Chậm còn hơn không

Thứ Năm, 15/01/2009, 09:53
Thật là thú vị khi những ngày đầu năm 2009 đầy khó khăn này, nhiều người được biết ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân xung quanh một vấn đề hệ trọng của giáo dục: Đổi mới phương pháp dạy học như thế nào.

Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từng 23 năm giảng dạy đại học, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khái quát đổi mới phương pháp dạy học bằng những câu hỏi vừa mang tính chất lý luận, vừa mang ý nghĩa thực tiễn và nhận được nhiều đồng thuận từ xã hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mỗi trường phải coi trọng việc tổ chức phong trào tự học, tự bồi dưỡng thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" với mục tiêu thiết thực, phải nghiên cứu nắm vững chương trình sách giáo khoa, tài liệu tham khảo để thực sự "biết mười, dạy một".

Đồng chí Bộ trưởng cũng nhắc rõ, đổi mới phương pháp dạy học phải là một quá trình vừa tự nguyện, vừa cưỡng bức. Cưỡng bức ở đây thể hiện qua việc nhà trường phải tổ chức lấy ý kiến của học sinh đánh giá về phương pháp dạy của thầy cô, phải tổ chức các cuộc góp ý của đồng nghiệp. Một giáo viên dạy giỏi, biết đổi mới phương pháp phải được học sinh thừa nhận, đồng nghiệp thừa nhận".

Đây là một quan niệm hết sức mới mẻ trong cách dạy và cách học ở trường phổ thông; điều mà cách đây dăm, bảy năm nhiều người phản đối khi ở TP HCM cho phép các trò được quyền nhận xét về cách dạy của thầy cô.

Với cách làm mới này, nhà trường sẽ tạo ra một phong trào: Trò thi đua, thầy vươn lên. Và như thế trong nhà trường dần dần sẽ tạo nên niềm hứng khởi trong học tập và giảng dạy. Trò sẽ không còn những điểm 10 "ảo", những danh hiệu "giỏi ảo" đánh lừa phụ huynh.

Thầy cô giáo không còn cơ hội cho điểm tùy tiện để tiêu cực tràn vào. Trò chỉ có học, học nữa, học có phương pháp. Thầy chỉ có học, học nữa, học mãi mới có cơ hội làm "đầy" mình để tồn tại trên bục giảng. "Quyền uy" của thầy cô lúc này là kiến thức, là nhân cách. Thầy cô sẽ luôn chịu sự kiểm soát vô hình của học sinh, của đồng nghiệp.

Thầy cô lúc này biết rõ mình là ai, vì thế mà "biết mười dạy một" để nuôi dưỡng trí tuệ, truyền tải đến học sinh những kiến thức đúng nhất, chuẩn nhất, gợi mở sáng tạo nhiều nhất. Còn trò thì luôn chịu sự kiểm soát học lực và hạnh kiểm từ chính bạn bè cùng lớp, từ thầy cô, từ phụ huynh của các em. Phụ huynh không còn phải "lo lót" làm hư hỏng thầy cô để kiếm về danh hiệu "ảo" của con mình.

Mọi chuyện đều được phơi ra ánh sáng, giữa "thanh thiên bạch nhật", vì thế mà sẽ minh bạch và bình đẳng. Sẽ không còn những "khoảng tối", những "ngõ quanh co khúc khuỷu", những "cửa sau" làm mỏi mệt cả phụ huynh và những thầy cô giáo chân chính.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đổi mới phương pháp dạy học sẽ là tiền đề bắt đầu cho một phong trào thi đua mới có tên là: "Nói không với đọc chép". Sẽ không còn kiểu học nhàm chán, thụ động kéo dài mấy chục năm, tồn tại từ lớp 1 bảng đen đến giảng đường đại học: Thầy giảng trên bảng, trò ghi (hoặc ngồi chơi) dưới lớp.

Thầy nói cứ nói, trò ngủ gật, vẽ bậy hay nhắn tin, làm việc riêng cuối lớp cũng mặc. Phương pháp "đọc chép" tạo nên một thực trạng đáng buồn không cần học, chỉ cần điểm. Không ít sinh viên nói rằng, học đại học nhàn hơn học phổ thông (?!). Thật vô lý hết sức.

Những ai chỉ cần đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài dẫu chỉ dăm ba tuần thôi cũng đã từng tiếp xúc với một phương pháp học tập dường như rất mới lạ: Học theo nhóm. Tất cả đều phải tư duy, động não trong giờ học. Lúc lên bảng trình bày, lúc phát biểu tranh luận, lúc đối đáp để tiếp nhận v.v...

Học theo nhóm không ai có thời gian làm việc riêng, không ai còn vẩn vơ nghĩ "việc nhà, việc nước"… Nhiều nước đã sử dụng phương pháp này mấy chục năm trở thành một thói quen trong dạy và học ở các cấp học. Học theo nhóm phải chăng là tương đồng với chúng ta từ năm 2009 sẽ "Nói không với đọc chép"? 

Đáng tiếc là từ mấy chục năm, chúng ta đã có không biết bao nhiêu là sinh viên, người tài, lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục du học ở nước ngoài, nhưng không hiểu vì sao khi trở về chưa thể góp phần đổi mới phương pháp học theo nhóm, để "nói không với đọc chép".

Nhưng dù sao "muộn còn hơn không" khi bắt đầu từ năm 2009 đầy khó khăn và thách thức. Ngẫm câu phương ngôn ấy thật chí lí, bởi nó không chỉ đúng trong đổi mới lĩnh vực giáo dục. Cao hơn là ý nghĩa phương châm sống của đời người                                

Hồng Thái
.
.
.