Câu chuyện ngày Chủ nhật: "Ông trời bất lực...."

Chủ Nhật, 05/01/2014, 10:47
Vào lúc mà nhiều người không ngừng chú ý và kỳ vọng vào một chuyên gia Nhật chuẩn bị sang cầm cương V.League thì ông Tổng Giám đốc (TGĐ) VPF Phạm Ngọc Viễn nhận xét chí lý rằng, nếu không có những thay đổi đồng bộ thì đừng nói tới chuyên gia Nhật, mà ngay cả ông trời cũng bất lực với chúng ta.

Xét về mặt tên tuổi và kinh nghiệm hành nghề thì chuyên gia Nhật dự kiến sẽ ngồi vào ghế Trưởng ban Tổ chức (BTC) V.League 2014, ông Tanaka Koji còn khiêm tốn hơn rất nhiều so với chuyên gia Nhật Tanabe - người từng làm cố vấn cho Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng một năm về trước. Nhưng vấn đề bây giờ không phải là ông nào giỏi hơn ông nào, và hai ông liệu có truyền "kinh nghiệm về bóng đá Việt Nam" cho nhau hay không, mà là họ sẽ được chạy trên một đường băng như thế nào.

Chỉ còn non 10 ngày nữa là V.League 2014 sẽ khởi tranh nhưng vẫn đang tồn tại những chuyện thật như đùa về việc có những đội bóng đang phải "vắt chân lên cổ" tìm kinh phí dự giải. Mà nói tới chuyện "kinh phí dự giải" không thể không nhắc lại rằng V.League 2013 kết thúc, VPF đã phải liên tục gửi công văn tới một đội bóng nọ đề nghị đóng tiền theo đúng điều lệ. Câu trả lời mà VPF nhận lại hồi ấy thật khôi hài: Chúng tôi chưa đóng tiền vì chúng tôi nghi ngờ tính minh bạch của VPF! Câu trả lời mà theo nhận xét của các chuyên gia bóng đá hồi ấy thì "nó chẳng khác gì tư tưởng của anh Chí Phèo!".

Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn (phải) hiểu "bệnh" V.League hơn ai hết. Ảnh: H.M.

Trong nhiều lần trò chuyện với người viết, ông cựu Trưởng giải Trần Duy Ly cho biết có rất nhiều đội bóng chây ỳ trong chuyện tiền nong, khiến BTC giải phải gửi công văn lên công văn xuống. Chỉ mỗi một câu chuyện tiền nong như thế đã thấy giải chuyên nghiệp của chúng ta tiếng là "chuyên nghiệp" nhưng kỳ thực đang thể hiện tính nghiệp dư rõ ràng, mạnh mẽ tới đâu.

Tất cả những ai hiểu về J.League (giải VĐQG Nhật) và bóng đá Nhật đều biết đấy là một hệ thống bóng đá mà chuyện tiền nong, chi tiêu được "hoạch định" một cách bài bản, rõ ràng. Ở J.League, mức lương trần, lương sàn của các cầu thủ là bao nhiêu đều được qui định rõ ràng, thay vì được thả nổi như ở V.League nhiều năm qua. Và ở J.League nếu các đội bóng chậm trễ trong chuyện tiền bạc đều bị "tuýt còi" rất nặng, chứ không phải là cứ bị nhắc đi nhắc lại, và càng nhắc lại càng... lờ như ở V.League. Thế nên chuyên gia Nhật sang điều hành V.League chắc chắn sẽ phải khó chịu ngay từ chuyện "đầu tiên" ("tiền đâu"?) chẳng giống ai ở xứ này.

Và dĩ nhiên thì ở V.League không chỉ tồn tại chuyện "đầu tiên", mà còn vô số những luộm thuộm khác đến từ văn hoá sân bãi, văn hoá cầu thủ cho đến văn hoá lãnh đạo. Cái văn hoá mà ở đó, cứ nghi ngờ trọng tài là các lãnh đội sẵn sàng nhảy bổ vào sân rồi sau đó lại sẵn sàng dọa bỏ cuộc để nắn gân BTC. Mà đã có những đội bỏ cuộc thật, trong đó có đội bỏ cuộc khi V.League kết thúc (Hoà Phát.Hà Nội năm 2011), lại có đội bỏ cuộc khi V.League đang diễn ra (Sài Gòn Xuân Thành năm 2013). Năm nay VPF đã đề nghị các đội dự giải phải cam kết một mức tài chính ít nhất 35 tỷ đồng/mùa và đảm bảo về việc phải dự giải từ đầu tới cuối, nhưng với một thứ văn hoá nghiệp dư tồn tại từ chính các đội bóng cho đến những người cầm cương giải đấu thì những đảm bảo ấy có được thực thi hay không lại là một câu hỏi không dễ trả lời.

Và như thế câu chuyện của V.League là câu chuyện về sự phát triển đồng bộ, chứ không phải là những cải cách đơn thuần từ một cái ghế, một ông trưởng giải hay ông A, ông B, ông C nào đó phía trên trưởng giải. Nói như TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn thì nếu không có những thay đổi đồng bộ đó thì đừng nói là một chuyên gia Nhật, mà ngay cả ông trời cũng phải bất lực với nền bóng đá của chúng ta

Diệp Xưa
.
.
.