Chợ hoa ngày tết tại TP HCM: Hoài niệm trong hiện đại

Thứ Năm, 26/01/2012, 15:13
Không đơn thuần là nơi giao thương, mua bán hoa kiểng mỗi độ xuân về, chợ hoa TP HCM dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, liên tục tăng nhanh cả về quy mô, số lượng lẫn hình thức tổ chức.

Có lẽ chưa năm nào chợ hoa tại TP HCM lại được tổ chức nhiều và… kỳ công như năm nay. Được chính danh “điểm mặt đặt tên” đã có trên 50 chợ, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2010. Quy mô lớn nhất vẫn là 3 chợ chính đặt tại công viên 23/9, Lê Văn Tám và Gia Định, trong đó hấp dẫn nhất vẫn là chợ hoa công viên 23/9.

Từ 23 Tết, hàng ngàn gian hàng hoa đủ loại, từ các hàng bông bình dân, thông dụng cho đến lan, tắc (quất), mai vàng, sứ, kiểng đủ kiểu, đủ các kích cỡ. Không khó để nhận thấy một góc khá hoành tráng dành riêng đào, thứ hoa Tết giúp những người con miền Bắc không có dịp đón Tết ở quê nhà khỏa lấp phần nào nỗi chống chếnh nhưng không đủ để bớt vẻ lẻ loi giữa bạt ngàn sắc màu của các loài hoa đặc trưng đang rực rỡ dưới tiết thời còn nắng nóng của đất phương Nam.

Giá cả cũng đủ mức. Chỉ vài ba chục ngàn, người thu nhập thấp có thể “dinh” về một cặp chậu cúc vàng ươm hay dằn lòng bỏ ra dăm trăm ngàn cho một chậu mai nho nhỏ. Những chậu kiểng giá vài chục triệu đến vài trăm triệu cũng được nhà vườn kỳ công vận chuyển về để khẳng định thương hiệu, thậm chí để cho thuê nhiều hơn mục đích bán. Người đến để mua hoa cũng nhiều nhưng số người đến để thưởng lãm hoa vẫn nhiều hơn cả…

Những ngày giáp Tết, toàn bộ khu vực Cầu Đen – Cầu Trắng – Metro thuộc phường An Phú, nhà thiếu nhi quận, phường Bình Trưng Tây, quận 2 như được thay áo mới với những không gian hoa rực rỡ, mang đậm phong thái văn hóa vùng Nam Bộ: chợ hoa tấp nập “trên bến, dưới thuyền” nhộn nhịp bên những xe thổ mộ trang hoàng lộng lẫy, các nghi thức cung đình ngày Tết được tái hiện, các khu vực biểu diễn đờn ca tài tử réo rắt suốt khoảng thời gian tổ chức chợ hoa, các trò chơi dân gian, hướng dẫn gói, nấu bánh tét, thi trưng bày mâm quả ngày Tết, thi hoa xuân và cây, cá cảnh… như kéo xuân ào ạt tràn về.

Một góc đường hoa Nguyễn Huệ, khu vực thay thế chợ hoa Nguyễn Huệ.

Hiện đại mà đầy hoài niệm còn phải kể đến chợ hoa Tết thường niên tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7. Mở rộng ra 500 gian hàng trưng bày với đủ loại: cây cảnh, chim, cá kiểng, gốm sứ, trái cây, tranh thư pháp, các gian hàng đặc sản Tết, các tiểu cảnh tái hiện lịch sử, văn hóa truyền thống của TP HCM và các tỉnh lân cận, hàng ngàn ngọn đèn hoa đăng lung linh thay lời cầu an suốt khu vực cầu Ánh Sao trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ với riêng du khách trong nước…

Nhà văn Sơn Nam lúc sinh thời từng tiếc hùi hụi khi những con thuyền chở đầy hoa tươi khiến cả khúc sông như một “dòng sông hoa” rực rỡ từ các tỉnh đổ về bến Bạch Đằng mỗi dịp giáp Tết. Ông bảo rằng đường hoa đẹp thì đẹp thật nhưng không thể có cái thơ mộng của dòng sông hoa thuở trước… Và, dòng sông ấy, dòng ký ức ấy sẽ mãi tuôn chảy như những mạch ngầm kết nối giữa các thế hệ. Có khác chăng là sự biến chuyển dưới dạng thức này hay dạng thức khác, không nhất thiết tồn tại trong thực tế mà vẫn lưu giữ, được mô phỏng dưới hình thức lễ hội trong không ít các chợ hoa tại thành phố như hiện nay…

Ngọc Nguyễn
.
.
.