he khác chỉ 3 phút là xong. Nay đã gần 60 tuổi, ông vẫn ngược xuôi trong Nam ngoài Bắc. "Khi thì tôi ở Thanh Hoá, vài hôm lại vào Nghệ An, dăm bữa lại tới Tp. Hồ Chí Minh" - ông Thuận tâm sự : "Nặn tò he không đòi hỏi lao động vất vả, nhưng phải đi nhiều, mỗi tỉnh ở một vài hôm rồi đi. 365 ngày trong năm tôi chỉ ở nhà với vợ con được một nửa. Tôi vẫn coi đó là những chuyến du lịch để biết thêm về quê hương đất nước, và cũng góp chút ít vào kinh tế gia đình". Thu nhập nghệ nhân tò he khó tính chính xác, ngày thì ba bốn chục nghìn đồng, ngày lễ Tết có thể lên 100 nghìn đồng/ngày, khi thì chẳng đủ tiền trọ.

Chuyến đi Mỹ trong tháng 7 sắp tới gần, nhưng cuộc sống hàng ngày của ông Thuận không thay đổi nhiều. Sáng vẫn ăn mì tôm, đi nặn tò he ở các tỉnh lân cận một vài hôm, và vẫn mang theo cái gối ngủ bằng… gỗ sồi, nó gắn bó với ông suốt gần 10 năm qua, có lẽ ông cũng mang theo sang Mỹ. "Đi Washington chuyến này, tôi không nghĩ chỉ là chuyến du lịch thông thường", ông Thuận nói: "Là đại diện cho làng nghề, phải làm sao trên tinh thần tìm hiểu, giao lưu, giới thiệu những nét đẹp văn hóa nghệ thuật của làng nghề tò he, đồng thời học hỏi cái hay cái đẹp làng nghề khác về phổ biến cho bà con".

Ông Đào Duy Mến, Trưởng thôn Xuân La cho biết: "Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị - văn hóa. Chúng tôi lựa chọn người đại diện đi giao lưu theo yêu cầu của huyện và Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Văn hóa - Thông tin. Người đại diện dân làng Xuân La, ông Nguyễn Văn Thuận, có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, trình độ tay nghề, có khả năng giao tiếp tốt để giới thiệu về làng nghề". Cũng theo ông Mến, làng nghề Xuân La có từ lâu đời, có nhiều thế hệ nghệ nhân, nhưng vẫn chưa được công nhận chính thức là làng nghề truyền thống

Hải Hòa
.
.
.