Cuộc thi thơ và ký của Tạp chí VNQĐ:

Còn đợi những đỉnh cao

Thứ Sáu, 31/12/2004, 07:56

Theo đánh giá của Ban giám khảo, về phần thơ, cuộc thi mặc dù đã nhận được rất nhiều tác phẩm tham dự, song rất khó để tìm ra những bài thơ thật sự có sự bứt phá về tư tưởng, về tư duy thể loại, về cấu tứ, về bút pháp... Đến phút chót, BGK vẫn không tìm thấy ứng cử viên nào xứng đáng để trao giải nhất.

Sau hai năm tiến hành, ngày 30/12, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) đã long trọng tổ chức buổi lễ trao giải thưởng cuộc thi ký và thơ (2003 - 2004) và phát động cuộc thi truyện ngắn (2005 - 2006).

Cuộc thi thơ và ký lần này diễn ra trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, và là hoạt động văn hoá trọng điểm nhất về văn học nghệ thuật và báo chí của Quân đội trong thời gian 5 năm (2000 - 2005) do Tổng cục Chính trị tổ chức.

Cuộc thi đã thu hút sự hưởng ứng đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, của bạn viết trong và ngoài Quân đội, với nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội ở nhiều vùng, miền của đất nước. Đặc biệt, có sự tham gia của các tác giả Việt Nam sinh sống ở nước ngoài với tinh thần hướng về Tổ quốc.

Có 9 nghìn tác phẩm thơ và 750 tác phẩm ký tham dự cuộc thi. Ban giám khảo đã lựa chọn được 29 tác giả có tác phẩm đoạt giải, trong đó 14 tác giả đoạt giải thưởng về thơ, 15 tác giả đoạt giải thưởng về ký.

Giải nhì thơ thuộc về tác giả Vũ Bình Lục với tác phẩm Đám cưới một linh hồn; Nguyễn Thị Trà Giang với chùm thơ Về Long Xuyên nhớ Lâm Thanh Hồng, Má về Vĩnh Long; Trần Kim Hoa với chùm thơ Mẹ muốn ôm vào lòng hiền ngoan của mẹ, Phố. Giải nhất ký là tác giả Lương Ngọc An với hai tác phẩm Đất đai thầm kểNhững thợ săn trên biển.

Điều thú vị đối với các tác giả giải nhì thơ trong cuộc thi lần này, ví như tác giả Kim Hoa, mặc dù được xem là người viết thơ khá nhiều và lâu năm, nhưng đây là cuộc thi đầu tiên chị tham gia và đã đăng quang ở giải cao nhất.

Còn với tác giả Vũ Bình Lục, hiện là thầy giáo thương binh dạy văn ở trường PTTH Quang Trung (Đắk Lắk), bài thơ duy nhất giúp tác giả đăng quang ở giải cao nhất lần này lại xuất phát từ một niềm rung động sâu sắc khi anh đọc câu chuyện khó tin nhưng có thật ở Báo An ninh thế giới cuối tháng "Chồng tôi đã làm đám cưới với một linh hồn". Bài thơ Đám cưới một linh hồn được tác giả Vũ Lục Bình, một thầy giáo từng là người lính đã đi qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc viết ra trong nỗi tự cảm thẳm sâu ấy.

Chùm ký của tác giả Lương Ngọc An là kết quả của những chuyến đi lang thang dài ngày lăn lộn bám đất, bám biển để chắt chiu cho mình những trang viết ngồn ngộn một sức sống tươi mới của cuộc sống người lao động.

Cuộc thi đã khép lại với ít nhiều những thành công nhất định, góp phần vào sự phát triển của đời sống văn học nghệ thuật. Song bản thân những người trong cuộc và cả bạn đọc yêu mến hai loại hình nghệ thuật này đều cảm thấy tiếc nuối, khao khát được đọc những tác phẩm đỉnh cao của thể loại thơ. Và như vậy, cuộc thi lần này một lần nữa cho thấy con đường đầy khó khăn và mệt mỏi của thi ca, khi hầu hết ở các cuộc thi gần đây không tìm thấy những tác phẩm đỉnh cao

.
.
.